Dấu ấn 5 năm cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Cập nhật, 13:26, Thứ Ba, 24/07/2018 (GMT+7)

 

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã đạt được một số kết quả tích cực trong sản xuất, cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã đạt được một số kết quả tích cực trong sản xuất, cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng.

Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trên một số lĩnh vực vẫn còn gặp không ít khó khăn, nhất là việc tìm đầu ra ổn định cho nông sản, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho phát triển mô hình sản xuất…

Những kết quả tích cực

Theo đánh giá của BCĐ thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp (trên cơ sở đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp được điều chỉnh, bổ sung năm 2017), đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” giai đoạn từ 2013- 2017 đạt nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, đề án xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả (năm 2017 đạt 169.394ha, giảm 6,7% so năm 2013, tương đương giảm 12.300ha). Cây màu tăng trưởng mạnh cả về diện tích và sản lượng, năm 2017 đạt 54.281ha, tăng 22,3% so năm 2016; sản lượng đạt 991.123,6 tấn, tăng 15,7% so năm 2013.

Trong chăn nuôi, chuyển đổi phương thức tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng cao, quy mô lớn gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ môi trường chăn nuôi. 5 năm qua, toàn tỉnh tăng thêm 6 trang trại và 1.020 gia trại, nâng tổng số đến nay có 121 trang trại và 1.765 gia trại.

Hạ tầng thủy lợi được đầu tư theo hướng đáp ứng đa mục tiêu, vừa phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 110.600ha đất nông nghiệp được khép kín thủy lợi và được tưới tiêu chủ động, tăng 5.100ha so năm 2013 và chiếm 93% diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh.

Thực hiện đề án này, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT)- cho biết: Qua khảo nghiệm, chọn lọc đã chọn được bộ giống lúa chủ lực đưa vào sản xuất đại trà như: OM5451, OM6976, Jasmine 85 khả năng chịu hạn, mặn, phèn.

Về lĩnh vực chăn nuôi, cũng theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, giai đoạn 2012- 2015 đã đầu tư 26 mô hình nuôi heo giống chất lượng cao để phát triển hệ thống cơ sở vệ tinh sản xuất heo giống cấp bố mẹ. Bên cạnh, đã đầu tư 32 cơ sở chăn nuôi gà lông màu theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và an toàn sinh học.

Ông Bùi Văn Ngọc- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Tân- cho biết tổng diện tích trồng lúa từ năm 2013 đến cuối năm 2017 giảm gần 5.000ha, hiện chỉ còn hơn 10.000ha; diện tích trồng màu từ 16.000ha tăng lên gần 21.000ha.

Cơ cấu lịch thời vụ hợp lý, thủy lợi được đầu tư khép kín nên có thể sản xuất được trong mùa mưa lũ bất lợi.

Từ những nền tảng này, ông Bùi Văn Ngọc cho biết kế hoạch của huyện từ năm 2018- 2020 giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản mỗi năm tăng 2%; sản phẩm giá trị trồng trọt- thủy sản trên đơn vị diện tích đạt từ 250- 300 triệu đồng/ ha/năm, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm.

Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Giai đoạn 2015- 2020, BCĐ thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã đề ra kế hoạch thực hiện đạt nhiều chỉ tiêu. Giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản tăng 2,5%/năm; sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên một đơn vị diện tích đạt 200 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn là 45 triệu đồng/người/năm..

Để đạt được, một trong những khó khăn cần giải quyết là tìm đầu ra ổn định, bền vững cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến hàng nông sản. Đặc biệt là hỗ trợ vốn, nhân lực phát triển các hợp tác xã kiểu mẫu- một vai trò nòng cốt trong thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Ông Nguyễn Chí Quyết- Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít- cho biết thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, địa phương đã xác định “3 cây, 3 con” chủ lực và triển khai gần 100 mô hình sản xuất.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa xây dựng được lịch thời vụ gieo trồng tập trung nên chưa thể kiểm soát được dịch bệnh, sản xuất chưa gắn tiêu thụ nên không ít nông sản chưa tìm đầu ra ổn định.

Bên cạnh, các hợp tác xã hiện hoạt động còn hình thức, chưa phát huy vai trò đầu tàu gắn kết sản xuất. Ông kiến nghị, thời gian tới cần hỗ trợ vốn và xây dựng những hợp tác xã kiểu mới để định hướng nhân rộng.

Nói về đầu ra cho nông sản, ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho biết thời gian qua đơn vị này cũng đã thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại qua website sàn giao dịch điện tử, cung cấp giá cả qua tin nhắn; hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn hiệu hàng hóa nhằm quảng bá nông sản của tỉnh đến nhiều thị trường và thu hút doanh nghiệp.

Trước thay đổi thị trường, để tiêu thụ ổn định, ông cho rằng nông dân cần hướng tới sản xuất an toàn. Trên cơ sở “3 cây, 3 con” mà đề án đã xác định tới đây không nên đầu tư dàn trải mà tập trung, xác định khâu đột phá để cơ cấu lại mang hiệu quả cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Quang- Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh- đánh giá cao những kết quả thực hiện thời gian qua.

Trên cơ sở kiến nghị của một số địa phương cho sản xuất vụ 3, ông cho rằng không nên thực hiện, bởi rủi ro cao, mà có thể trồng nấm rơm hay những mô hình phù hợp.

Đặc biệt, không mở rộng diện tích trồng cam sành, áp dụng kỹ thuật vào canh tác tìm đầu ra ổn định, tiếp tục hỗ trợ vốn, nhân lực phát triển hợp tác xã. Trên lĩnh vực nông thôn mới, Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Quang, cho rằng không nên thỏa mãn kết quả đạt được, mà cần nâng chất các tiêu chí. 

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là vấn đề lớn và khó, vì vậy ông đề nghị các cấp, các ngành thời gian tới cần tập trung thực hiện có hiệu quả, đưa mô hình mới hiệu quả, bền vững vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH- THÀNH LONG