Cẩn trọng khi làm vườn ươm cây giống

Cập nhật, 07:53, Thứ Năm, 19/07/2018 (GMT+7)

 

Người dân nên tìm hiểu kỹ thị trường để tránh sản xuất cung vượt cầu.
Người dân nên tìm hiểu kỹ thị trường để tránh sản xuất cung vượt cầu.

Hiện nay, khá nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện Mang Thít “phát sốt” với phong trào ươm cây giống phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, phong trào có tính tự phát này cần có một đánh giá cụ thể và người dân nên chủ động sản xuất tránh tình trạng “cung vượt cầu”…

Ồ ạt tăng diện tích

Về Mang Thít khoảng hơn 1 năm trước, ở một số xã như Chánh An, An Phước, Chánh Hội, Tân An Hội,… đã xuất hiện một số vườn ươm với các loại cây giống như sầu riêng, mít, chôm chôm,…

Trong đó, chủ yếu là sầu riêng và mít. Hơn 1 năm manh nha và phát triển, hiện nay diện tích vườn ươm trên địa bàn huyện được Phòng Nông nghiệp- PTNT đánh giá là phát triển “nóng” và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.

Theo một nông dân tên H. ở xã Chánh An, hiện anh có khoảng 2.000m2 đất thuê để ươm sầu riêng. Mất 2 năm từ khi ươm, hiện nay diện tích cây giống này đã có người trả 600 triệu đồng nhưng anh chưa đồng ý bán.

Theo anh H., giá trị của sầu riêng giống sẽ “sốt” trong thời gian tới bởi nhu cầu thị trường hiện nay là rất cao, nhất là phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, một hộ dân ở xã An Phước cũng đang chuẩn bị cải tạo gần 2.000m2 đất vườn tạp sang vườn ươm sầu riêng.

Chị Lê Mai Lan- chủ vườn ươm- cho hay, chị phải dặn gần 1 tấn hột sầu riêng trong khoảng 1 tháng trời mới có hàng với giá 70.000 đ/kg ở Bến Tre. Tuy giá cao nhưng theo chị Lan, rất nhiều người sẵn sàng đợi mua, thậm chí giá có cao hơn cũng không sao bởi sức hút của mặt hàng này đang rất mạnh.

Với khoảng 1 tấn hột dùng để ươm, theo tính toán của chị Lan, trong vòng 2 năm tới sẽ thu lại khoảng 300 triệu đồng. Trừ hết chi phí hột, công chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật,… thì vẫn còn lời khoảng 200 triệu đồng.

Kinh phí đầu tư ban đầu tùy thuộc vào số lượng hột, giống cũng như diện tích vườn ươm. Nếu như có người chỉ bỏ khoảng 100 triệu đồng để làm thì có những hộ phải bỏ vài trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ để đầu tư.

Theo bà Trần Thị Thân- Phó Chủ tịch UBND xã An Phước: Hiện nay, diện tích vườn ươm tiếp tục tăng không chỉ của hộ dân trên địa bàn xã mà còn của người dân ở các địa phương khác về thuê đất. Các loại cây chủ yếu là sầu riêng, mít, mãng cầu, tắc,… được người dân ưa chuộng.

“Sở dĩ diện tích tăng là do nhu cầu còn rất lớn, hơn nữa trên địa bàn xã đã có đơn vị thu mua giống nên người dân ào ạt trồng theo. Hiện diện tích vườn ươm của xã hơn 268 công, trong đó có 203 công đất tự sản xuất, còn lại là đất cho thuê…”- bà Trần Thị Thân
chia sẻ.

Cẩn trọng với vườn ươm

Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp- PTNT, hiện nay toàn huyện có trên 614.000m2 đất vườn ươm với 140 hộ tham gia sản xuất. Điều đáng chú ý là ngoài diện tích vườn ươm đất tự sản xuất, có khá nhiều diện tích đất được cho thuê để phục vụ sản xuất với chi phí chỉ từ 2- 10 triệu đồng/công/năm và thời hạn thuê từ 2- 10 năm.

Theo ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT thì ngành chức năng đã nắm bắt được tình hình và đã có báo cáo về cấp trên để có những định hướng kịp thời. Tuy nhiên, theo ông, tình hình phát triển vườn ươm “nóng” nhất vào cuối năm 2017 và hiện có nhiều hộ dân tham gia sản xuất.

“Ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo người dân nên xem xét lại nhu cầu thị trường để sản xuất, không nên ươm ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu…”- ông Trương Tấn Được cho biết.

Hiện nay, ngoài Mang Thít, một số huyện trong tỉnh như Long Hồ, Vũng Liêm cũng đã có nhiều vườn ươm. Ngoài ra, có rất nhiều tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên,… có diện tích vườn ươm lớn. Điều này rất có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu và trường hợp xấu nhất là thị trường xuất khẩu ngừng nhập khẩu…

Theo ông Trương Tấn Được, đối với các hộ gia đình cải tạo vườn tạp, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì ngành rất hoan nghênh nhưng còn về vườn ươm, có 2 trường hợp cần lưu ý. Thứ nhất là đất nhà tự sản xuất, đây có thể xem là mô hình chuyển đổi để tăng thu nhập kinh tế.

Thứ 2 là đất cho thuê để ươm cây, chủ yếu là đất ruộng. “Ngành tư vấn cho người dân không nên cho thuê đất để làm vườn ươm bởi thời gian cho thuê dài, giá trị không cao nhưng sau đó, tầng mặt của đất bị lấy đi, khi đó đất rất khó để phục vụ sản xuất hiệu quả được nữa…”- ông Trương Tấn Được nhấn mạnh

Theo ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít thì ngành đã đề nghị UBND huyện, các xã- thị trấn khuyến cáo người dân về tình hình sản xuất cây giống. Đồng thời cũng đã đề nghị tỉnh nên có dự báo cho huyện, cung cấp thông tin để triển khai cho người dân.

Trong khi đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp của huyện sẽ phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật của tỉnh mở lớp tập huấn về cây trồng, trong đó chủ yếu phổ biến các văn bản quy định về vườn ươm cây giống…

 Bài, ảnh: NGUYỄN DUY