Gạo Việt Nam sẽ có thương hiệu ?

Cập nhật, 15:54, Chủ Nhật, 27/12/2015 (GMT+7)

Năm 2015 đang dần khép lại khi Việt Nam tiếp tục đánh dấu mốc kỷ lục khi xuất khẩu gạo đạt khoảng 8 triệu tấn. Vựa lúa ĐBSCL tiếp tục tạo ra kỳ tích khi sản lượng lúa năm 2015 đạt 25,7 triệu tấn, tăng khoảng 430.000 tấn. Song, phần lớn nông dân trồng lúa vẫn còn khó khăn.

Việt Nam lại xuất hiện những đối thủ cạnh tranh về gạo ngay tại sân nhà: sau gạo Thái Lan đến gạo Campuchia đã “mon men”. Cùng lúc này, một chiến lược xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam được xúc tiến, dẫu chậm vẫn còn hơn không !

Nông dân trồng lúa thơm đang đạt lợi nhuận cao.
Nông dân trồng lúa thơm đang đạt lợi nhuận cao.

“Gam sáng và mảng tối”

Số liệu chính thức từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2015, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 6,55 triệu tấn. Cộng thêm số lượng xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 1,6 triệu tấn thì tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam khoảng 8,15 triệu tấn.

Đó là một con số ấn tượng khi xác lập kỷ lục mới của xuất khẩu gạo Việt Nam. Một thông tin với “gam màu sáng” là gạo trắng cao cấp và gạo thơm chiếm 47% trong xuất khẩu. Trong đó, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ lực vẫn là thị trường châu Á khi chiếm đến 74%.

Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người quan tâm là vì sao: với 3,9 triệu héc-ta trồng lúa/năm, 1.140.000 nông hộ trồng lúa ở ĐBSCL vẫn chưa thể làm giàu từ nghề trồng lúa, khi hàng năm họ tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào, mỗi năm xuất khẩu đem về khoảng 3 tỉ USD.

Nguyên nhân thì có nhiều, song giờ đây người ta đang tìm “lời giải” từ chuyện tạo dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam đã bị “lãng quên” trong hàng chục năm qua.

Giờ đây, khi VFA đưa ra kế hoạch hành động, tham gia xây dựng chuỗi phát triển thương hiệu gạo vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia và lãnh đạo ngành nông nghiệp.

Có người bảo: “Nói gạo Việt Nam có hoặc không có thương hiệu đều đúng”! Có lẽ câu nói ví von cho hoàn cảnh trớ trêu là Việt Nam biết đến như một cường quốc xuất khẩu gạo nhưng để nhắc tên một loại gạo nào đó mang thương hiệu Việt Nam thì khó nói.

Thậm chí khi VFA triển khai kế hoạch xây dựng chuỗi phát triển thương hiệu đã có những tranh luận gay gắt từ khâu chọn giống lúa nào xây dựng thương hiệu và cả định nghĩa thế nào là thương hiệu gạo. Tất nhiên, đây là những tranh luận tích cực để đưa ra định hình đúng cho sự phát triển thương hiệu của lúa gạo Việt Nam. Song, các chuyên gia và lãnh đạo ngành nông nghiệp đều chung nhận định về những yếu kém của sản xuất lúa gạo Việt Nam.

Theo đó, điểm yếu của lúa gạo trong vùng là không đồng đều về chất lượng và sử dụng quá nhiều giống khác nhau. Tính cạnh tranh của hạt gạo thấp, do thời gian dài lệ thuộc vào phân khúc thị trường cấp thấp. Trong khi các nước khác đã xâm nhập thị trường chất lượng cao đã lâu.

“Thực tế, việc để thương lái thu gom, mua nhiều giống lúa khác nhau của nông dân rồi chế biến bán cho doanh nghiệp xuất khẩu thì làm sao tạo ra chất lượng gạo đồng nhất, nói chi đến chuyện xây dựng thương hiệu”, GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, chỉ ra.

VFA thừa nhận: Hiện rất khó khăn trong nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo. Vì nông dân sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập thấp; sử dụng dư thừa lượng phân bón đầu vào, dẫn đến uy tín chất lượng về an toàn thực phẩm. Trong khi đó, chuỗi giá trị hạt gạo còn qua nhiều khâu trung gian.

Cơ sở hạ tầng và logistic cho ngành lúa gạo còn nghèo nàn mà lại bị cắt khúc và thiếu đồng bộ. Đó là những thách thức cho quá trình xây dựng chuỗi phát triển thương hiệu.

Thương hiệu gạo phải bắt đầu từ doanh nghiệp !

“Vì sao Việt Nam đã xuất khẩu gạo hàng chục năm. Hiện có khoảng 140 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Tại sao gạo Việt Nam chưa có nhãn hiệu và thương hiệu. Báo chí bức xúc là phải. VFA không thể dửng dưng trước thực trạng này”, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, nhìn nhận.

Lâu nay người ta phê phán VFA chỉ làm mỗi việc xuất khẩu gạo.  “VFA đang mặc chiếc áo chật. Cần áo rộng hơn để thay đổi tình hình mới”, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA đã dùng hình tượng trên nói về bước hành động xây dựng chuỗi phát triển thương hiệu. Theo ông Huệ, hiện nay VFA chỉ “gánh vác 1 vai” là tiêu thụ.

Sắp tới, VFA phải gánh vác “2 vai”: mở rộng tác nhân đến các dịch vụ và khâu tiêu thụ. Trong đó, VFA sẽ chủ động vẽ bản đồ thị trường: xác định phân khúc xuất khẩu gạo, để định hướng sản xuất. Trong đó, các khâu từ quy trình sản xuất (giống thuần chủng, thực hành canh tác tiên tiến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm), quản lý chất lượng sau thu hoạch từ ruộng về nhà máy phải đảm bảo  - loại bỏ qua trung gian đấu trộn): Lúa nông dân thu hoạch từ ruộng về thẳng nhà máy chế biến rồi tung ra thị trường.

Việc xác lập “gánh hai vai” của VFA là rất cần thiết. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo, doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải cung cấp giống xác nhận cho nông dân (đầu vào), có giống rồi phải hướng dẫn nông dân sản xuất đúng quy trình (an toàn), chất lượng phù hợp với thị hiếu. Doanh nghiệp phải kiểm soát nguồn lực đầu vào, cái đó phải là thật.

Đây cũng là hình thức để triệt tiêu vấn nạn phân bón giả tràn lan. Thực tế, mô hình này đã có vài doanh nghiệp thực hiện - điển hình là Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang. Các chuyên gia lúa gạo cho rằng, cần chuẩn bị nền tảng cho xây dựng thương hiệu lúa gạo.

Theo đó, trước tiên củng cố 3 hệ thống: giống (độ thuần, người dân sử dụng 70-80% giống xác nhận); áp dụng hệ thống canh tác tiên tiến (3 giảm, 3 tăng; 1 phải 5 giảm); tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn để vượt qua rào cản dư lượng.

Ông Huỳnh Thế Năng cho rằng: “Xây dựng thương hiệu lúa gạo phải bắt đầu từ doanh nghiệp và khởi nguồn từ nhãn hiệu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải chứng minh thuyết phục người tiêu dùng. Cảm nhận và chấp nhận của người tiêu dùng, sau đó mới tới các yếu tố khác”.

“Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc tái cơ cấu ngành lúa gạo với xây dựng thương hiệu là rất cấp bách. Ngành nông nghiệp đang khẩn trương để quy hoạch lại sản xuất lúa gạo gắn với các phân khúc xuất khẩu gạo cụ thể. Trong đó, chúng tôi sẽ tính để các vùng trồng lúa áp dụng các tiêu chuẩn, kỹ thuật tiến bộ để có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết. Đây là việc làm rất cần thiết để tăng giá trị cho hạt gạo ĐBSCL, tạo ra sức cạnh tranh mạnh ngay tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Theo dự thảo của Chương trình hành động tham gia xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo - góp phần phát triển thương hiệu gạo, VFA cụ thể hóa thương hiệu gạo ở 3 cấp độ: quốc gia, vùng ĐBSCL/địa phương và doanh nghiệp/sản phẩm. ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi với những đặc điểm sinh thái đa dạng, sản phẩm lúa gạo sẽ thỏa mãn nhiều phân khúc khác nhau như gạo đặc sản, gạo chất lượng cao và gạo theo phân khúc thị trường ngách chuyên biệt.

Theo http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE185B01/Gao_Viet_Nam_se_co_thuong_hieu_.aspx