VietGAP- hướng chăn nuôi bền vững

Cập nhật, 07:31, Thứ Ba, 22/12/2015 (GMT+7)

 

Tiêm phòng- khâu quan trọng chăn nuôi an toàn. Ảnh tư liệu
Tiêm phòng- khâu quan trọng chăn nuôi an toàn. Ảnh tư liệu

Dù sản phẩm gia súc, gia cầm đạt VietGAP thời gian qua giá cả còn bấp bênh, nhưng hướng chăn nuôi này vẫn được nhiều nông dân lựa chọn thực hiện. Đây là tín hiệu tích cực để mở rộng mô hình chăn nuôi bền vững, cho ra thị trường những sản phẩm thực phẩm an toàn.

Từ năm 2012, Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT) đã thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển chăn nuôi heo và gà theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAP tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2012- 2015” với mục tiêu hình thành các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.

Đồng thời, dự án nâng cao nhận thức cho người dân, tạo sản phẩm an toàn. Qua hơn 3 năm thực hiện, đến nay dự án đã xây dựng được 8 mô hình chăn nuôi heo và gà đạt chứng nhận VietGAP.

Cơ sở để thực hiện dự án này, theo bà Nguyễn Thị Hồng Gấm- Trưởng Phòng Kỹ thuật kiểm định kiểm nghiệm (Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long), từ trước 2011, các bệnh trên gia súc gia cầm bùng phát diện rộng làm không ít hộ chăn nuôi thiệt hại, khiến đàn heo giảm 12,8% so năm 2008.

Nguyên nhân, do chăn nuôi nhỏ lẻ, tiêm phòng ít được quan tâm. Đáng lo ngại nhất là gần đây nổi lên tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo, khiến vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm rất đáng lo ngại. Nhu cầu sử dụng thịt sạch đối với người tiêu dùng trở nên bức bách, đòi hỏi phải định hướng chăn nuôi theo hướng an toàn- mà VietGAP là quy trình cần thiết áp dụng.

Vì sao? Theo bà Nguyễn Thị Hồng Gấm, quy trình chăn nuôi VietGAP có những quy định và chứng nhận khắt khe. Mỗi cơ sở phải đáp ứng 17 nội dung, gồm 81 chỉ tiêu chăn nuôi heo và 55 chỉ tiêu chăn nuôi gà.

Đối với nuôi heo phải có quy mô 500 con và gà là 15.000 con trở lên, đồng thời phải có cơ sở nuôi tương đối hoàn chỉnh.

“Trung bình kinh phí thực hiện mỗi cơ sở đạt chứng nhận là 88 triệu đồng có thời hạn 2 năm. Trong khuôn khổ thực hiện dự án, Trung tâm Giống nông nghiệp hỗ trợ toàn bộ kinh phí thực hiện trong việc thuê đơn vị tư vấn và chứng nhận với sự chỉ định của Cục Chăn nuôi”- bà Nguyễn Thị Hồng Gấm cho biết thêm.

Cơ sở đạt VietGAP phải đáp ứng nhiều quy trình chăn nuôi an toàn.
Cơ sở đạt VietGAP phải đáp ứng nhiều quy trình chăn nuôi an toàn.

Chính quy trình thực hiện khó khăn, tốn kém nên không ít cơ sở ngán ngại. Tuy vậy, theo giải thích của ông Cao Huỳnh Lâm- chủ trại heo giống Minh An (Mang Thít)- một trong những cơ sở đạt chứng nhận VietGAP đầu tiên thì: “Quy trình thực hiện không quá khó, lại một công đôi việc, khi đạt VietGAP sẽ kéo theo vật nuôi an toàn dịch bệnh, tạo ra sản phẩm sạch”.

Điều tiên quyết đòi hỏi phải biết kiên trì và hiểu rõ mục đích. “Cơ sở tôi trước chăn nuôi chưa quen ghi chép nên rất khó biết lỗ- lời, giờ tính toán được. Còn công nhân nhờ kiên trì giải thích ý nghĩa nên việc mặc quần áo bảo hộ, khử trùng trước khi vào chuồng nuôi giờ họ cũng đã quen, thực hiện đều đặn đâu tốn bao nhiêu thời gian”- ông Cao Huỳnh Lâm cho biết.

Trong khi đó, Thạc sĩ Lê Lan Anh- Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long cho rằng, chính chứng nhận VietGAP đã tạo tiếng tăm cho cơ sở trên thị trường. Hiện trung tâm nuôi 240 heo nái, 20 heo nọc, sản xuất ra thị trường 2.500 giống hậu bị, 40.000 liều tinh, bán ra thị trường 200 tấn thịt hàng năm.

“Tính từ tháng 4/2015 đến nay, trung tâm sản xuất 900 heo giống hậu bị. Giống heo của trung tâm tốt nên bán rộng rãi cho nhiều tỉnh thành khu vực miền Tây. Chứng tỏ chăn nuôi tốt đang được thị trường chấp nhận”- Thạc sĩ Lê Lan Anh phấn khởi.

Chia sẻ về khả năng mở rộng mô hình, theo TS. Huỳnh Thanh Vân- Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long, ngoài nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu thì đầu ra vẫn là khó khăn lớn nhất. Bởi thực tế, sản phẩm VietGAP chưa tạo sự khác biệt về giá so sản phẩm thông thường.

Nhiều cơ sở nuôi cũng tỏ ra lo ngại khâu quản lý quy trình từ chăn nuôi đến giết mổ, bảo quản sản phẩm hiện còn khá lỏng lẻo.

Bởi, dù cơ sở chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAP nhưng quá trình giết mổ gia súc, gia cầm bị bơm nước hay tẩm hóa chất bảo quản trước khi ra thị trường thì chất lượng thịt không còn đảm bảo, thương hiệu VietGAP sẽ không còn giá trị.

Vì vậy, ngoài sự vào cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng, đòi hỏi lương tâm kinh doanh của các cơ sở giết mổ, nơi buôn bán, để thịt sạch được nhìn nhận đúng giá trị.

 

8 cơ sở chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAP gồm: Trại gà Huỳnh Kim Thủy (Mang Thít), Trại gà Nguyễn Khoa (Trà Ôn), Trại gà Tống Hữu Hạnh (Mang Thít), Trại gà Tiến Đạt (Long Hồ), Trại heo Minh An (Mang Thít), Trại heo Phạm Công Quẩn (Mang Thít), Trại heo Nguyễn Văn Sơn (Long Hồ), Trại Giống vật tư nông nghiệp (Vũng Liêm).

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH