"Ngồi lại" bàn giải pháp giải ngân vốn đầu tư công

Cập nhật, 07:05, Thứ Tư, 26/07/2023 (GMT+7)

 

Những dự án kè đi qua giúp sông, rạch thông thương, tăng mỹ quan, cải thiện đời sống.
Những dự án kè đi qua giúp sông, rạch thông thương, tăng mỹ quan, cải thiện đời sống.

Việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh đạt thấp, ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lưu ý cần quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân.

6 tháng đầu năm, các nguồn lực đầu tư được tập trung huy động và ưu tiên bố trí cho các dự án trình trọng điểm thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, thủy lợi, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng NTM… UBND tỉnh có nhiều chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện thường xuyên đôn đốc, phối hợp giải quyết khó khăn...

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trên 5.135 tỷ đồng, thực hiện đến ngày 15/7 hơn 1.304 tỷ đồng, đạt 25,4%; giải ngân 1.291,5 tỷ đồng, đạt 25,15%. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh kế hoạch trên 3.695 tỷ đồng, giải ngân đạt 22,7%; nguồn ngân sách trung ương kế hoạch hơn 1.440 tỷ đồng, giải ngân đạt 31,4%.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đạt tỷ lệ thấp so với tiến độ chung. Trong đó, giải ngân vốn chuyển tiếp đạt 36%; có 16 dự án chưa giải ngân, có 21 dự án giải ngân dưới 40%, còn 41 dự án chưa khởi công.

Giải ngân vốn kéo dài đạt rất thấp, chỉ đạt 10,7%; còn 23 dự án chưa giải ngân. Bên cạnh, một số nguồn vốn giải ngân chậm, huy động một số nguồn vốn gặp khó... Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện rất chậm, nhiều dự án vướng giải phóng mặt bằng trong nhiều năm nhưng chưa giải quyết dứt điểm.

Ông Lê Thanh Sơn- Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Dự án ODA tỉnh kiêm Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, cho biết, ban thực hiện 5 công trình chuyển tiếp. Trong đó, hiện có 2 công trình hiện đã giải ngân 100% và 42%; 3 công trình còn lại vướng 3 gói thầu, ban đang tiếp tục tìm đơn vị thẩm định giá để thực hiện 3 gói thầu này.

Ông Sơn cũng cho biết, dự án “Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam- Tiểu dự án TP Vĩnh Long” hiện đang thực hiện 8 gói thầu. Trong đó, 1 gói thầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 3 gói thầu dự kiến trong tháng 9 sẽ hoàn thành, các gói thầu còn lại tiến độ thi công 70-85%, dự kiến năm 2023 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, còn vướng mặt bằng, đề nghị thành phố tiếp tục vận động để sớm bàn giao mặt bằng trong tháng 8.

Ông Đặng Minh Quân- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long, cho biết, các công trình vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ thì các công trình chuyển tiếp đã thực hiện giải ngân đạt khoảng 35%, đang lên khối lượng, dự kiến cuối tháng 7 giải ngân đạt khoảng 58%. TP Vĩnh Long không có công trình khởi công mới, vốn kéo dài có 3 dự án.

Về giải phóng mặt bằng, ông Quân cho biết, đối với dự án kè sông Cầu Lầu còn hộ vướng, thành phố đang lập thủ tục thực hiện chi trả, sẽ bàn giao cho chủ đầu tư theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Bên cạnh, dự án kè sông Long Hồ (đoạn Phường 1, Phường 5) đã di dời nhà dân, chỉ còn 2 tổ chức, đã hướng dẫn các đơn vị có văn bản giải trình, xin ý kiến cơ quan cấp trên để xử lý.

Còn kè sông Long Hồ (đoạn Phường 5) thì đã chi trả trên 95%, bàn giao mặt bằng khoảng 70%. Ông Quân kiến nghị, đường Võ Văn Kiệt giai đoạn 3 đã giải phóng mặt bằng 100%, cần sớm triển khai thi công.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội.

Ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lưu ý việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn 6 tháng đầu năm đạt thấp. Do đó, “cần ngồi lại” bàn giải pháp. Những khó khăn, vướng mắc là do chủ quan hay khách quan? Trong đó, vướng mặt bằng là khó khăn lớn nhất nhưng vướng ở khâu nào?”. Cần thành lập ngay BCĐ giải phóng mặt bằng; lãnh đạo các sở, ngành, các ban quản lý, lãnh đạo cấp huyện, các chủ đầu tư cố gắng phối hợp với địa phương tập trung tháo gỡ.

“Phải có giải pháp, làm phải có kiểm tra” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý cần tập trung giải ngân các dự án chuyển tiếp trong khi vốn này rất lớn. Cần quyết liệt thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Theo BCĐ Xây dựng cơ bản tỉnh, việc triển khai kế hoạch vốn 6 tháng cuối năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn do còn nhiều dự án chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế thi công, dự toán, chưa khởi công; nhiều dự án chuyển tiếp thực hiện rất chậm… Do đó, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư phải khẩn trương, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN