Cần đảm bảo 6 quy trình thiết lập và 4 bước đăng ký cấp mã số vùng trồng

Cập nhật, 16:35, Thứ Sáu, 26/05/2023 (GMT+7)

Khảo sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về cấp mã số vùng trồng, đóng gói phục vụ xuất khẩu tại huyện Tam Bình ngày 26/5, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh lưu ý địa phương cần tăng cường tập huấn đảm bảo 6 quy trình thiết lập và 4 bước đăng ký cấp mã số vùng trồng.

Đoàn khảo sát thực tế tại vùng trồng bưởi (xã Hòa Hiệp).
Đoàn khảo sát thực tế tại vùng trồng bưởi (xã Hòa Hiệp).

Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của việc xây dựng mã số vùng trồng; thanh tra, kiểm tra, thiết lập mã số vùng trồng mới; đa dạng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện tiêu thụ ở nhiều thị trường khác nhau; hỗ trợ và khuyến cáo doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Năm 2022 đến nay, Tam Bình đã hỗ trợ cấp 6 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu đối với cây lúa, mít ruột đỏ, bưởi, chanh không hạt, cam sành. Năm 2023, huyện dự kiến cấp 10 mã số vùng trồng đối với cây sầu riêng, mít, bưởi. Nhìn chung, diện tích vườn cây ăn trái cơ bản đáp ứng quy mô, điều kiện, tiêu chuẩn thiết lập mã số vùng trồng; HTX, tổ hợp tác và nông dân dần hiểu được và áp dụng có hiệu quả quy trình sản xuất, kiểm soát dịch hại để đáp ứng nhu cầu thị trường các nước nhập khẩu.

Tuy nhiên, một số nông dân chưa quen việc ghi chép nhật ký sản xuất nên hiệu quả, nên thực hiện chưa thường xuyên; chưa có nhiều đơn vị, doanh nghiệp liên kết xuất khẩu.

Dịp này, Tam Bình kiến nghị tăng cường hỗ trợ kinh phí xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói xây dựng mô hình liên kết phục vụ xuất khẩu, đảm bảo hiệu quả để nhân rộng; hỗ trợ giới thiệu doanh nghiệp đầu tư xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói liên kết với nông dân, HTX, tổ hợp tác xây dựng vùng cây ăn trái tập trung.

Tin, ảnh: XUÂN TƯƠI

Các tin khác: