Cam sành rớt giá, nhà vườn kêu cứu

Cập nhật, 04:57, Thứ Ba, 14/02/2023 (GMT+7)
Cam rớt giá thấp kỷ lục, người trồng thua lỗ nặng.
Cam rớt giá thấp kỷ lục, người trồng thua lỗ nặng.

(VLO) Hiện nay giá cam sành ở Vĩnh Long xuống rất thấp, nhiều nơi bán không ai mua, khiến người trồng cam đang lỗ nặng. Trong khi đó, diện tích trồng cam sành đang phát triển rất mạnh, vượt diện tích quy hoạch của tỉnh.

Giá cam thấp kỷ lục

Nhiều nhà vườn trồng cam sành cho hay, từ sau Tết đến nay, giá cam giảm liên tục. Nếu như trước Tết, cam sành từ 8.000 - 12.000 đ/kg thì hiện nay giá cam tại vườn chỉ còn 3.000 - 4.000 đ/kg, thậm chí 1.000 - 2.000 đ/kg.

Có vườn cam chín vàng, trĩu cả cây nhưng tìm thương lái “đỏ con mắt”. Với mức giá thấp chưa từng có này, nhiều nông dân thua lỗ nặng.

Có 4 công cam đang thu hoạch vụ đầu tiên, chú Nguyễn Văn Bảy (xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình) cho hay: “Vụ này cam cho năng suất từ 7 - 7,5 tấn/công, nhưng tôi chỉ bán được 3.500 đ/kg, sau khi trừ chi phí, đã lỗ từ 12 - 16 triệu đồng/công”.

Nhiều nơi kêu gọi giải cứu cam sành.
Nhiều nơi kêu gọi giải cứu cam sành.

Có gần 6 công cam, trong đó có hơn 3 công đang thu hoạch, cô Phạm Thị Hạnh (xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) cho hay: “Sau Tết, thương lái mua giá 8.000 đ/kg nhưng tôi còn chờ xem giá có nhích hơn không.

Ai ngờ mỗi ngày mỗi giảm, giờ chỉ còn 3.000 - 4.000 đ/kg, nhưng cũng phải bán vì không neo được nữa.

Từ nay đến cuối tháng 2, vườn tôi còn hơn 10 tấn cam, với mức giá này là lỗ nặng, vì chi phí hái cam, vận chuyển, phân thuốc cũng tăng 30 - 40% so với vụ trước”.

Vườn cam gần 100ha của HTX Cam sành Khánh Nhân (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) cũng đang vào thời điểm thu hoạch.

Hiện tại, giá cam xô được thương lái mua tại vườn chỉ còn từ 2.000 - 6.000 đ/kg. Thậm chí tại nhiều vườn, ngoài hợp tác xã, thương lái không mua hoặc chỉ trả 2.000 - 3.000 đ/kg, không đủ chi phí để thu hoạch.

Bà Đỗ Thị Vân Khánh - Chủ tịch HTX Cam sành Khánh Nhân cho hay: “Giá cam giảm mạnh ảnh hưởng rất nhiều tới xã viên, khiến nhiều người thua lỗ.

Đầu ra gặp khó, giá cam rẻ trong khi chi phí sản xuất tăng cao. Không ít nhà vườn neo trái chờ giá nhích lên nhưng neo lâu thì trái cam lại vàng, chín quá bán không được. Vừa lỗ tiền này, tiền kia nên năm nay hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn”.

Nhiều hộ trồng cam cho biết, cam rớt giá ngay trong mùa nắng nóng và vụ nghịch là chuyện chưa từng gặp.

Nguyên nhân giá giảm sốc, một số thương lái cho rằng: ngoài việc ảnh hưởng của thị trường phía Bắc chưa tiêu thụ cam sành do thời tiết lạnh, thì nguyên nhân thứ hai khiến giá cam sành giảm mạnh là do diện tích trồng cam trong những năm gần đây tăng ồ ạt, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Bài toán quy hoạch

Theo ngành chức năng, vài năm trước, giá cam sành liên tục ở mức cao, có thời điểm lên đến 35.000 - 40.000 đ/kg, người trồng cam có lời từ 40 triệu đồng/công.

Lời nhiều, không ít người đã đổ xô lập liếp, lên vườn trồng cam. Câu chuyện cam sành rớt giá mùa nắng cho thấy sản lượng nông sản đi đôi với giá cả. Nếu diện tích cam sành tiếp tục tăng trong thời gian tới, cung vượt cầu thì việc được mùa mất giá sẽ tiếp diễn.

 

Diện tích trồng cam tăng quá nhanh khiến cung vượt cầu.
Diện tích trồng cam tăng quá nhanh khiến cung vượt cầu.

Ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho biết: Hiện Trà Ôn có khoảng 9.500ha cam. Hiện giá cam nhiều tuần nay liên tục giảm, nhiều vườn cam chín rụng nhưng không có người mua khiến nông dân gặp khó, thua lỗ.

Nhưng thời điểm này vẫn còn không ít nông dân tiếp tục chuyển đổi cây trồng sang trồng cam, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Do đó, khuyến cáo nông dân nên tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, phải liên kết sản xuất - tiêu thụ, tham gia HTX, đăng ký và xây dựng thương hiệu rõ ràng, tránh tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, bấp bênh.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, nguyên nhân cam rớt giá hiện nay là do sản phẩm cam địa phương chỉ tiêu thụ trong nước, thời tiết năm nay lạnh hơn các năm nên nhu cầu sử dụng không nhiều.

Trong khi đó, việc sản xuất cam từ trước đến nay chủ yếu là tự phát, không theo quy hoạch, không theo định hướng nên khó kiểm soát về giá cả cũng như chất lượng sản phẩm.

Công tác quy hoạch vùng sản xuất chưa được thực hiện nghiêm ở các địa phương, đầu tư về cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ.

Nhiều nơi nông dân sản xuất cam còn mang tính quảng canh, chưa theo hệ thống đồng bộ thống nhất từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Còn khả năng đầu tư thâm canh áp dụng quy trình sản xuất cam còn hạn chế dẫn tới năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa được đồng đều.

Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, cho biết: Tỉnh đã có quy hoạch đất nông nghiệp để trồng cam. Tuy nhiên mấy năm qua giá cam tăng cao làm cho diện tích cam hiện nay tăng nhiều so với kế hoạch.

Sản lượng cam tăng đột biến cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cam rớt giá. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên ồ ạt trồng mới, mở rộng diện tích.

Đồng thời, cần chăm sóc các vườn cam đã trồng, để nuôi dưỡng cho cây sinh trưởng, khi ổn định giá cả thì tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng, mẫu mã để tăng sức cạnh tranh.

Bài, ảnh: TRÀ MY