Nông nghiệp: Chủ động vượt thách thức, thúc đẩy tăng trưởng

Cập nhật, 19:09, Thứ Bảy, 31/12/2022 (GMT+7)
Nông dân dần thay đổi tư duy, sản xuất sạch, an toàn, có liên kết để nâng giá trị sản phẩm.
Nông dân dần thay đổi tư duy, sản xuất sạch, an toàn, có liên kết để nâng giá trị sản phẩm.

(VLO) Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của dịch bệnh, những biến động từ thị trường, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã chủ động triển khai các biện pháp vượt khó, thích ứng với tình hình để duy trì, thúc đẩy tăng trưởng. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò bệ đỡ của nền kinh tế tỉnh nhà.

Chuyển đổi phù hợp với định hướng

Trong năm qua, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ổn định sản xuất, phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu… và đạt được nhiều kết quả.

Cụ thể, ngành nông nghiệp có sự chuyển đổi phù hợp với định hướng cơ cấu lại là giảm diện tích gieo trồng lúa, tăng diện tích trồng cây ăn trái. Phong trào trồng cây cam dưới đất ruộng phát triển mạnh.

Đáng kể, diện tích chuyển đổi từ cây lúa sang cây ăn trái tăng 58,3%, diện tích trồng màu trên đất lúa cũng tăng mạnh, ước tăng khoảng 8,6% so với năm trước.

Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Chuyển đổi cơ cấu và thực hiện phát triển đàn vật nuôi chủ lực của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm và gia súc.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi giúp người chăn nuôi nâng cao ý thức chăn nuôi, kiểm soát tốt dịch bệnh, môi trường chăn nuôi, xóa bỏ dần chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ điều kiện chăn nuôi để chuyển sang chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp, sàng lọc, chọn lọc những con giống có phẩm chất, chất lượng, năng suất cao vào sản xuất chăn nuôi.

Nuôi trồng thủy sản cũng đang tăng trưởng tích cực do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản tăng. Ngành nông nghiệp cũng tiếp tục cơ cấu lại sản xuất thủy sản theo hướng công nghiệp, thâm canh, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng thời, người nuôi thay đổi con giống chất lượng nên đạt năng suất cao, tỷ lệ hao hụt thấp, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tại Trà Ôn, ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho hay: Trong năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã có những điểm sáng, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Cụ thể, kinh tế nông nghiệp tiếp tục phát triển và chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,5% so với cùng kỳ, đạt 182,7% so với nghị quyết.

Trong đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập ổn định cho nông dân, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã định hướng xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng đảm bảo sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, để tiến tới được chứng nhận sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP,…

Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý vùng trồng để xuất khẩu và mở rộng thị trường nông sản. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Đặc biệt, thực hiện cầu nối giao thương, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, thu mua tiêu thụ hàng hóa nông sản, hỗ trợ nông dân tìm đầu ra, từng bước phát triển sản xuất bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Liệt đánh giá: Trong năm qua, nhiều chương trình, dự án, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp đã được thực hiện.

Đồng thời, các hoạt động kết nối sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh mang lại kết quả đáng khích lệ, giúp cho sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh nhà dần dần được phục hồi và có bước phát triển.

“Diện tích đất trồng lúa tiếp tục được sử dụng linh hoạt, hiệu quả; vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản được mở rộng, nâng cao chất lượng; chăn nuôi an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh được chú trọng và hoạt động nuôi trồng thủy sản liên kết theo chuỗi giá trị phát triển phù hợp theo xu hướng thị trường; các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, đời sống người dân thích ứng với biến đổi khí hậu được quan tâm đầu tư hoàn thiện…” - ông Liệt nhận định.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Có thể thấy, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp đã, đang nỗ lực vượt thách thức, triển khai nhiều giải pháp gắn sản xuất với thị trường để vừa bảo đảm nguồn cung nông sản trong nước, vừa thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Kinh tế nông nghiệp tiếp tục phát triển và chuyển dịch đúng hướng.
Kinh tế nông nghiệp tiếp tục phát triển và chuyển dịch đúng hướng.

Tuy nhiên, dự báo ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn trong thời gian tới. Trong đó, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,… đang diễn ra ngày càng phức tạp dự báo sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp.

Ảnh hưởng của chi phí phân bón, thuốc BVTV, giá con giống tăng cao, trong khi giá nông sản ở mức thấp trong thời gian qua khiến nông dân gặp khó để tái sản xuất.

Năm 2023, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2 - 2,5% so với năm 2022.

Để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Văn Liệt cho rằng: Ngành nông nghiệp cần tiếp tục nỗ lực, quyết tâm nhằm thực hiện hiệu quả các giải pháp hạ giá thành sản xuất khi biến động giá cả nguyên liệu đầu vào khó dự đoán và có xu hướng tăng.

Phát huy hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ, giải pháp tiến bộ, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái tạo giá trị gia tăng, tăng tính cạnh tranh cho nông sản và thích nghi tốt với biến đổi khí hậu.

Song song đó, giải quyết triệt để các điểm nghẽn về phát triển kinh tế hợp tác gắn sản xuất, tiêu thụ và thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và dự báo, thích ứng tốt tình hình diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng các vùng nguyên liệu, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chuỗi giá trị, có liên kết; phát triển công tác thông tin thị trường, nâng cấp sàn giao dịch nông sản điện tử; đề xuất các giải pháp hiệu quả, thực tế cho chuyển đổi số trong nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong sản xuất nông nghiệp…

Bài, ảnh: THẢO LY