Huy động toàn lực phát triển kinh tế - xã hội trong năm mới

Cập nhật, 06:22, Thứ Bảy, 31/12/2022 (GMT+7)
Góc phố vào xuân. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Góc phố vào xuân. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH

(VLO) Năm 2023 mở ra vận hội mới. Vĩnh Long quyết tâm chung sức chung lòng phát huy tinh thần tự cường, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Tập trung mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi nghị quyết

Năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh tăng 2,01%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 29,2%; hoạt động du lịch được phục hồi, nhất là kể từ sau kiểm soát được dịch bệnh, tổng doanh thu tăng; phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, có 440 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 49%.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, công tác thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022 đảm bảo đúng kế hoạch.

Các đơn vị đã triển khai thực hiện dự toán năm đạt kết quả cao; sử dụng dự phòng ngân sách đảm bảo đúng luật; công tác thanh tra được quan tâm, đạt kết quả tích cực; quản lý sử dụng tài sản công được quan tâm thực hiện bước đầu sắp xếp nhà đất theo quy định.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân được cải thiện, GRDP thu nhập bình quân đầu người đạt 69 triệu đồng/năm, tăng hơn 12 triệu đồng so với năm 2021.

Triển khai thực hiện chính sách người có công, an sinh xã hội được bảo đảm, đã triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội và các chính sách, biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Lúa vàng. Ảnh: TRẦN NHÀNH
Lúa vàng. Ảnh: TRẦN NHÀNH

Tỉnh đã hoàn thành việc cất mới, sửa chữa 526 căn nhà ở cho gia đình người có công, 2.221 căn nhà hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến tháng 10/2022, Vĩnh Long không còn hộ gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở (giai đoạn 2020 - 2022).

Ngành giáo dục có nhiều cố gắng, kịp thời điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông theo nghị quyết của Quốc hội, có nghiên cứu đổi mới, tăng cường chuyển đổi số trong thi tốt nghiệp THPT. Trong năm đã tổ chức thành công các ngày lễ lớn trang trọng, ý nghĩa, thiết thực, an toàn.

Bên cạnh, công tác cải cách hành chính, kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đổi mới và tăng cường, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền.

Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng, phát huy vai trò và quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với Nhà nước.

Đồng chí Bùi Văn Nghiêm - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhận định: Thời gian qua, chúng ta đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, có nhiều dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực. Những kết quả quan trọng, khá toàn diện tạo thêm thuận lợi, thời cơ để đưa tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững.

Hoàn thành cao nhất các kế hoạch

Dự báo năm 2023 và những năm sắp tới, vẫn phải tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ nền kinh tế thế giới và thiên tai dịch bệnh, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Vì thế, lãnh đạo tỉnh kêu gọi sự chung sức đồng lòng, phát huy tinh thần tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2023, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Chủ tịch UBND tỉnh - Lữ Quang Ngời: Năm 2023, các cấp, các ngành cần nỗ lực, quyết tâm để vượt qua các khó khăn, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Đặc biệt quan trọng là phải ổn định phát triển kinh tế trong mọi tình huống. Tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Xác định nông nghiệp vẫn là ngành mũi nhọn của tỉnh, tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển xanh, bền vững, chất lượng, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Đồng thời, tăng cường củng cố, khuyến khích hỗ trợ HTX nông nghiệp và các tổ hợp tác. Ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc sản của địa phương. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác quản lý, điều hành.

Chủ tịch UBND tỉnh - Lữ Quang Ngời cũng cho rằng, những năm qua, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chưa đủ mạnh.

Vì vậy, hướng tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAPI); xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh, phát triển hạ tầng giao thông phục vụ cho tất cả các dự án kêu gọi đầu tư; chỉ đạo xây dựng các mô hình vừa và nhỏ trên cơ sở đáp ứng được chất lượng, nhu cầu tiêu thụ và phải thay đổi tư duy của người sản xuất và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, phải vận động nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa thay đổi mô hình sản xuất, hạn chế thấp nhất chi phí đầu vào và phải phối hợp tốt với các địa phương, sở, ngành…

Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Xây dựng đô thị văn minh. Ảnh: HẢI YẾN
Xây dựng đô thị văn minh. Ảnh: HẢI YẾN

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, kết nối chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Quyết tâm để TT Vũng Liêm được công nhận đô thị loại IV, huyện Tam Bình đạt chuẩn NTM vào năm 2024.

Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách người có công; bảo đảm an sinh xã hội, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp cho công nhân gắn với xây dựng thiết chế khu công nghiệp. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo.

Phấn đấu năm 2023 tạo việc làm mới cho 20.000 lao động, trong đó, đưa 1.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nâng cao năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Tập trung hoàn thiện các tiêu chí BVĐK Vĩnh Long để đạt bệnh viện tuyến cuối sau năm 2024. Phấn đấu tỷ lệ dân số tham gia BHYT năm 2023 đạt 93,2%.

Đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Thế yêu cầu phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát. Xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của cấp ủy, tổ chức Đảng thực sự khoa học, dân chủ, sát với thực tiễn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, tạo tiền đề hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị.

Năm 2022, Tỉnh ủy lãnh đạo thực hiện đạt và vượt 20/21 chỉ tiêu chủ yếu nghị quyết đề ra (cao nhất từ năm 2019 đến nay). Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP tăng 11,28%; thu ngân sách vượt 3,4% dự toán; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 38%.

HẢI YẾN