Đẩy mạnh phục hồi sản xuất công nghiệp

Cập nhật, 10:55, Thứ Năm, 06/10/2022 (GMT+7)
 Hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ.
Hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ.

Thời gian qua, sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh được đánh giá phục hồi ổn định với nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra khi chỉ còn 3 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2022.

Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt

Theo UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt cùng với việc duy trì thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương, hoạt động lưu thông hàng hóa được thông suốt, thị trường xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi, một số doanh nghiệp (DN) mới đi vào hoạt động ổn định... đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.

Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tính chung trong 9 tháng năm 2022 tăng 28,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có quy mô sản xuất lớn nhất toàn ngành có mức tăng 30,66%, ngành khai khoáng tăng 121,98%, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 11,52%...

Trong khi đó, nhiều ngành công nghiệp có mức sản xuất trong 9 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ như: sản xuất trang phục tăng 85,26%, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 60,31%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 52,58%; sản xuất đồ uống tăng 44,13%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 31,44%...

Theo Giám đốc Sở KH - ĐT Võ Quốc Thanh, với những nỗ lực từ các cấp chính quyền thì “bức tranh” kinh tế của tỉnh trong những tháng đầu năm đã khởi sắc và đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó có tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp cuối năm

Doanh nghiệp cần được tiếp tục hỗ trợ để phục hồi nhanh và bền vững. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp cần được tiếp tục hỗ trợ để phục hồi nhanh và bền vững. Ảnh minh họa

Theo ông Võ Quốc Thanh, bên cạnh những kết quả đạt được thì kinh tế của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, thách thức, đòi hỏi chính quyền, DN phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.

Đặc biệt các sở, ngành phải tập trung nắm sát tình hình, tiếp tục tham mưu triển khai các hoạt động hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho DN một cách thường xuyên, kịp thời, hiệu quả.

Theo một DN may mặc trong KCN Hòa Phú, thời điểm cuối năm thông thường các DN ngành dệt may phải “chạy hết tốc lực” để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết. Tuy nhiên, một khó khăn thường thấy là tình trạng thiếu lao động thường xuyên.

Bà Lê Thị Hằng - Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự (Công ty TNHH May mặc Leader Việt Nam) cho biết, hiện tại DN có hơn 2.600 lao động. Sau thời gian dịch bệnh phức tạp, hiện nay tình hình sản xuất, kinh doanh đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ.

“Dự báo tình hình sản xuất sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ hơn nữa, nhất là dịp cuối năm. Do đó, thời gian tới, đơn vị cũng đang rất cần nguồn lao động để phục vụ sản xuất, kịp thời đáp ứng nhu cầu các đơn hàng”, bà Hằng chia sẻ.

Trong khi đó, một số DN cho biết, tuy được đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền các cấp, xong khó khăn nhất hiện nay là tình trạng DN khó tiếp cận được các nguồn vốn vay để phục hồi sản xuất, kinh doanh do nguồn cho vay còn hạn chế.

Theo UBND tỉnh, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 3 tháng còn lại của năm 2022 vẫn còn gặp phải những khó khăn, thách thức nhất định.

Vì vậy để đảm bảo khả năng hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2022 ở mức cao nhất, tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như: tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19; kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc để phát triển các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của người dân, DN.

Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 theo kế hoạch; tiếp tục triển khai hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp để sẵn sàng tiếp nhận đầu tư.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh, theo dõi sát tình hình sản xuất của các DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy DN phục hồi nhanh, mở rộng quy mô sản xuất, nhất là các DN chế biến, chế tạo, có sản lượng sản phẩm xuất khẩu lớn, sử dụng nhiều lao động như sản xuất giày da, may mặc,…

Từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành đã chỉ đạo quyết liệt và liên tục đối với công tác cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh nên môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện về nhiều mặt. Theo đó, trong 9 tháng của năm 2022 đã có 314 DN đăng ký thành lập mới (đạt 67,09% kế hoạch), với tổng số vốn đăng ký 2.778,5 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, tăng 49,52% về số DN và tăng 41,14% về số vốn đăng ký.

Bài, ảnh: CÔNG NGÔN