Sản xuất và xuất khẩu nông sản thời dịch Covid- 19

Giải bài toán thích ứng để tăng trưởng

Cập nhật, 04:20, Thứ Tư, 18/03/2020 (GMT+7)

Bệnh dịch tả heo Châu Phi, hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh Nam Trung Bộ và ĐBSCL, tác động của chiến tranh thương mại... đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã và đang hoành hành trên thế giới chẳng khác nào “cú đấm bồi” vào ngành nông nghiệp của Việt Nam. Câu hỏi lúc này là làm thế nào để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông- lâm- thủy sản... để đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng cũng như đời sống của nông dân, hoạt động của doanh nghiệp.

Xuất khẩu gạo từ đầu 2020 đến nay có triển vọng tốt. Trong ảnh: Đồng lúa ở Tam Bình (Vĩnh Long).Ảnh: VINH HIỂN
Xuất khẩu gạo từ đầu 2020 đến nay có triển vọng tốt. Trong ảnh: Đồng lúa ở Tam Bình (Vĩnh Long).Ảnh: VINH HIỂN

Đảm bảo nguồn cung phục vụ thị trường nội địa

Trò chuyện với người viết về nguồn cung lương thực mới đây, ông Nguyễn Như Cường- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cho biết: Vụ lúa Đông Xuân 2019- 2020, ở ĐBSCL, các địa phương đã tiến hành gieo sạ sớm hơn trung bình hàng năm từ 10- 30 ngày để tránh ảnh hưởng của hạn, mặn; diện tích gieo sạ khoảng 1,54 triệu héc ta, cơ bản tránh được hạn, mặn.

Vụ lúa này đang cho thu hoạch, năng suất trung bình 70 tạ/ha cao hơn năm 2019 từ 2 đến 4 tạ/ha-cao nhất từ trước đến nay. Như vậy, tổng sản lượng lúa vụ Đông Xuân của ĐBSCL năm nay ước tính đạt khoảng 10 triệu tấn lúa. Cho đến thời điểm này, mục tiêu phấn đấu sản lượng lúa năm 2020 của cả nước sẽ đạt 43,4 triệu tấn là hoàn toàn khả thi. 

Ông Nguyễn Văn Việt- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp- PTNT) cho hay: Trong lĩnh vực chăn nuôi, dịch tả heo Châu Phi tiếp tục được kiểm soát, trên 99% số xã đã không còn dịch sau 30 ngày đã thúc đẩy người dân và doanh nghiệp đầu tư tái đàn khôi phục sản xuất.

Vì vậy, chăn nuôi trong năm 2020 sẽ có thể là bức tranh sáng, là cứu cánh cho ngành nông nghiệp. Dự kiến, tổng sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2019 (thịt heo 3,95 triệu tấn, tăng 19,97%; thịt gia cầm 1,42 triệu tấn, tăng 11,0%; thịt trâu 98,5 ngàn tấn, tăng 3,6%; thịt bò 365,3 ngàn tấn, tăng 4,6%; sữa đạt 1,15 triệu tấn, tăng 11,4%; trứng đạt 14,6 tỷ quả, tăng 9,6% so với năm 2019. Năm 2020, phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt 8,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2019 (khai thác đạt 3,9 triệu tấn, tăng 3,5%, sản lượng nuôi trồng đạt gần 4,7 triệu tấn, tăng 5,3%).

Riêng về nguồn cung thịt heo, ông Kiều Đình Thép- Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam- một trong những doanh nghiệp chăn nuôi lớn- cho hay: Hiện C.P. Việt Nam tiếp tục cung cấp ra thị trường trung bình mỗi ngày 15.000- 17.000 con heo thương phẩm, với giá bán 74.000- 75.000 đ/kg heo hơi.

Đồng thời chúng tôi cũng đã và đang tích cực tái đàn, tăng đàn để cung cấp heo thương phẩm ra thị trường trong thời gian tới. Từ nay đến cuối năm, C.P. đã tăng và tái đàn so cùng kỳ năm ngoái khoảng 5%. Cho nên, thời gian tới lượng heo cung cấp của C.P. ra thị trường có thể lên 20.000 con/ngày.

Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, chúng tôi vẫn phát triển đàn heo, đàn gia cầm, lượng thịt gia cầm, trứng vẫn ổn định, thậm chí có phần tăng trưởng hơn một chút so với trước đây. Với giá thịt heo cao như hiện nay chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng có thể chuyển đổi một phần tiêu dùng sang trứng, sản phẩm thịt gia cầm.

Trao đổi với phóng viên các cơ quan báo chí tại hội nghị mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường- “Tư lệnh ngành nông nghiệp” khẳng định: “Về phía cơ quan chỉ đạo sản xuất, chúng tôi xin cam đoan rằng Bộ Nông nghiệp- PTNT dưới sự chỉ đạo của Chính phủ tập trung cùng các doanh nghiệp, các địa phương, các thành phần kinh tế kiên quyết khắc phục khó khăn, thách thức về điều kiện bất thuận của thời tiết, dịch bệnh, về thị trường để tổ chức sản xuất có quy mô, hiệu quả nhất, đặc biệt cho nhóm sản phẩm: lương thực, thực phẩm. 2 nhóm này đang rất quan trọng hiện nay đối với ứng phó COVID-19, trước hết phải đảm bảo phục vụ nhu cầu trong nước trong mọi hoàn cảnh"

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Để thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp đã đề ra hàng loạt các giải pháp: Rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có tín hiệu thị trường thuận lợi (gạo, cây ăn quả: thanh long, sầu riêng, chanh leo…); chú trọng yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn; xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường, chế biến, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nông thôn mới trên địa bàn.

Tập trung rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây ăn quả chất lượng, phù hợp, có thị trường theo hướng khai thác, phát huy tốt lợi thế điều kiện tự nhiên của địa phương. Phát triển các giống cây ăn quả đặc sản có lợi thế tại các địa phương, vùng; ưu tiên công tác bình tuyển, phục tráng các giống bản địa, đặc sản địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây ăn quả mới, có năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường. Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến.

Ông Phạm Xuân Quế- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho hay: Xuất khẩu gạo tăng trưởng rất tốt trong 2 tháng đầu năm nay với khối lượng xuất khẩu đạt 900 ngàn tấn. Đáng chú ý, sau tết thị trường sôi động, giá gạo tăng mạnh, tăng đều ở các phân khúc, thời gian tăng giá nhanh ngoài dự báo.

Giá gạo điều chỉnh tăng thay vì theo quý, giờ tăng theo tuần. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 30- 50 USD/tấn, gần bằng giá gạo Thái Lan. Nguyên nhân gạo được giá là thị trường thế giới có sự điều chỉnh, các nước nhập khẩu nhập sớm.

Gạo Việt Nam xuất khẩu không chỉ tăng được giá, mà chúng ta đã đa dạng hóa được thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu trước đây- đây là tín hiệu vui đối với mặt hàng gạo.

  Thu hoạch trái cây tại huyện Long Hồ (Vĩnh Long).
Thu hoạch trái cây tại huyện Long Hồ (Vĩnh Long).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm: Cần phải chuẩn bị sẵn phương án các yếu tố thị trường để khi dịch bệnh này giảm xuống, chúng ta phải khai thác, tận dụng tốt nhất các thị trường, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông sản có giá trị ở cao nhất trong hoàn cảnh cho phép.

Có như vậy, chúng ta mới hoàn thành nhiệm vụ “kép” vừa đảm bảo đủ lương thực thực phẩm phục vụ thị trường trong nước vừa phải chuẩn bị các điều kiện để khi có thời cơ chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu nông sản... đảm bảo mục tiêu an sinh, phát triển bền vững.

Lấy ví dụ như thị trường gạo của chúng ta, những năm 2018, Trung Quốc chiếm 50% thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Sau đó, khi bạn giảm nhu cầu, chúng ta chủ động tìm kiếm, điều chỉnh khai thác các thị trường mới. Thế nên, 2 năm vừa qua, mặt hàng gạo của Việt Nam vẫn tiêu thụ được nhờ các thị trường mới, nhờ đó chúng ta duy trì được xuất khẩu khoảng 6,5- 7 triệu gạo tấn/năm.

Trong thời gian tới, chúng ta sẽ đẩy mạnh khai thác các thị trường mới: Nga, Brazil, đồng thời cũng khai thác lại thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU. Từng thị trường truyền thống cũng phải khai thác hiệu quả, chất lượng hơn trên cơ sở nền tảng tổ chức lại sản xuất theo chuỗi, đưa hàng hóa ra thị trường tốt nhất, giá cả cạnh tranh.

Bài, ảnh: HÀ VĨNH THÁI