Hàng Việt Nam: "F5" để hội nhập

Cập nhật, 11:10, Thứ Bảy, 13/02/2016 (GMT+7)

Nhấn nút “F5”- nghĩa là hàng Việt Nam cần được làm mới (Reload, Refresh), cần phải thay đổi để tồn tại và phát triển.

Hội nhập TPP là mở ra những tiềm năng cơ hội phát triển nhưng cũng tồn tại không ít khó khăn thách thức cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Và hàng Việt Nam lại tiếp tục một trận đấu mới...

Hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Cùng về nông thôn
 

Trong những năm qua, việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn đã tạo không khí giao thương sôi nổi. Hội chợ đã tạo cơ hội cho các DN gặp gỡ, trao đổi hàng hóa, quảng bá giao thương, tạo điều kiện để người tiêu dùng có cơ hội tiếp xúc và nâng cao ý thức sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao.

Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA), trong 2015, đã tổ chức được 23 phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn qua 23 huyện thuộc 13 tỉnh tại các khu vực miền Tây, miền Đông Nam Bộ, Cao Nguyên và khu vực miền Trung.

Qua đó, tổng doanh thu của các DN trên 24,4 tỷ đồng với 760 lượt DN tham gia và trên 300.000 lượt người đến tham quan, mua sắm. Bình quân mỗi phiên chợ có 35- 40 DN sản xuất có nhu cầu quảng bá và mở rộng mạng lưới phân phối tại các địa phương.

Tại Vĩnh Long, theo BCĐ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ cuối năm 2009 đến nay, đã tổ chức hơn 60 đợt bán hàng “Đưa hàng Việt Nam về nông thôn” với tổng doanh thu trên 10 tỷ đồng.

Và thực tế cho thấy ý thức của người dân sử dụng hàng Việt Nam ngày càng cao. Có gần 80% cơ quan, đơn vị mua sắm trang thiết bị do Việt Nam sản xuất và gần 85% người dân mua sắm hàng tiêu dùng có nguồn gốc Việt Nam.

Tại nhiều chợ nông thôn, các mặt hàng sản xuất trong tỉnh cũng được người tiêu dùng ưa chuộng như nước mắm Gia Hỷ, me hạt mềm Hồng Phượng, bánh phồng tôm Long Giang, kẹo hạt điều Sơn Hải, chao Phước Hòa,...

Chị Nguyễn Thị Ngọc- tiểu thương chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) cho biết: “Người tiêu dùng rất chú ý đến nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Khoảng 3 năm nay, mỗi dịp tết bánh kẹo, thực phẩm trong tỉnh sản xuất bán chạy lắm”.

Vì vậy, ngày càng có nhiều DN mặn mà với “đưa hàng Việt Nam về nông thôn” bởi đây không chỉ là dịp giới thiệu sản phẩm mà còn để lắng nghe người tiêu dùng, nhằm hoàn thiện sản phẩm hơn.

Anh Nguyễn Văn Nam- nhân viên Công ty TNHH Minh Long Hưng cho biết: Công ty luôn chú ý lắng nghe để giữ chất lượng, giá cả phù hợp cho người tiêu dùng nông thôn, công nhân.

Anh Âu Thanh Hiếu- chủ Cơ sở sản xuất me hạt mềm Hồng Phượng (Long Hồ) cho biết: “Mỗi lần tham gia hội chợ đều bán được số lượng nhiều. Bên cạnh đó, lắng nghe ý kiến khách hàng để cải thiện mẫu mã chất lượng, cơ sở còn cho ra nhiều sản phẩm mới với giá cả phù hợp với túi tiền người dân nông thôn”.

Cần sáng tạo để hội nhập

Tuy nhiên, sắp tới đây, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực thì sẽ mở ra nhiều thách thức mới cho các DN trong nước. Đó là chưa kể đến các cuộc tấn công ồ ạt của các mặt hàng ngoại từ Thái Lan, Nhật Bản,...

Theo bà Vũ Kim Hạnh- Giám đốc Trung tâm BSA, sở dĩ hàng Thái Lan dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam là do chính phủ nước này luôn thực hiện các chương trình hỗ trợ DN thực hiện các đợt xúc tiến thương mại, đưa hàng ra nước ngoài.

Sản phẩm sản xuất trong tỉnh được trưng bày tại nhiều hội chợ, hội thảo.

Sản phẩm sản xuất trong tỉnh được trưng bày tại nhiều hội chợ, hội thảo.

 

Thực tế cho thấy, nguyên nhân khiến hàng Thái Lan được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích là bởi giá chỉ cao hơn các sản phẩm Việt Nam từ 10- 20% và rẻ bằng nửa so với hàng hóa xuất xứ từ Châu Âu, nhưng chất lượng lại không thua kém. Trong khi đó, sản phẩm do các DN trong nước sản xuất chậm đổi mới mẫu mã, chất lượng ở mức trung bình nên chỉ phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều ý kiến cho rằng, hàng nội còn đơn điệu, mẫu mã chưa bắt mắt, giá cả chưa hấp dẫn.

Tại nhiều chợ nông thôn, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh được bày bán khá nhiều.
Tại nhiều chợ nông thôn, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh được bày bán khá nhiều.

Ông Hồ Văn Hùng- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công thương Vĩnh Long cho biết: Giá cả và chất lượng hàng hóa trong nước chưa phù hợp là những khó khăn mà hàng Việt Nam đang gặp phải.

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương đánh giá: Cuộc vận động đã có sức lan tỏa nhanh, đa số người dân đã ý thức được việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đây là điều kiện để các DN sản xuất trong nước đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, hàng Việt Nam vẫn chưa khẳng định vị thế thật sự của mình. Năng lực của một số DN nội địa còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu trong nước về số lượng, chất lượng, chủng loại, giá cả, chưa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập; vẫn còn tình trạng một số DN lợi dụng khuyến mãi để tiêu thụ hàng tồn kho, hàng quá đát...

Để hàng Việt Nam dần khẳng định vị thế trong lòng người tiêu dùng, DN Việt Nam cần phải đổi mới, sáng tạo, song song đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nên giảm cho phép đăng ký các hội chợ thương mại không đủ tiêu chuẩn, thiếu chất lượng, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và uy tín của hàng Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Còn - Phó Giám đốc Sở Công thương

 

Trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh hàng hóa ngày càng khốc liệt về chất lượng, giá cả, mẫu mã, thương hiệu... Đây là những thách thức, đồng thời cũng là thời cơ cho các DN, cơ sở sản xuất, làng nghề. Để đứng vững trong thời kỳ hội nhập, DN và cơ sở sản xuất làng nghề bắt buộc phải nâng cao chất lượng hàng hóa để ngày càng chiếm thị phần lớn, chiếm tỷ trọng cao tại các hệ thống siêu thị, cơ sở DN kinh doanh hàng hóa trong- ngoài tỉnh, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

 

 

Bài, ảnh: THẢO LY