Doanh nghiệp Vĩnh Long-trên đường ra thế giới

Cập nhật, 11:03, Thứ Bảy, 13/02/2016 (GMT+7)

Trở thành đối tác cung ứng đến 30% thị phần trên toàn thế giới ngành hàng thủ công mỹ nghệ cho Tập đoàn IKEA; mở thị trường đưa sản phẩm ra khu vực ASEAN, khu vực Trung Đông, Châu Phi; hay bắt đầu “chen” chân vào các thị trường khó tính…

Đó là những đầu dòng chúng tôi “gạch đỏ” khi nói về các doanh nghiệp Vĩnh Long đã và đang trên đường bước ra thế giới.

 Công ty Phước Thành IV đã đầu tư công nghệ hiện đại, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22000.
Công ty Phước Thành IV đã đầu tư công nghệ hiện đại, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22000.

Đường lên đỉnh 35 triệu USD

Năm 2015 là một năm đáng nhớ của Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Vĩnh Long (gọi tắt Công ty Vĩnh Long), khi doanh số xuất khẩu hàng thủ công đã đạt đỉnh 35 triệu USD.

Theo bà Phan Thị Mỹ Hạnh- Giám đốc Công ty Vĩnh Long: “Chưa có doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này ở các nước ASEAN, kể cả Trung Quốc đạt tới và đó là kỷ lục khó có “đối thủ” vượt qua.

Đồng thời, Công ty Vĩnh Long cũng đã trở thành đối tác quan trọng, cung ứng đến 30% thị phần trên toàn thế giới ngành hàng thủ công mỹ nghệ cho tập đoàn hàng trang trí nội thất lớn nhất thế giới IKEA”.

Công ty Vĩnh Long, từ “dàn dệt năm 1976 chưa hề biết thị trường thế giới” là gì, thời bao cấp “chỉ để giải quyết việc làm cho lao động”, khi gặp đối tác IKEA tiếng Anh chỉ “lép nhép” thời trung học… đến 10 năm trước “sợ muốn chết khi bị ép vào Khu công nghiệp Hòa Phú”, từ hợp tác xã gia đình đến “công ty có cơ ngơi như hôm nay”… Đó là cả một quá trình, mà bà Phan Thị Mỹ Hạnh nói đã “làm việc bằng tâm và đam mê, biết trái tim mình muốn gì”.

Được giới thiệu tới IKEA năm 1996 “lo không đủ lực làm”, nhưng khi tiếp xúc đại diện IKEA qua người bạn thông dịch dùm, nhận thấy đây là cơ hội có một không hai. “Sao hay quá, họ đặt điều kiện bảo vệ môi trường, không sử dụng lao động trẻ em, đồng lương phù hợp…”- bà Mỹ Hạnh cho biết gặp IKEA là một may mắn và công ty quyết định chuyển về Vĩnh Long thành lập hợp tác xã gia đình, bắt đầu xây dựng, rồi làm quen với các tiêu chuẩn quốc tế.

Xác định 2 nguồn lực chính làm ra sản phẩm: nguồn nguyên liệu thiên nhiên tại chỗ rất phong phú và nguồn lao động (phụ nữ nông nhàn) dồi dào.

Để khai thác tốt, cần có một doanh nghiệp đủ tầm sản xuất, tổ chức sản phẩm đạt chuẩn thế giới, một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có quy mô về vốn, số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn hàng hóa quốc tế. Thị trường có hàng trăm khách hàng phải lựa chọn và Công ty Vĩnh Long đã chọn được Tập đoàn IKEA.

Bà Mỹ Hạnh cho rằng: “Để đủ tầm làm ăn bền vững với IKEA, chúng tôi xác định xây dựng hệ thống tổ chức, hàng hóa đảm bảo số lượng lẫn chất lượng, chế độ đối với người lao động… IKEA là một tập đoàn tầm cỡ quốc tế, vừa mua hàng vừa dạy chúng tôi cách làm để phát triển bền vững”.

“Để sản phẩm ra nước ngoài, cần phải có khách hàng, có nguồn nguyên liệu và lao động. Bên cạnh, nội tại doanh nghiệp tổ chức thế nào để thỏa mãn những yêu cầu đó. Xã hội ngày càng đòi hỏi doanh nghiệp có trách nhiệm và Công ty Vĩnh Long đã chọn con đường đi đúng theo luật pháp nước mình phù hợp luật pháp, tiêu chuẩn quốc tế. Không phải khách hàng muốn gì cũng chiều, phải xem có phù hợp xã hội mình, đúng mới làm theo. Đó cũng là cái nền để doanh nghiệp hoạch định chiến lược phát triển toàn diện và hội nhập kinh tế thế giới”- bà Mỹ Hạnh chia sẻ.

Môi trường làm việc thông thoáng tại Công ty Vĩnh Long.
Môi trường làm việc thông thoáng tại Công ty Vĩnh Long.

Trên đường ra thế giới

Chúng tôi hỏi làm ăn với nước ngoài khó hay dễ? Bà Phan Thị Mỹ Hạnh bảo rằng: “Do mình quyết định, ai cũng năng lực có hạn, quan trọng là biết mình muốn gì sẽ đưa đến kết quả đó. Doanh nghiệp muốn làm ăn với nước ngoài phải xác định được: thời cơ và hướng phát triển lâu dài, thì không có gì khó”.

Vì “biết mình muốn gì”, nên khởi nghiệp từ 20- 30 lao động thủ công, đến nay Công ty Vĩnh Long đã có trên 600 lao động tại chỗ và hơn 10.000 lao động bên ngoài. Gần 40 năm hoạt động, doanh nghiệp đã vượt lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á về sản xuất và xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu thiên nhiên. Và vẫn “mong muốn”: “Phục vụ cuộc sống của mọi người tốt hơn, gần gũi với thiên nhiên và thân thiện với môi trường”.

Nguồn cảm hứng “biết mình muốn gì” chúng tôi cũng bắt gặp ở nhiều doanh nghiệp Vĩnh Long đang trên đường đi ra thế giới.

“Muốn” nhắm tới các thị trường khó tính như Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc,… để đưa các sản phẩm gạo chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế đến với người tiêu dùng ngoài nước”- là định hướng của Công ty TNHH Phước Thành IV mà Giám đốc Nguyễn Văn Thành chia sẻ.

Theo ông, với thương hiệu đã được khẳng định ở thị trường trong nước, đầu tư công nghệ, bao bì sản phẩm, cùng chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO: 22000… doanh nghiệp đã sẵn sàng đưa sản phẩm thâm nhập thị trường quốc tế.

Phước Thành IV đã khảo sát thị trường để tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng các nước, vì muốn “bán cái người ta cần chứ không bán cái mình có”, nên ông cho biết kinh nghiệm “Phân khúc thị trường rất quan trọng, tiêu chuẩn mỗi nước mỗi khác nên đó là cách để thâm nhập thị trường thành công.

“Mở thị trường mới là con đường khó, bởi thị trường truyền thống chủ yếu là dòng gạo cấp thấp. Đã suy nghĩ nhiều năm, tôi thấy trước nay gạo Việt Nam chưa có giống gạo cao cấp như Pakistan, Thái Lan hay Campuchia. Tôi muốn “chen” vào dòng sản phẩm gạo cấp trung và cao cấp, khi phân khúc được thị trường có thể nhập một số giống cao cấp của Ấn Độ, Pakistan khảo nghiệm sản xuất tại Vĩnh Long. Hay các giống nội địa như ST 21 đã xuất khẩu được với giá 700- 800 USD. Do đó, Phước Thành IV chọn phân khúc thị trường hợp lý cạnh tranh, không trùng lấp”- ông Thành cho biết hiện đã “cắm” nhân viên tổ chức thị trường ở Malaysia.

Sản xuất tại Nhà máy Phân bón Cửu Long.
Sản xuất tại Nhà máy Phân bón Cửu Long.

Trong khi đó, với “mong muốn” đẩy mạnh tăng cường phát triển thương hiệu, tăng hàm lượng công nghệ chất xám vào sản phẩm… ông Đinh Văn Vụ- Phó Giám đốc Nhà máy Phân bón Cửu Long, cho biết hiện sản phẩm đã có mặt tại thị trường các nước ASEAN và một số nước Trung Đông, Châu Phi. Cùng với định hướng cơ cấu lại thị trường nội địa và chủ động tìm thị trường xuất khẩu đã đạt những kết quả khả quan.

“Muốn” tìm đường cho kẹo đi nước ngoài, chị Lê Trúc My- Phó Giám đốc Công ty kẹo Sơn Hải, cho biết công ty không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng. Đến nay sản phẩm kẹo đã xuất khẩu sang Campuchia, Malaysia và đang hướng tới các nước Hồi giáo. Ước muốn “đi xa” giúp công ty từ một cơ sở nhỏ bắt đầu từ làm kẹo trái cây, đã có sản phẩm kẹo đậu phộng Sơn Hải góp mặt trong hệ thống các siêu thị, 60 chi nhánh trong cả nước, sản xuất trên 20 tấn sản phẩm/tháng.

Sản xuất tại Nhà máy Phân bón Cửu Long.
Những viên kẹo nhỏ bé của Sơn Hải đã bước ra thế giới.

* * * * *

Vẫn còn nhiều câu chuyện trên đường ra thế giới chúng tôi chưa nói hết. Nhưng tất cả đều cho thấy khát vọng vươn xa, với một tâm thế “biết người biết ta”. Nói như bà Phan Thị Mỹ Hạnh: “Doanh nghiệp xác định hướng phát triển bền vững, dựa vào “nội lực”. Sau thời gian vừa làm vừa học hỏi, tạo cơ ngơi, tạo nền tảng vững chắc… Đến giai đoạn này, doanh nghiệp bắt đầu bay!”

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY