Kỳ vọng xúc tiến đầu tư trong năm mới

Cập nhật, 05:28, Thứ Năm, 24/12/2015 (GMT+7)

Trên cơ sở dựa vào lợi thế, tiềm năng và các lĩnh vực thế mạnh trong thu hút đầu tư (ĐT), chương trình xúc tiến ĐT năm 2016 của tỉnh được kỳ vọng đảm bảo cân bằng, phát triển đồng bộ giữa các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.

Doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu cơ hội đầu tư dây chuyền sản xuất cám gạo với doanh nghiệp Vĩnh Long.
Doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu cơ hội đầu tư dây chuyền sản xuất cám gạo với doanh nghiệp Vĩnh Long.

Tập trung lĩnh vực thế mạnh

Theo đó, việc tổ chức, thực hiện thu hút, mời gọi ĐT tập trung vào các dự án trọng điểm và có tác động tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội cho địa phương, giải quyết tốt các nhu cầu bức thiết cho xã hội như tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị cho các mặt hàng chủ lực, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương,... Các lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng của tỉnh như sản xuất, chế biến và bảo quản nông- thủy sản, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành nghề sử dụng nhiều lao động.

Từ đầu năm 2015 đến nay, thông qua các hoạt động xúc tiến ĐT đã có 38 lượt nhà ĐT trong và ngoài nước, trong đó có 24 lượt nhà ĐT nước ngoài gồm: Nhật Bản, Anh, Đài Loan, Mỹ, Israel đến tìm hiểu ĐT tại Vĩnh Long. Hiện nay, có 17 dự án được cấp giấy chứng nhận ĐT và 2 dự án được chấp thuận chủ trương ĐT, với tổng vốn đăng ký khoảng 1.425 tỷ đồng, đạt 40,74% so với kế hoạch (trong đó, có 3 dự án FDI với vốn đăng ký 12,75 triệu USD).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương 2 dự án ĐT xây dựng chợ, nhà phố tại TX Bình Minh và dự án công viên nghĩa trang tại xã Tân Hòa (TP Vĩnh Long), tổng vốn ĐT 2 dự án này khoảng 175 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Nước Aqua One khảo sát vị trí phù hợp lập đề xuất dự án ĐT nhà máy nước Sông Tiền 3.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ được xem là hạn chế lớn nhất ảnh hưởng đến thu hút ĐT của tỉnh hiện nay. Một số công trình trọng điểm giao thông quốc gia trên địa bàn tỉnh chưa triển khai xây dựng hoặc triển khai chậm làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội. Chưa kể, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội cũng chưa đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà ĐT.

Trong khi nông nghiệp là lợi thế chính của tỉnh nhưng việc thu hút ĐT chưa thật sự hấp dẫn. Các dự án ĐT vào ngành công nghiệp chế biến nông- thủy sản của tỉnh hiện nay đều có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó là một số hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư, quỹ đất công, cơ chế chính sách… cũng được xem là rào cản không nhỏ trong thu hút ĐT của tỉnh.

Lựa chọn đối tác tiềm năng

Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2016 của tỉnh chú trọng mời gọi ĐT tập trung vào một số đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Trong đó, Hà Lan là một quốc gia phát triển lâu đời và có một vị trí quan trọng trong nền kinh tế của liên minh Châu Âu, với các ngành kinh tế mũi nhọn là dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp.

Xu thế ĐT của doanh nghiệp Hà Lan hiện nay chủ yếu hướng vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sữa và dịch vụ. Tại Vĩnh Long hiện có Công ty TNHH De Heus đã ĐT 3 dự án với tổng mức ĐT khoảng 43 triệu USD.

Hiện Nhật Bản đang tăng cường tìm cơ hội ĐT ra nước ngoài vào các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, xây dựng,… Hiện Vĩnh Long đã có 3 nhà ĐT Nhật Bản thực hiện dự án ĐT là Công ty CP Acecook Việt Nam đang hoạt động và sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đăng ký ĐT khoảng 25 triệu USD. Chi nhánh Công ty Ajinomoto Việt Nam và Công ty CP Công nghiệp Điện khí Kyowa thành lập Công ty TNHH Kyowakiden Việt Nam, với tổng vốn đăng ký ĐT khoảng 250.000 USD.

Đây sẽ là kênh thông tin quan trọng giúp các doanh nghiệp, nhà ĐT Nhật Bản nắm bắt được các thông tin cụ thể về môi trường ĐT tại Vĩnh Long. Qua đó, sẽ là cầu nối giúp tỉnh Vĩnh Long liên hệ đầu mối hỗ trợ trong việc tổ chức đoàn xúc tiến ĐT sang Nhật Bản.

Ông Yasuzumi Hirotaka- Giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh cho rằng nhà ĐT Nhật Bản còn thiếu thông tin về cơ hội, chính sách ĐT. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn chưa biết ĐBSCL là vùng nông nghiệp trù phú, có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp.

Do đó, để ĐBSCL thực sự là địa chỉ ĐT hấp dẫn, bên cạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, việc nỗ lực hoàn thiện mạng lưới liên kết vùng kết hợp với đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương là hết sức quan trọng.

Hàn Quốc là cường quốc thương mại lớn thứ 8 thế giới. Thế mạnh công nghiệp của Hàn Quốc là các ngành như điện tử, ôtô, hóa chất, đóng tàu, thép, sợi, quần áo, da giày, chế biến thức ăn. Hiện nay Hàn Quốc đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghệ cao như hạt nhân, điện tử, tin học, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ xanh- sạch… và đi đầu thực hiện mô hình mới về tăng trưởng qua chiến lược phát triển xanh.

Tại Vĩnh Long, Hàn Quốc là nhà ĐT nước ngoài đứng thứ 3, hiện có 3 dự án ĐT đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả với tổng vốn đăng ký khoảng 8,5 triệu USD. Trong số đó có chi nhánh của Công ty TNHH CJ Vina Agri thuộc Tập đoàn Cheil Jedang. Đây sẽ là cầu nối cho tỉnh Vĩnh Long liên hệ đầu mối hỗ trợ trong việc tổ chức đoàn xúc tiến ĐT sang Hàn Quốc.

Theo ông Kim Chan Young- phụ trách tư vấn ĐT của Tổ chức Xúc tiến ĐT Hàn Quốc, muốn đẩy mạnh thu hút ĐT cần cung cấp thông tin đầy đủ và chi tiết hơn nữa, phải tập trung vào lĩnh vực địa phương có thế mạnh như ngành công nghiệp chế biến. Ngoài ra, địa phương cần tập trung ĐT cơ sở hạ tầng và mạng lưới giao thông.

Toàn tỉnh hiện có 77 dự án mời gọi ĐT giai đoạn 2015- 2020 được duyệt với tổng vốn ĐT khoảng 25.638 tỷ đồng bao gồm: 21 dự án hạ tầng công nghiệp, 6 dự án đô thị nhà ở, 13 dự án thương mại dịch vụ, 4 dự án văn hóa du lịch, 3 dự án bảo vệ môi trường, 30 dự án nông nghiệp nông thôn.

Bài, ảnh: LÊ SƠN