Kết nối phố

Dừa quê ra chợ

Cập nhật, 06:14, Thứ Tư, 18/11/2015 (GMT+7)

Người đàn ông chở xe dừa tươi xanh lặc lè, nặng trĩu, vừa đi vừa mời “mua dừa tươi đi, dừa vườn mới hái đây…” Tiếng rao vẳng giữa trưa nắng, khiến người phố chợ chợt thèm chút bóng quê. Vậy là, một nhà, hai nhà mua… Lát sau, xe dừa tươi đã gần hết sạch.

Trái quê vốn rất ngọt rất lành, bỗng đâu nhiều loại trái khi ra tới phố chợ lại trở nên “đáng sợ” vì nghi tẩm hóa chất, khiến cho nhiều người nhịn thèm mà không dám ăn. Nhà vườn thì chịu cảnh rớt giá, ế ẩm.

Bởi vậy, nếu trước đây từng có cảnh khách ở quê ra mang theo quà là trái mận trái xoài, thường bị “dân phố” rẻ rúng, nhưng giờ đây, cái gì “nhà quê mang lên” lại được chuộng vô cùng. Bởi bao giờ cũng kèm theo lời khẳng định “không phân không thuốc, rất sạch rất lành”.

Mới thấy rằng, nhu cầu về rau quả ở các đô thị, nhất là các thành phố lớn là rất lớn (về số lượng) nhưng đồng thời cũng rất cao (về chất lượng). Không hoàn toàn là vọng ngoại mà người tiêu dùng ở đô thị lớn thường chọn mua trái cây nhập khẩu từ các siêu thị giá đắt đỏ gấp năm bảy lần trái cây nội địa, mà thật ra còn vì nhiều loại trái vừa đẹp vừa ngon.

Vì vậy, nếu nhà vườn chứng tỏ được chất lượng trái cây của mình, để chinh phục được người tiêu dùng ở đô thị, nhất là phân khúc giới thu nhập khá trở lên- đang tăng rất nhanh, thì cũng có nghĩa là đã mở rộng cho đầu ra của cây trái rất lớn với hàng chục triệu khách hàng “thân tín, dài hạn” mà không cần tốn quá nhiều chi phí như đi tìm thị trường xuất khẩu bên ngoài.

Với thu nhập ngày càng cao, người tiêu dùng ở đô thị hiện nay không còn nhất thiết phải “ngon, bổ, rẻ” mà là “ngon, lành, giá cả hợp lý”.

NGUYÊN CHƯƠNG