NHÂN NGÀY THẾ GIỚI KHÔNG THUỐC LÁ 31/5:

Chuyện ở nhà máy không khói thuốc lá

Cập nhật, 06:49, Thứ Sáu, 31/05/2013 (GMT+7)

Nhiều người coi kết quả xây dựng “Môi trường làm việc không khói thuốc lá” vỏn vẹn trong 10 tháng như một kỳ tích, với việc toàn thể CB-CNV cam kết không hút thuốc tại công ty. Còn Giám đốc Công ty CP May Vĩnh Tiến Nguyễn Minh Tuệ chỉ cười nhẹ: “Giản dị thôi. Chúng tôi muốn tạo môi trường làm việc trong lành, bảo vệ sức khỏe người lao động (LĐ)”.


Nhà máy không khói thuốc lá Vĩnh Tiến góp phần tạo môi trường trong lành,
 bảo vệ sức khỏe người LĐ.

Hút thuốc hạn chế hay không hút thuốc?

Với nhận thức về tác hại của thuốc đến sức khỏe con người, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối về phòng chống cháy nổ trong nhà máy sản xuất đặc thù của ngành may mặc.

Theo ông Nguyễn Minh Tuệ, khi đã xác định 3 lợi ích của việc bỏ hút thuốc lá là: Vì sức khỏe của chính bạn và của gia đình bạn; Vì sức khỏe của mọi người xung quanh bạn; Vì một môi trường xanh- sạch- đẹp và không khói thuốc lá. Ban Giám đốc công ty đã đi đến quyết định xây dựng nhà máy không khói thuốc lá!

Kế hoạch vận động công nhân tự nguyện bỏ hút thuốc lá được vạch ra. Từ việc sưu tầm các thông tin, video clip, hình ảnh về tác hại của thuốc lá; tạo lập power point trình chiếu trong các buổi hội họp, mời bác sĩ chuyên khoa tới trực tiếp nói chuyện với công nhân cho đến việc “tôi đi nước ngoài sưu tầm cả những vỏ thuốc lá in hình ảnh ghê rợn về cho công nhân xem”- ông Nguyễn Minh Tuệ nói.


Cuộc vận động bắt đầu vào tháng 2/2012 đã tạo không khí “dư luận” sôi nổi trong công ty, có ý kiến ủng hộ, nhưng cũng có người khuyên “lo sản xuất thôi, làm chi cho mệt”… Kế hoạch cũng đã được đưa ra họp chi bộ, tổ chức CB-CNV thảo luận bàn bạc. Cuối cùng đi đến thống nhất nên làm, vì ai cũng thấy bỏ thuốc là điều tốt.

Ban vận động công ty đã thành lập 2 nhóm vận động và kiểm tra- chọn những người có chức vụ, “có thành tích hút thuốc… khủng nhất”. Với niềm tin rằng “nếu những người hút thuốc… trùm sò có thể bỏ được, thì những người hút chơi cũng có thể bỏ được”.

Như anh Võ Minh Luân- Quản đốc phân xưởng 1 và 3, được bầu trưởng nhóm 1 “nhiều lúc không có điếu thuốc, đầu óc quay cuồng không làm gì được”.
 
Anh Trương Công Nhạn- Bí thư Đoàn TNCS, “không hút không được”, làm trưởng nhóm 2. Ban vận động đã khảo sát trong tổng số 321 LĐ hút thuốc và phân loại: LĐ không hút thuốc (181), LĐ hút nhưng không nghiện (100) và LĐ hút thuốc nghiện (40).

Trước đó công ty dành hẳn khu vực dành riêng hút thuốc, quy định 2 ca/ ngày sáng 9 giờ- 9 giờ 15 và chiều 3 giờ- 3 giờ 15, tính giờ ăn trưa thì LĐ có 3 ca hút thuốc trong ngày. Nhưng khi thực hiện kế hoạch bỏ thuốc, các ca hút trong ngày dần “xiết chặt”.

Ban đầu bỏ ca hút thuốc sáng 9 giờ- 9 giờ 15 các ngày trong tuần, tới bỏ ca hút chiều 3 giờ- 3 giờ 15 các ngày thứ 2, 4, 6, rồi bỏ ca chiều 3 giờ- 3 giờ 15 các ngày thứ 3, 5, 7 và bỏ hẳn ca hút thuốc buổi này. Trong thời gian này, “Phiếu tự nguyện bỏ hút thuốc” được phát ra, có người không chịu ký cam kết.

Ban giám đốc, công đoàn phải tiếp tục trao đổi, thuyết phục. Ngoài phân tích tác hại của thuốc lá, còn đưa ra bài toán thiệt hại kinh tế rất lớn. Nếu hút 1 gói thuốc giá 20.000 đ/ngày, tháng mất 600.000đ, 1 năm mất 7,2 triệu. Quá lớn so với thu nhập của người LĐ, chưa kể bệnh tật tiềm ẩn từ hút thuốc và khói thuốc gây ra cho người thân xung quanh.

Theo quy trình “chậm mà chặt” đó, đến ngày 1/11/2012, kế hoạch nhà máy không khói thuốc đã thực hiện được. Và để duy trì việc không còn khói thuốc lá tại công ty, Ban vận động tổ chức kiểm tra hàng ngày nhà xưởng, tiến hành lập biên bản những cá nhân vi phạm hút thuốc.


“Đồng hồ đếm ngược” đến thời hạn bỏ thuốc lá ở Công ty Vĩnh Tiến.

Bỏ hút thuốc, được gì?

Ông Nguyễn Minh Tuệ cho rằng: “Công ty đã cải thiện được môi trường làm việc tốt, bảo vệ sức khỏe người LĐ. Tôi hài lòng vì những cái thuộc về bản chất, thói quen nhỏ của mỗi người thường khó thay đổi, nhưng có quyết tâm thì sẽ làm được”.

Nói chuyện với chúng tôi, chị Lê Thị Hồng Nhung- Phòng Tổ chức- LĐ- tiền lương (vợ anh Trương Công Nhạn), vui mừng ra mặt:
 
“Trước ảnh hút thuốc lá cả nhà ai cũng bức xúc. Chúng tôi có con nhỏ hay bệnh, đi khám bác sĩ nói triệu chứng hen suyễn không nên tiếp xúc khói thuốc lá. Bản thân tôi, gia đình 2 bên cùng vận động bỏ mà chưa được. May mà công ty có chương trình này. Tôi vui vì không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn bảo vệ sức khỏe của ảnh và gia đình”.

Tin “hành lang” chúng tôi được biết anh Nhạn và nhiều anh trong công ty, sau bỏ thuốc tăng lên mấy ký.

Từng được gọi là “lão tướng hút thuốc”, vì đối với anh điếu thuốc là người bạn tri kỷ không thể tách rời: ăn cơm xong hút, ngồi uống trà phải có thuốc, khách tới mời điếu hút chơi, hút liên tục, vui hút, buồn cũng hút…

Thế nhưng, chỉ sau vận động được 1 tháng bỏ hút thuốc anh đã bỏ dần và bỏ hút thuốc luôn. “Lúc mới bỏ, buồn và lạnh miệng lắm, phải chạy đi kiếm này kiếm kia ăn cho đỡ buồn”- anh Lê Văn Nhựt- công nhân công ty nói khó khăn. Bù lại, thay vì như trước đây sau mỗi bữa cơm anh tìm vui với điếu thuốc, thì giờ đây “vợ con tui mừng lắm”.
 
“Không phải vì đỡ tốn tiền mua thuốc, mà sức khỏe tui tốt hơn. Để đỡ buồn, tui kiếm việc nhào vô làm, quét nhà, giặt đồ, rửa chén… trước là để quên thuốc. Giờ bà xã nấu cơm, tui phụ quét nhà, kiếm việc làm lia chia”- anh nói.

“Ra ngoài đường cầm điếu thuốc người ta nhìn mình ngộ lắm. Hút không thấy ngon lành gì”- anh Nhựt nói đó cũng là lý do anh bỏ thuốc luôn.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC