Góc nhìn

Vẫn khó tiếp cận vốn

Cập nhật, 06:45, Thứ Ba, 28/05/2013 (GMT+7)

Bước qua tháng 5, thị trường đón nhiều tín hiệu tốt với việc hàng loạt các tổ chức tín dụng hạ lãi suất huy động và kéo giảm lãi suất cho vay. Động thái tích cực này được kỳ vọng “cánh cửa” tín dụng sẽ mở rộng hơn cho doanh nghiệp.

Vietcombank mở màn khi hạ lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn 1 tháng xuống còn 6%/năm, 2 tháng 6,5%/năm và 3 tháng là 6,8%/năm. Tiếp sau là Vietinbank, DIDV đưa lãi suất huy động về mức tương tự. Còn Agribank “mạnh tay” hơn với mức huy động kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 5% và là mức thấp nhất trên thị trường.

Cùng với đó, hàng loạt gói tín dụng ưu đãi cũng được mở ra: VPbank dành 2.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lãi suất 6% trong 6 tháng đầu tiên; Vietinbank với các gói tín dụng ngắn hạn 80.000 tỷ đồng lãi suất cho vay thấp nhất chỉ 7%/năm… Lãi suất huy động giảm một nửa so với thời điểm 1 năm trước, đây là điều kiện để tiếp tục hạ lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long, lãi suất cho vay ngắn hạn hiện nay từ 11- 13% đối với các ngân hàng TMCP nhà nước và từ 11-15% đối với ngân hàng TMCP tư nhân. Trong khi, vốn vay trung và dài hạn vẫn còn khá cao, phổ biến 11- 15%, thậm chí 17%.

Lãi suất giảm nhưng đối với nhiều doanh nghiệp vẫn khá cao và cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ hãy còn là “cánh cửa hẹp”. Nhiều doanh nghiệp có phương án sản xuất tốt, nhưng còn vướng nợ xấu, hoặc không còn tài sản thế chấp nên ngân hàng vẫn e dè giải ngân.

Trong phiên họp thường kỳ tháng 4/2013, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ở mức hợp lý theo tín hiệu thị trường.

Cùng những cơ chế chính sách về tài khóa với việc hạ lãi suất ngân hàng hiện nay sẽ là đòn bẩy tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Mặt khác, để tồn tại trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, bản thân doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, thị trường, điều chỉnh lại sản xuất.

Bido2_40.com