Tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ tam nông

Cập nhật, 07:15, Thứ Năm, 25/12/2014 (GMT+7)

Vừa qua, tại huyện Vũng Liêm, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) cùng các nhà khoa học, quản lý ngành nông nghiệp đã có dịp “ngồi lại với nhau” bàn bạc và đưa ra những mô hình, giải pháp nhằm “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”.


CNTT- Truyền thông phục vụ nông nghiệp sẽ giúp nông dân hạ giá thành sản xuất, nâng cao năng suất. Trong ảnh: Máy cấy lúa đang thu hút nông dân ở huyện Tam Bình trong vụ lúa Đông Xuân này.

“Nông dân lãi kép”

Một trong những mô hình được chú ý là mô hình “nông nghiệp- nông dân - nông thôn” tại Nhật Bản. Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và PTNT (Đại học An Giang) giới thiệu rằng nông dân Nhật Bản được hưởng lãi kép trên một sản phẩm của mình làm ra. Lần thứ nhất là khi bán nông sản cho các điểm sơ chế của hợp tác xã (HTX). Sau dòng đời kinh doanh 2 năm, HTX hạch toán và phân chia lãi lần 2 cho nông dân.

Để giảm thiểu công sức và tiền bạc, nông dân Nhật Bản ứng dụng triệt để CNTT vào quá trình sản xuất từ lập kế hoạch sản xuất, kỹ thuật canh tác, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho đến quảng bá sản phẩm.

Để đạt được mức lãi suất trên người nông dân phải liên kết chặt chẽ với nhau, có quy trình tổ chức sản xuất. Bên cạnh thành lập thành từng nhóm, tổ sản xuất, hầu như phần lớn nông dân đều là thành viên của HTX, gắn lợi ích của mình với lợi ích của HTX và doanh nghiệp.

Nông dân chỉ lo phần sản xuất, đảm bảo chất lượng hàng hóa mình tạo ra, còn đầu ra cho nông sản là “chuyện” của HTX. HTX sẽ phân phối, tiêu thụ nông sản ra thị trường, không thông qua trung gian nên lợi nhuận sẽ cao hơn.

Điển hình như người nông dân trồng 3.000m2 măng tây do áp dụng CNTT vào kỹ thuật sản xuất nên khi trừ chi phí nông dân thu lãi đến 60.000 USD/năm (trên 1,2 tỷ đồng).


Ths. Nguyễn Hồng Vân- giảng viên Khoa CNTT- Truyền thông (Đại học Cần Thơ) đã giới thiệu mô hình ứng dụng CNTT cho nông thôn, lấy kinh nghiệm từ hội thảo triển khai tại Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Đó là mô hình “đầu tư- hỗ trợ- phát triển- xã hội hóa”. Thông qua đó, đã giới thiệu khái quát việc ứng dụng CNTT ở các nước phát triển.

Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp- nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT) Nguyễn Vĩnh Phúc cho biết, thời gian qua ngành nông nghiệp rất chú trọng các giải pháp kỹ thuật, nhất là công tác đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ sản xuất như: thông tin về tiến bộ kỹ thuật, chính sách, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại cho người dân thông qua xây dựng sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long, hệ thống thông tin thị trường qua SMS, Trang thông tin điện tử ngành, Tạp chí Nông nghiệp nông thôn, Tạp chí Khuyến nông thị trường,…

Về mô hình điểm cung cấp thông tin tiến bộ khoa học công nghệ cho vùng nông thôn, theo ông Nguyễn Hữu Minh- Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Thông tin khoa học công nghệ, từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 72 điểm hoạt động. Theo báo cáo tại 59/72 điểm khảo sát, trong năm vừa qua, có trên 22.900 lượt cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân. Trong đó, loại hình thông tin được người dân ưa chuộng là kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng, các mô hình chăn nuôi hiệu quả, giáo dục, y tế,…

Từng bước gầy dựng liên kết, ứng dụng mô hình CNTT

Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông- Nguyễn Việt Thanh cho biết, với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ nông nghiệp (NN), giúp người dân tiếp cận thông tin, dự báo thị trường,...

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT hiện nay chưa tập trung ở vùng nông thôn, người nông dân chưa có điều kiện khai thác nó dẫn đến việc hạn chế trong tiếp cận ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất NN, không nắm bắt được xu hướng thị trường,…

Do đó, việc tăng cường ứng dụng CNTT trong NN ở vùng nông thôn sẽ tạo ra giá trị vượt trội, tăng năng suất, nâng cao sức cạnh tranh cho nông dân.

Các chuyên gia cho rằng, CNTT đã trở thành một yêu cầu cấp bách của các quốc gia trên thế giới trên các mặt kinh tế- xã hội. Ở các nước phát triển và công nghiệp mới, phục vụ tam nông đã ở trình độ rất cao, hướng tới một xã hội thông tin. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, hoạt động này mới ở giai đoạn khởi đầu, nhưng đây là chìa khóa cho đổi mới và phát triển bền vững, tạo giá trị mới, đột phá trong NN, nông dân và nông thôn.

Ths. Đoàn Hồng Hạnh- Trưởng Phòng CNTT (Sở Thông tin- Truyền thông Vĩnh Long) cho biết, hạ tầng CNTT- truyền thông của tỉnh hiện nay đã sẵn sàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp CNTT chưa chú trọng đến các dự án phần mềm ứng dụng phục vụ NN, cơ chế chính sách còn gặp nhiều hạn chế, dữ liệu ngành NN vẫn chưa khai thác, phát huy hiệu quả,…

Ths. Nguyễn Hồng Vân cho rằng các mô hình, đề tài cung cấp thông tin ở nông thôn vẫn phụ thuộc kinh phí từ Nhà nước. Như vậy, sau khi kết thúc đề tài thì các điểm “tự nuôi sống mình” vẫn còn là thách thức. Hạ tầng quan trọng nhưng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thành công là nắm bắt đúng nhu cầu, hấp dẫn cộng đồng bằng phương thức cung cấp thông tin, tri thức tiên tiến, đồng thời có mô hình phục vụ và kinh doanh tốt.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền cho biết: Ở ĐBSCL chưa có được mô hình sản xuất như Nhật Bản. Chỉ có một số địa phương như An Giang thành lập được tổ chức hợp tác sản xuất lúa giống, nhưng cũng chỉ nhỏ lẻ và theo hình thức khoán cho nông dân.

Theo ông, chúng ta có thể áp dụng được các mô hình như các nước khác, nhưng cần chọn lọc và cải tiến sao cho phù hợp với quy mô nhỏ lẻ như hiện nay và tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, công nghệ, xã hội của từng vùng nông thôn. “Có thể gầy dựng được các liên kết từ những cái nhỏ trước, phải gỡ từng bước từ những mô hình nhỏ và gắn kết  lại để ra một mô hình liên kết lớn như các nước phát triển”.

Ths. Nguyễn Hồng Vân- giảng viên Khoa CNTT- Truyền thông (Đại học Cần Thơ):




“Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp phải làm sao để người dân thấy được lợi ích thật sự từ CNTT. Việc xây dựng mô hình ứng dụng CNTT sao cho cung cấp những gì người dân đang cần, nhất là những thông tin chuyên ngành phục vụ phát triển sản xuất, đời sống khu vực nông thôn. Và để phát triển bền vững các mô hình này thì cần phải phát triển theo hướng xã hội hóa, với sự giám sát của các tổ chức xã hộ ở địa phương”.

Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT NHI

Các tin khác: