Truyện ngắn: Xao xuyến miền Tây

Cập nhật, 22:58, Chủ Nhật, 02/10/2022 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng


HỒ TĨNH TÂM

“nước chảy quyên quyên

chiếc thuyền em bơi ngược

gắng gượng mái chèo em cất bước theo anh”

Ca dao

1. Lối hơn trăm năm về trước, Ông thọ nạn ngoài Nam Hải, gắng dựa theo con sóng tấp vô được vàm sông quê tôi rồi khuất. Dân hạ bạc xúm lại quyên tiền lập miễu. Miễu không lớn, nhưng hôm sớm nhang đèn lúc nào cũng nghi ngút khói. Bà con tin rằng Ông linh lắm hiển hiện nhiều lần, cứu giúp không biết bao nhiêu ghe thuyền qua cơn giông gió.

Ngoại nói:

- Có cầu có được! Sống ở đời, phải có đức tin mới đặng nên người!

Tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ, từ nhỏ đã sống lủi thủi với ngoại và dì Bảy. Dì Bảy buôn bán thương hồ, thường rong ruổi nay đây mai đó; lúc thửa hàng, lúc bán hàng. Trên chiếc ghe lũ khũ chum vại, lũ khũ hàng hóa. Đủ cả dầu đèn, nước mắm, tương chao, khô cá, kim chỉ… Cả truyện tranh Tàu vẽ tích Bao Công xử án, Ngộ Không đại náo thiên cung. Có lúc theo mùa, dì chở trái cây, chở bông, kiểng ra bán ngoài thành. Tới đâu dì cũng đưa tôi theo. Hai dì cháu cứ theo con nước mà đi; lúc miệt này, khi xứ nọ, luồn lách tận hang cùng ngõ hẻm. Những lúc gặp buổi hàng hóa ế nhệ, ghim cây sào bên rặng bần, bên hàng dừa nước, đậu thuyền ngủ lại qua đêm, Bảy thường kể tôi nghe đủ chuyện trên đời. Chuyện buồn nhiều hơn chuyện vui. Chuyện nào tôi nghe cũng thuộc nằm lòng, nhưng vẫn muốn nghe, nhất là những chuyện về đời của Bảy.

2. Năm Bảy mười lăm, Bảy phải lòng anh ký nhà dây thép. Bảy hơn tôi năm tuổi, anh ký nhà dây thép hơn tôi mười tuổi, hai người không giấu tôi chuyện gì. Anh ký nhà dây thép bảnh trai lại có học, thơ tình viết dài cả hai ba trang trên thứ giấy màu hồng có in hình bông mai vàng nhạt ở trên góc trái. Thơ của ảnh, Bảy lận trong bao gối, chờ nửa đêm, khi ngoại ngủ say mới chong đèn ngồi đọc. Một lần, ngoại chột bụng thức dậy, bắt gặp. Đùng đùng nổi giận, ngoại châm lửa đốt hết cả xấp thư dày mấy lóng tay. Bảy tủi thân, mắc cỡ, khóc ròng mùi mẫn, mấy ngày không dám ló mặt khỏi nhà.

Ngoại cấm cửa anh ký, không cho tới nhà, Bảy càng đau khổ. Lựa những lúc ngoại đi vắng, Bảy kéo tôi lội ra miễu Ông thắp nhang khấn vái. Tôi nghe Bảy lầm rầm cầu nguyện tình duyên, không hiểu sao cũng ngùi ngùi thương cảm. Tôi nói Bảy biên thơ tôi chuyển giùm cho ảnh, Bảy không dám. Mà anh ký nhà dây thép cũng nhát, chớ có thấy lần nào qua kiếm Bảy. Vườn nhà mênh mông, mịt mù cây tạp, ai thấy được mà sợ.

Phải tới tận ngày anh ký vâng lời cha mẹ cưới vợ ngoài chợ huyện mới dám tới lạy ngoại, xin trồng tặng Bảy hai cây mai chiếu thủy. Hai cây mai đó cành lá bum xum, thân gốc xù xì, hoa nở li ti, trắng xóa cả tứ mùa. Bấy giờ Bảy đã mười tám tuổi.

Ngày anh ký rước dâu, Bảy trốn nhà ra miễu Ông cả đêm. Sợ Bảy làm chuyện dại dột, ngoại biểu tôi theo canh chừng. Cả đêm đó, Bảy ngồi quỳ chân, úp mặt vô lòng bàn tay khóc rưng rức. Ngoài vàm sông, giông kéo cuồn cuộn, sấm chớp ì đùng. Bầu trời chớp nháng chói lói, tưởng chừng sắp rách tanh bành.

Mấy ngày sau, tình cờ đi học về, gặp anh ký dây thép, tôi đem chuyện kể lại, anh ký nói:

- Khổ lắm em à!

3. Tôi không nhớ rõ đêm đó nhằm tháng mấy, chỉ nhớ mang máng đâu trước đám giỗ ông ngoại một vài con trăng. Lúc tôi giật mình thức giấc, chợt nghe có tiếng rì rầm, thổn thức dưới bếp. Linh tính mách tôi, lại chuyện dì Bảy. Tò mò, tôi rón rén đi lần chân không xuống bếp. Bảy ngồi gục trong lòng anh ký, khóc rung từng cơn. Anh ký vuốt tóc Bảy, nói lào thào như gió thoảng:

- Vợ chồng anh không yêu mà cưới nhau, đêm nay anh bỏ nhà ra đi, không đặng được ngày về. Chúng mình nếu còn duyên số, sau này Ông sẽ xe cho.

Khi Bảy đã mở sợi lòi tói, lấy chiếc tam bản chở anh ký qua sông, tôi trở lên nhà trên. Ngoại thức từ hồi nào, ngồi chắp bằng trên ván ngựa. Không để tôi kịp sợ, ngoại nói:

- Mầy ra miễu Ông với ngoại!

Sau khi thắp nhang khấn Ông, ngoại trồng một cặp mai trước miễu. Đó là giống mai sáu cánh. Sau này hai cây đó vươn tỏa, trổ bông rực cả một vùng khi giáp Tết.

Đêm đó, khi Bảy trở về, Bảy chở theo hai cây mai, đem trồng ngoài sân trước. Rồi từ đó, cứ mỗi năm Bảy lại trồng thêm một cặp mai. Cặp vô chậu, cặp trồng dưới đất. Lâu dần, vườn nhà, sân nhà chỉ toàn những mai là mai.

4. Cho tới một lần, Bảy chèo ghe đi biệt lối hơn hai tuần lễ, lúc trở về, đôi mắt như mất thần. Làm như ngoại sợ Bảy hay sao đó, cả ngày ngoại chỉ lặng lẽ ngồi ngoáy trầu. Mãi tới giờ cơm chiều, Bảy mới nói:

- Ảnh bị lính sư đoàn phục giết ngoài đồng đưng.

Tôi biết ảnh đây là anh ký nhà dây thép.

Không biết ai bắn tin mà Bảy hay, Bảy lặn lội vô đồng đưng tìm được đơn vị của ảnh. Đơn vị thì gặp, nhưng người thì không. Mọi người chỉ biết, anh ký dây thép cùng với tổ trinh sát đi điều nghiên căn cứ địch, trở về thì đụng tao ngộ chiến với tụi biệt kích. Hai bên quần nhau từ nửa đêm. Tới hừng đông tụi lính dùng trực thăng đổ quân. Nghe đâu cả gần tiểu đoàn. Năm người mà chỉ tìm được có hai cái xác. Tin nội ứng báo ra, nghi ngờ chúng đem cả ba người bị thương nặng đi thủ tiêu. Tin cơ sở của ta từ trong thành cũng báo ra như vậy. Bảy bán tin bán nghi, nên đeo bám gần tòa nhà việc tới hai tuần dọ hỏi. Nhờ đó mà Bảy quen được với chú Sáu bông gáo, nhờ chú móc nối cho tôi được thoát ly vô vùng, vừa viết bài, vừa dò mo-rát cho Tiểu ban Báo chí.

Buổi chiều, khi dẫn tôi đi gặp hai chị giao liên, Bảy dặn:

- Mầy vô trỏng, cứ gặp ông già nào tóc bạc trắng như bông gáo, là ngay tróc chú Sáu, nghe chưa?

Từ đó, theo tiếng súng trận, tôi đi miết, đi miết, không hề một mảy may tin tức về ngoại, về dì Bảy.

5. Ngày quê tôi giải phóng, tôi có trở về làng. Bấy giờ ngoại đã qua đời. Trong căn nhà úp sụp lá dừa nước, chỉ có dì Bảy với một đứa con gái lối mười lăm tuổi. Con bé có gương mặt bầu bầu, với hai con mắt rất to và rất đen. Nước da nó không trắng nhưng cũng không đen lắm. Nó gọi Bảy bằng má.

- Nó tên con Tím, gọi mày bằng anh. Con của ảnh đó! Má nó bị ảnh bỏ đi nên lấy chồng xì thẩu, Bảy năn nỉ xin đem nó về nuôi từ nhỏ. Nhìn khóe miệng nó nè! Giống ảnh y chang phải hông?

Tôi không thấy con Tím ghé được miếng nào giống tía nó, nhưng tôi cũng cười và gật đầu.

Té ra dì Bảy của tôi vẫn vậy. Vẫn cái ghe thương hồ dọc ngang kiếm sống. Thay bằng tôi trước đây, thì bây giờ là con Tím. Con Tím giỏi giắn và lanh lợi, nên hàng họ bán rất chạy. Bảy đem con Tím theo lênh đênh sông nước từ khi nó còn bé tí nị. Ghe của Bảy tới đâu cũng có người gắm ghé nhìn nhỏ, bắn tiếng dạm hỏi. Nhưng với ai Bảy cũng lắc đầu, nói thác rằng phải thủ tiết nuôi con. Mỗi chuyến đi dăm ba ngày, cùng lắm cũng chỉ một tuần đổ lại. Tới đâu thấy có mai mọc hoang ngoài vườn, Bảy cũng xin, hay cũng tìm cách mua cho kỳ được. Thêm nữa, má ruột con Tím, mỗi năm cứ đúng dịp giỗ chồng, lại chở sang cho Bảy một cây mai, và Bảy thế nào cũng mua thêm một cây cho đủ cặp. Mai mọc kín từ sân sau tới sân trước, tràn ra cả bờ sông. Mai lấn hết tất cả cây cối trong vườn. Mai chiếm tuốt luốt cả vuông sân lót gạch Tàu từ thời ông cố của tôi để lại.

6. Ngày Bảy lâm trọng bịnh, Bảy bắt con Tím nhắn tôi về cho bằng được. Trong phút lâm chung, Bảy nắm lấy tay tôi, nước mắt lưng tròng mà không nói được thành lời. Bảy cứ lặng lẽ nhìn tôi bằng đôi mắt càng lúc càng thất thần. Cho tới lúc đôi mắt đã dại hẳn đi, đã ráo không còn một giọt nước, Bảy mới kéo tay tôi đặt lên ngực của Bảy. Tôi cảm thấy ngực Bảy có gì cồm cộm. Lúc tắm rửa cho Bảy, con Tím và mẹ nó tìm được trong người Bảy một lá thư đưa cho tôi. Lá thư được gấp làm tư, bọc rất kỹ trong miếng giấy kiếng, đã được hàn kín bằng lửa ngọn đèn dầu. Đó là lá thư của anh ký nhà dây thép gởi cho Bảy, lúc đã bỏ nhà thoát ly vào cứ. Nét chữ ố mờ qua năm tháng, nhưng vẫn còn đọc được.

“Bảy à! Anh có tội với vợ anh và với em. Anh xin tạ tội trước hai em. Chúc cả hai được bằng an. Con anh cũng là con của em. Còn nếu chúng mình may mắn. Em đặt tên con là Mai. Trai là Khắc Mai. Gái là Thùy Mai”.

Khi tôi đeo kiếng chuẩn bị đọc lá thư ấy, hai mẹ con con Tím bỗng ôm chầm lấy nhau mà khóc nấc lên.

Ngoài vàm sông, tiếng còi của một chiếc tàu kéo sà lan bỗng hụ lên dài thườn thượt. Theo tiếng hụ của còi tàu, một cơn gió thảng thốt rùng lên, làm tuôn đổ một trận hoa mai xao xuyến tới chạnh lòng.

Xao xuyến một thời đã qua của dì Bảy tôi.

Xao xuyến miền Tây…