Võ Quốc khoe, anh vừa hầm mấy nồi thịt kho trứng, chân giò măng, thịt kho tàu, khổ qua… cho khách và cho gia đình mình ăn, đồng thời gửi biếu vài bạn bè thân thiết. Những món này sau khi hầm xong, để nguội thì chia thành từng phần riêng...
Võ Quốc khoe, anh vừa hầm mấy nồi thịt kho trứng, chân giò măng, thịt kho tàu, khổ qua… cho khách và cho gia đình mình ăn, đồng thời gửi biếu vài bạn bè thân thiết. Những món này sau khi hầm xong, để nguội thì chia thành từng phần riêng...
"Biến tấu" với gà - Ảnh: Facebook Vo Quoc |
Còn đâu những ngày la cà hàng quán không ngày tháng, hít gió lộng, nhìn loài người đi qua đi lại, hóng chuyện thiên hạ, thậm chí nghe người ta chửi lộn cũng thấy vui? Buồn một cách rất mực thực thà.
Nhưng mà, trong cơn bí bách vì dịch bệnh, lockdown, "người giãn người", bỗng phát hiện có một niềm vui len lén đến bên mình lúc nào chẳng hay. Chuyên gia ẩm thực Võ Quốc nói "mình đang ăn cái Tết lần thứ 2, mọi người ơi".
Ngon và đủ chất
Ủa, ví von vậy, rồi có thấy kỳ không? Nhưng cũng có lý lắm. Cũng như Tết, trong mùa giãn cách, mọi người chủ yếu quây quần trong nhà. Chợ thì đóng. Hai tuần "lockdown" sau chỉ thị 16 cũng xấp xỉ bằng thời gian chúng ta ăn Tết. Xấp xỉ thời gian trữ đồ ăn trong những ngày Tết đến xuân về.
Võ Quốc khoe, anh vừa hầm mấy nồi thịt kho trứng, chân giò hầm măng, thịt kho tàu, khổ qua hầm… cho khách và cho gia đình mình ăn, đồng thời gửi biếu vài bạn bè thân thiết.
Những món này sau khi hầm xong, để nguội thì chia thành từng phần riêng, ăn đến đâu lấy ra đun lại đến đó; một nửa để ngăn mát, có thể bảo quản trong một tuần, phần còn lại thì để ngăn đông, có thể bảo quản thêm mấy ngày nữa.
Sài Gòn những ngày này không nóng lắm, các bà nội trợ có thể mua cải bắp, cải thảo hoặc những loại rau củ có khả năng để được bên ngoài lâu, không cần thiết phải cho vào tủ lạnh. Mua thêm một ít giò chả, đòn bánh tét hoặc bánh chưng, rồi "kiếm hai chậu cúc vạn thọ để trước nhà cho đúng vị, rõ là Tết đang về ha".
Mùa giãn cách, lương thực không khan hiếm, vơi đi rồi lại được lấp đầy ở các kệ hàng siêu thị nhưng rõ ràng, không ít người ngại ra ngoài vì dịch. Vì thế, nhiều nhà chủ trương "có gì ăn nấy". Dù vậy, vẫn có thể đảm bảo được hai yếu tố ngon và đủ chất.
Chuyên gia Võ Quốc gợi ý, nếu đi mua thức ăn, các bà nội trợ không nên mua lan man mà nên tập trung vào những thứ thật cần thiết.
Võ Quốc cũng gợi ý cách để có một bữa cơm đảm bảo sức khỏe trong mùa dịch, đảm bảo nguyên tắc: ít nhất một món thức ăn chứa chất đạm (thịt heo, cá, gà, vịt, bò…), một món rau, tinh bột (cơm, bún khô, miến, phở khô, mì...).
Cả nhà đoàn viên, ấm cúng trong này
Có nhiều cách nấu, biến tấu tùy tay nghề và khả năng sáng tạo của người đầu bếp. Thậm chí, với những người hạn chế tinh bột, làm một đĩa thịt luộc, một ít rau sống, một xấp bánh tráng cũng đã tạo ra một bữa ăn đơn giản mà ra trò.
Hay lỡ nổi hứng thèm một bát phở/bún đêm, với ít thịt, một ít rau, sẵn phở/bún khô, thì cũng chẳng phải quá tuyệt vọng.
Một ví dụ về sự kết hợp của mì - Ảnh: Facebook Vo Quoc |
Mùa này, có những người chưa bao giờ nấu ăn cũng bắt đầu tập tành đứng bếp. Cũng là mùa, không ít người trở lại với thói quen bếp núc một thời nào đó xa lắc, nấu những bữa cơm ngon cho cả gia đình.
Là mùa chồng có thời gian rảnh, phụ vợ nhặt rau. Mẹ dạy con cách thái thịt bò cho đúng cách, "nấu canh mướp thì nhớ gọt vỏ, con heng", "cắm nồi cơm nhiêu nước vầy là đủ rồi"… Là mùa, cả nhà đoàn viên, ấm cúng trong này, còn ngoài kia là dịch bệnh, tiếng còi xe cấp cứu.
Hai tuần "giãn cách" với Võ Quốc là một khoảng thời gian ý nghĩa. Để thanh lọc chính mình. Để "ôn bài" - nấu lại những món ăn mà anh có dịp học được khi du hí nước này nước kia rồi quên bẵng đi. Để tạo ra những món ăn ngon, giàu dinh dưỡng gửi tới gia đình, khách hàng, bạn bè.
Anh sung sướng vì bất chợt có thêm một cái Tết nữa trong năm để "làm mới mình". Để một lần nữa nghiệm ra cái đạo ẩm thực, dù giàu dù nghèo, ai cũng có thể tìm ra một triết lý hòa hợp, thích ứng, tựa nương theo kiểu "có gì dùng nấy".
Võ Quốc nói, đa phần mọi người vẫn cho rằng phải ăn bào ngư, vi cá, yến, hải sâm mới bổ dưỡng. Họ nói đúng, nhưng đó đều là những nguyên liệu đắt tiền, có phải người Việt Nam nào cũng đủ điều kiện để ăn đâu?
Trong khi, có những nguyên liệu rẻ tiền, toàn rau củ quả của nước ta đấy, rồi thịt heo, gà, bò, vịt, kết hợp với gia vị và vài bài thuốc đông y thì món ăn cũng thành một vị thuốc quý, chất bổ cũng ngang ngửa những thứ có vẻ thời thượng và đắt đỏ kia.
Võ Quốc chia sẻ bí quyết, các món được nấu theo phương pháp chưng cách thủy để giữ trọn các chất dinh dưỡng trong đó và kết hợp bài thuốc đông y, nhưng khi ăn sẽ nhận ra vị ngon hơn bình thường.
Là chuyên gia ẩm thực, hiểu "đường đi" của thức ăn và sức khỏe, Võ Quốc tâm sự, anh muốn tất cả mọi người, ai cũng có thể bồi bổ sức khỏe được, không phân biệt giàu - nghèo.
COVID-19 là dịp của tình thân, để người ta chăm sóc sức khỏe của nhau. Sườn non tiềm khổ qua, gà ác tiềm thuốc bắc, hoặc gà tiềm đẳng sâm… Thêm một chén cơm nhỏ. Chẳng đắt đỏ gì mà lại rất "healthy".
Chuyên gia ẩm thực Võ Quốc - Ảnh: Facebook Vo Quoc |
Nghe Võ Quốc nói chuyện, có thể hình dung cái dáng cặm cụi bên các nguyên liệu đang bày ra trước mặt anh. Cách anh lên vị cho từng món ăn. Cách anh kể từng món ăn có thể "nhập gia mùa dịch". Rồi anh hớn hở khoe bạn bè vừa gửi biếu anh vài cặp bánh chưng. Vậy, "Tết thứ hai" về là thực hay là không thực đây?
Hỏi Võ Quốc tên một món ăn mà đa số người Sài Gòn nào cũng biết, ai cũng có thể làm trong mùa giãn cách để cải thiện phong vị bữa ăn, anh không ngại ngần mà nói ra ngay món bún bò xào. Để miếng thịt bò không ra nước nhiều mà vẫn mềm thì Võ Quốc thường ướp thịt với nước tương và một ít bột năng.
Với những người không phải sành quá, để chắc chắn, cứ lựa miếng thịt bò non (miếng thịt màu đỏ hơi nhạt, không sẫm quá, thớ thì mảnh, không phải ngon nhất nhưng đảm bảo mềm). Sau đó, thái mỏng, xào cùng hành tây, thái rau sống, cho bún, múc thịt bò vào tô, làm nước mắm chua ngọt chan lên, đảm bảo "ngon hết sẩy".
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin