Quyết liệt chỉ đạo triển khai các biện pháp phát triển nhà ở xã hội

Cập nhật, 21:20, Thứ Tư, 31/05/2023 (GMT+7)

(VLO) Ngày 31/5, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đã có ý kiến đóng góp tại phiên thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

* Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang: Quyết liệt chỉ đạo triển khai các biện pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Dưới sự điều hành linh hoạt, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, góp phần hiện thực hóa chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, được cử tri, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, báo cáo đánh giá của Chính phủ cũng cho thấy hiện nay có vấn đề kinh tế- xã hội phát sinh, có tác động tiêu cực đến tâm trạng chung của toàn xã hội, khiến cử tri và nhân dân cả nước băn khoăn, quan tâm, lo lắng.

Tôi xin nêu ra một số vấn đề, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo:

Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá trong những tháng đầu năm 2023, bình quân một tháng có 19,2 ngàn DN rút lui khỏi thị trường.

Nhiều DN, không chỉ DN nhỏ và vừa gặp khó, mà cả những DN lớn, đa ngành, đa lĩnh vực cũng đối diện tình trạng thiếu đơn hàng, áp lực trả nợ lớn nên phải ngưng hoạt động, giải thể hoặc chuyển nhượng DN, bán cổ phần…, hệ lụy liền kề là người lao động bị giảm, giãn việc, mất việc diễn ra tại nhiều khu công nghiệp, số người rút BHXH một lần tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Thực trạng đó cho thấy, trong giai đoạn này cả DN và người lao động đang cần những chính sách hỗ trợ vượt trội.

Do đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục rà soát, nghiên cứu đánh giá, dự báo các yếu tố ảnh hưởng, xu hướng vận động cũng như khả năng phát triển của các lĩnh vực đầu tư kinh doanh để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, phí, lệ phí, đất đai, đầu tư, kinh doanh; ưu tiên nguồn lực và tạo động lực tăng trưởng để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của DN.

Song song đó, chỉ đạo đẩy mạnh thanh tra công vụ, nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế, yếu kém trong nền hành chính công vụ để nâng cao hiệu quả phối hợp, khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành trong thực thi công vụ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết ở tất cả các lĩnh vực, để DN có môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; có điều kiện phục hồi, phát triển và tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các dự án luật có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ chính đáng, hợp pháp của người lao động, chú trọng các biện pháp thanh kiểm tra chủ sử dụng lao động về việc chấp hành chính sách pháp luật về lao động, việc làm; tăng cường đối thoại với người lao động để kịp thời gỡ khó, đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa quyền lợi, nghĩa vụ của DN và người lao động.

Đặc biệt, đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo triển khai các biện pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhất là các chính sách thí điểm, ưu đãi, huy động vốn, tín dụng gắn với các chính sách về quỹ đất, định hướng quy hoạch sử dụng đất, vị trí triển khai dự án đảm bảo đồng bộ về hạ tầng, kiến trúc, góp phần hiện thực hóa Đề án Xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

Về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, mặc dù Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt và ban hành nhiều chương trình, mục tiêu phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em… nhưng thời gian qua số vụ việc xâm hại trẻ em, số trẻ em bị xâm hại, số trẻ em bị tai nạn thương tích vẫn còn nhiều.

Trong đó, theo thống kê của ngành chức năng, đuối nước là nguyên nhân tử vong thứ 2 ở trẻ em nhóm 5-14 tuổi; trung bình mỗi ngày có 6-7 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước.

Đồng tình với đánh giá của Ủy ban Văn hóa Giáo dục là trong các báo cáo định kỳ, Chính phủ đã xác định rõ điểm nghẽn này trong công tác bảo vệ trẻ em nhưng chưa nêu lên những nguyên nhân chính của thực trạng nêu trên và chưa có giải pháp căn cơ để kéo giảm vấn nạn này.

Vì cuộc sống an toàn, vì sự phát triển toàn diện của trẻ em, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục xem xét, đánh giá đúng thực trạng triển khai thực thi chính sách, pháp luật cũng như kiểm điểm vai trò trách nhiệm của từng bộ, ngành có liên quan trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng.

Song song đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, theo hướng toàn diện, đa ngành, đa lĩnh vực và huy động được sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện Chương trình phòng chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em, góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực và bảo đảm an toàn, tính mạng trẻ em.

* Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh: Văn hóa học đường phải được xây dựng trong thời gian dài và có nền tảng

Chúng ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới để hướng đến một nền giáo dục, trong đó học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết.

Thế nhưng, hiện nay bạo lực học đường có những biểu hiện đáng lo ngại. Những sự việc đau lòng của ngành giáo dục trong thời gian qua phần nào đã nói lên môi trường văn hóa học đường chưa được quan tâm đúng mức khiến cho các quan hệ rạn nứt và đổ vỡ, làm tổn thương nhiều giá trị vốn có nền tảng vững chắc; trong đó có nguyên nhân từ nhiều phía, từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Tôi không xem những trường hợp này là riêng lẻ của các địa phương mà là vấn đề lớn của giáo dục và của toàn xã hội để chúng ta cùng nhìn nhận và có giải pháp phối hợp và xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. 

Trước khi nói đến trách nhiệm của các cá nhân trong mối quan hệ học đường tôi thấy những sự việc vừa qua có trách nhiệm không nhỏ của xã hội.

Bởi có những hành vi vượt tầm kiểm soát của nhà trường và của ngành giáo dục. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận đây là trách nhiệm người đứng đầu nhà trường trong việc xây dựng các mối quan hệ trong nhà trường trên cơ sở tình thương, sự bao dung, lòng vị tha, sự thẳng thắn, trung thực và trách nhiệm, thông qua tất cả các hoạt động diễn ra trong nhà trường, từ các bài học chính khóa đến các hoạt động ngoại khóa để rèn kỹ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên, nhà trường hiện nay gặp không ít khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ này.

Từ nguyên nhân trên, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Đề nghị Bộ GD-ĐT đẩy mạnh các chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý nhất là hiệu trưởng năng lực tổ chức nhà trường.

Cán bộ quản lý phải có thế giới quan khoa học để hiểu rõ, nắm vững mục tiêu giáo dục; có khả năng cụ thể hóa thành các mục tiêu và những giá trị mà nhà trường hướng đến; có kỹ năng xây dựng và tổ chức văn hóa học đường với các mối quan hệ hài hòa.

Các trường sư phạm tăng cường đưa nội dung bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên vào nội dung bồi dưỡng thường xuyên. Nhất là năng lực giao tiếp sư phạm và năng lực cảm hóa để giúp giáo viên nhận diện được cảm xúc học sinh, điều chỉnh quan hệ giao tiếp, ứng xử của các em hàng ngày,
hàng giờ.

Cần đẩy mạnh việc tổ chức những chương trình ngoại khóa thiết thực nhất là các hoạt động đối thoại với học sinh để lắng nghe những chia sẻ, quan điểm, cách nhìn của học sinh về những vấn đề được dư luận quan tâm.

Đây là một hoạt động bổ ích để xây dựng các mối quan hệ và tạo sự đồng thuận giữa các thành viên trong nhà trường để cùng hướng đến các giá trị văn hóa mà nhà trường xây dựng. 

Cần quan tâm xây dựng tốt mối quan hệ giữa nhà trường- gia đình. Có lẽ trong mối quan hệ này, lâu nay chúng ta đòi hỏi nhiều về trách nhiệm của phụ huynh mà quên rằng phụ huynh cần phải hiểu về mục tiêu của nhà trường, phải có những thông tin minh bạch để tạo được niềm tin.

Chính điều đó đã hình thành những phản ứng ngầm thay vì cùng hướng đến các giá trị chung mà trong đó con em của phụ huynh được thừa hưởng. 

Văn hóa học đường phải được xây dựng trong thời gian dài và có nền tảng. Những quyết định chưa thỏa đáng sẽ kéo theo các chuẩn mực, các giá trị thay đổi, văn hóa học đường sẽ thay đổi.

Vì vậy, theo tôi cách xử lý vấn đề với những sự việc đã qua cần được xem xét từ quan điểm lấy học sinh làm trung tâm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các em.

Song song đó, cần đặc biệt xem trọng đạo đức, cách ứng xử của học sinh với thầy cô giáo; với bạn bè để có những quy định phù hợp, hướng đến xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, chuẩn mực trước tiên là 3 mối quan hệ: học sinh với thầy cô giáo và với bạn bè.

Các cấp quản lý cũng cần quan tâm công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình để kịp thời điều chỉnh các quan hệ trong nhà trường nhằm ngăn ngừa những việc đáng tiếc xảy ra.

Tóm lại, giáo dục tư tưởng đạo đức, lối ứng xử có văn hóa cho thế hệ trẻ là vấn đề cần được quan tâm giải quyết trước mắt và phải có chiến lược lâu dài của ngành giáo dục bên cạnh sự đồng hành của gia đình, xã hội.

B.THANH-N.THANH (ghi)

Các tin khác: