"Dân vận khéo" trong xây dựng hệ thống chính trị

Cập nhật, 21:41, Thứ Năm, 17/12/2020 (GMT+7)

 

Các cuộc tiếp xúc cử tri tạo điều kiện cho người dân trình bày những khó khăn bức xúc và gửi gắm những kiến nghị đến Đảng và Nhà nước.
Các cuộc tiếp xúc cử tri tạo điều kiện cho người dân trình bày những khó khăn bức xúc và gửi gắm những kiến nghị đến Đảng và Nhà nước.

Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong hệ thống chính trị ở tỉnh Vĩnh Long thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thiết thực hoàn thành tốt nhiệm vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Phát huy vai trò của nhân dân

Các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” với việc xây dựng chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong Đảng, kiên trì xóa bỏ tình trạng quan liêu, gây phiền hà trong bộ máy hệ thống chính trị tỉnh nhà; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là những công việc liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân, đặc biệt là các khoản vận động đóng góp của nhân dân đều phải được bàn bạc, quyết định.

Hơn nữa, những vấn đề bức xúc của nhân dân được giải quyết ngay từ cơ sở, phát huy vai trò của nhân dân tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Công tác dân vận và “Dân vận khéo” của các cấp chính quyền đã có những bước chuyển biến tích cực, thể hiện rõ nét nhất là trong các chương trình, kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với MTTQ và các đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, đoàn thể hoạt động.

Điển hình như tập trung phối hợp giải quyết các vụ việc bức xúc phát sinh, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tổ chức đối thoại, chú trọng xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội quan tâm chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ngày càng đi vào chiều sâu, nâng dần chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu của các tầng lớp nhân dân. Nội dung, phương thức tập hợp quần chúng chuyển biến mạnh mẽ theo hướng quan tâm chăm lo những nhu cầu bức xúc, quyền lợi thiết thực chính đáng cho nhân dân. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu ở cơ sở, nổi bật nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với giảm nghèo bền vững và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, quỹ “Vì người nghèo”…

MTTQ và các đoàn thể cũng luôn chú trọng phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các chức sắc, chức việc tôn giáo, gia đình người có công cách mạng… tạo sự đa dạng về thành phần, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động MTTQ và các đoàn thể, phát huy tính tiên phong gương mẫu của những cán bộ, đảng viên, đoàn viên hội viên, từ đó làm cho mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và chính quyền không ngừng được củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kết quả, trong lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, toàn tỉnh có tổng số 46.147 tập thể, cá nhân đăng ký mô hình “Dân vận khéo”, chiếm tỷ lệ trên 21% so với tổng số điển hình, mô hình đăng ký.

Những điển hình tiêu biểu

Mô hình vận động quỹ “Vì người nghèo” và thực hiện công tác an sinh xã hội chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của nguyên Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Long Hồ- Nguyễn Thị Thu. Bà đã chủ động xây dựng kế hoạch phát động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã- thị trấn; phân công từng thành viên Ban vận động phụ trách vận động trực tiếp từng đối tượng.

Nhờ vậy đã huy động cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, lực lượng vũ trang, các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đóng góp; từ đó hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, thực hiện các chương trình an sinh xã hội, đã giúp cho hàng trăm ngàn hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Như ông Bùi Thành Cam- nguyên Bí thư Chi bộ ấp Đục Dông (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn), với vai trò là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp, ông nỗ lực đưa phong trào hoạt động của ấp nhà không ngừng vươn lên, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy, tạo nhịp cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Những năm qua, ông đã huy động nhân dân trong ấp thực hiện 24 công trình giao thông nông thôn, tập hợp sức người sức của tham gia xây dựng nông thôn mới hiệu quả. Ông Bùi Thành Cam còn tranh thủ vận động mạnh thường quân ngoài tỉnh hỗ trợ để thực hiện công tác an sinh xã hội. Qua đó đã giúp cho Chi bộ ấp Đục Dông được công nhận chi bộ tiêu biểu nhiều năm liền.

“Tôi nhận thấy, muốn dân vận khéo đạt được kết quả tốt, mỗi tập thể, cá nhân phải chịu khó nghiên cứu chọn nội dung, chủ đề đăng ký phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và quyết tâm thực hiện”- ông Bùi Thành Cam cho biết.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Hạnh- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy- cho biết, phong trào “Dân vận khéo” đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên hội viên về những quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, nhất là nâng cao trách nhiệm, đổi mới phương thức công tác của các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh.

Rất nhiều điển hình “Dân vận khéo” đã góp phần giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc, khó khăn trong nhân dân và đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Thông qua các phong trào đã vận động phát triển mới trên 143.000 quần chúng vào tổ chức đoàn thể, nâng tổng số toàn tỉnh hiện nay có trên 776.000 đoàn viên, hội viên, chiếm trên 82% so với độ tuổi quản lý.

Bài, ảnh: HẢI YẾN