10 năm thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị

Không để hình thành "điểm nóng" về an ninh trật tự

Cập nhật, 08:46, Thứ Năm, 17/12/2020 (GMT+7)

 

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.

Tỉnh ủy vừa tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Trong giai đoạn này, các loại tội phạm được kiềm chế, không xảy ra tội phạm mua bán người, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự và các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”.

Điều tra, khám phá án đạt trên 79%

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, giai đoạn 2010- 2020, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội xảy ra 5.848 vụ, trong đó tội phạm trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm với 3.426 vụ (58,58%), kế đến là tội phạm cố ý gây thương tích (856 vụ); cướp và cướp giật tài sản (380 vụ), tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (185 vụ), giết người do nguyên nhân xã hội (135 vụ).

Công tác điều tra, khám phá các vụ án đạt tỷ lệ trên 79%, trong đó, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 99%, truy nã tội phạm đạt trên 79%

Các vụ án mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây hoang mang và bức xúc trong dư luận xã hội được điều tra, xử lý kịp thời, như: vụ trộm cắp tài sản hơn 9 tỷ đồng xảy ra tại xã Bình Hòa Phước (Long Hồ), vụ cướp tài sản và hiếp dâm trẻ em xảy ra tại Phường 3 (TP Vĩnh Long); vụ giết người và hiếp dâm trẻ em xảy ra tại huyện Trà Ôn, vụ cướp ngân hàng ở xã Hòa Phú (Long Hồ).

Theo Thượng tá Trần Văn Vụ- Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), tội phạm trộm cắp tài sản thường nhắm đến những gia đình có điều kiện về kinh tế. Trước khi gây án, bọn trộm nghiên cứu kỹ địa bàn, quy luật sinh hoạt của chủ nhà. Đợi lúc thuận lợi, chúng dùng chìa khóa vạn năng, kìm cộng lực, tua vít cắt mái tôn, phá khóa, cạy cửa đột nhập vào nhà trộm tài sản.

Thực tế, hầu hết các vụ trộm đều được phát hiện nhưng tỷ lệ điều tra, truy tìm đối tượng thành công khá thấp. Trong khi đó, tội phạm cướp giật tài sản thường nhắm đến “con mồi” là phụ nữ mang theo nhiều tài sản. Bọn cướp thường có 2 tên cùng đi trên xe gắn máy, khi phát hiện người nào điều khiển xe gắn máy một mình thì áp sát giật túi xách, trang sức, điện thoại di động.

Cũng trong giai đoạn 2010- 2020, cơ quan chức năng đã tập trung đấu tranh triệt xóa hơn 5.000 vụ tệ nạn xã hội, bắt và xử lý hơn 30.000 trường hợp, chủ yếu là đánh bài, đá gà, ghi số đề, mại dâm.

Qua đó, xử phạt hành chính hơn 20.000 trường hợp, lập hồ sơ đưa hơn 1.400 trường hợp vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh bắt buộc. Ngành kiểm sát điều tra 5.194 vụ với 8.037 bị can, qua đó đề nghị truy tố 5.157 vụ với 7.928 bị can. Ngành tòa án đưa ra xét xử 5.044 vụ với 7.881 bị cáo.

Giải quyết tốt các việc phát sinh ngay từ cơ sở

Thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị, các ngành, các cấp xem tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm luôn là một trong những công tác trọng tâm, thường xuyên và gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tế. Trung bình mỗi năm, các ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền trên 70.000 cuộc với trên 1,3 triệu lượt người dự.

Qua tổ chức các hoạt động phòng ngừa và phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đã nâng cao được nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân trong công tác phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.

10 năm qua, người dân cung cấp hơn 12.000 nguồn tin giúp lực lượng công an đấu tranh, triệt xóa hơn 2.300 điểm tệ nạn xã hội, hơn 800 đối tượng trộm cắp tài sản, hơn 900 đối tượng gây rối trật tự công cộng.

Song song đó, Công an tỉnh tổ chức 35 đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tập trung vào các dịp lễ, tết, sự kiện chính trị quan trọng. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh, lực lượng công an tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức rà soát, lập hồ sơ đưa vào diện quản lý hơn 2.300 đối tượng có khả năng, điều kiện hoặc có biểu hiện nghi vấn phạm tội. Lập danh sách các đối tượng vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, người được đặc xá, tha tù về địa phường để tham mưu chính quyền cơ sở phân công các ngành, đoàn thể quản lý, cảm hóa giáo dục.

Về quản lý hành chính về trật tự xã hội, ngành công an tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý hành chính nhà nước như: Luật Cư trú, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Công an làm việc với bị can liên quan đến vụ án đánh bạc.  Ảnh tư liệu
Công an làm việc với bị can liên quan đến vụ án đánh bạc. Ảnh tư liệu

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm yêu cầu cơ quan chức năng phải xem công tác phòng chống tội phạm là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình, xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ. “Lực lượng công an phải tập trung quyết liệt, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, chủ động xử lý tình hình khi các đối tượng mới manh nha, không tạo kẽ hở dẫn đến bị động, bất ngờ”- đồng chí Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH