Suýt mất mạng do tai nạn hy hữu

Cập nhật, 15:59, Thứ Tư, 10/03/2021 (GMT+7)

 

Kết quả xét nghiệm ghi nhận bệnh nhân bị đứt khí quản đoạn 1/3 trên.
Kết quả xét nghiệm ghi nhận bệnh nhân bị đứt khí quản đoạn 1/3 trên.

(VLO) Ngày 10/3/2021, BS.CK2 Phạm Thanh Phong– Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân chấn thương hy hữu- đứt đôi khí quản do tai nạn.

Theo đó, bệnh nhân nam Đ.T.D, (19 tuổi, là sinh viên đại học, ngụ tỉnh Sóc Trăng). Trước đó, trên đường đưa em đi học bằng xe máy, do không thấy dây giăng tại công trường nên bị vướng vào cổ, ngã xuống đường.

Sau khi ngã, bệnh nhân thấy chấn thương không nghiêm trọng như: xây xát vùng cổ, ngực, khạc ít máu tươi nên không đi khám.

Bốn ngày sau tai nạn, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng phù nề vùng cổ, khàn giọng, khó thở nên đến bệnh viện địa phương khám và được chuyển đến bệnh viện với tình trạng khó thở, tím môi, khò khè, nghe tiếng rít thanh quản, dấu hiệu lép bép da từ hàm dưới bên trái đến ngực…  

Bệnh nhân hiện đã tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh hoạt gần như bình thường.
Bệnh nhân hiện đã tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh hoạt gần như bình thường.

Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán: bệnh nhân bị tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi hai bên, tụ khí vùng cổ và thành ngực. Kết quả, nội phế quản cấp cứu ghi nhận bệnh nhân bị đứt khí quản đoạn 1/3 trên và được chỉ định phẫu thuật dẫn lưu màng phổi cấp cứu.

Bệnh nhân được theo dõi tại khu hồi sức sau phẫu thuật và phẫu thuật khâu lại khí quản bị đứt. Tình trạng hiện tại: bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh hoạt gần như bình thường.

Theo BS.CK2 Lâm Chánh Thi (Trưởng Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) chấn thương thanh– khí quản ít gặp trong thực tế lâm sàng, tuy vậy có xu hướng ngày càng tăng. Đây là loại chấn thương có tỷ lệ tử vong cao, đứng hàng thứ hai, chỉ xếp sau chấn thương sọ não do khó thở xảy ra ngay khi chấn thương hoặc thứ phát sau vài giờ, thậm chí sau 24 giờ.

Đặc biệt, tỷ lệ di chứng xơ sẹo cao ảnh hưởng đến thở và phát âm, việc khắc phục những di chứng này gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở những quốc gia có nền y học tiên tiến.

Tin, ảnh: THÚY QUYÊN