Vắc xin COVID-19- "lá chắn thép" bảo vệ sức khỏe nhân dân

Cập nhật, 05:29, Thứ Tư, 10/03/2021 (GMT+7)

(VLO) Sáng 8/3/2021, hàng trăm nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 tại Hà Nội, Hải Dương và TP Hồ Chí Minh được tiêm những mũi vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.

Bộ Y tế nhấn mạnh đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc trong năm 2021 để phòng chống dịch COVID-19.

Vắc xin phòng COVID-19 được tiêm cho y- bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VNVC
Vắc xin phòng COVID-19 được tiêm cho y- bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VNVC

Ưu tiên 13 tỉnh- thành có dịch COVID-19

Tại cuộc họp trực tuyến với hơn 700 điểm cầu trên cả nước để triển khai công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian đầu thực hiện tiêm vắc xin, Việt Nam triển khai thận trọng, bảo đảm giám sát, theo dõi, đánh giá, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để tiêm trên diện rộng hơn, tăng độ bao phủ trong thời gian ngắn nhất có thể.

Với vắc xin COVID-19 của AstraZeneca, Bộ Y tế đưa ra khung thời gian là tiêm mũi 1 và 2 sau 3 tháng để bảo đảm tính miễn dịch và tăng độ bao phủ của vắc xin này.

Do số lượng vắc xin lần này rất hạn chế, Bộ Y tế không thể phân bổ vắc xin cho tất cả 63 tỉnh- thành mà dành cho 13 tỉnh- thành có dịch và ưu tiên cho Hải Dương là điểm nóng về phòng chống dịch, nơi có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất nước.

“Ngày 8/3, chúng ta có mũi tiêm đầu tiên tại Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh”- Bộ trưởng nói.

Những mũi tiêm đầu tiên được dành cho người trực tiếp làm công tác phòng chống dịch, giảm thiểu yếu tố nguy cơ lây nhiễm nhóm người này.

“Bộ Y tế cũng chưa tiêm trong đợt này mà dành những mũi tiêm đầu tiên cho công tác phòng chống dịch để giảm yếu tố nguy cơ lây nhiễm cho tuyến đầu chống dịch.

Tiếp đến là nhóm tham gia phòng chống dịch tại cộng đồng như nhóm truy vết, xét nghiệm, lấy mẫu… Việc tiêm cho người dân sẽ được triển khai ngay khi có thêm các lô vắc xin COVID-19 nhập về. Dự kiến trong năm 2021 có hơn 100 triệu liều được tiêm tại Việt Nam.

Bộ Quốc phòng sẽ tiêm cho lực lượng quốc phòng; Bộ Công an tiêm cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ công an; Bộ Y tế đảm nhiệm tiêm cho toàn dân. Đây sẽ là chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam”- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin COVID-19

Theo Bộ Y tế, vắc xin phòng COVID-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là vắc xin của AstraZeneca- 1 trong 3 vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm
đủ 2 liều.

Đáng chú ý, khác với các nước và khác với các quy trình tiêm chủng trước đây, Việt Nam sẽ thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng, dù mất nhiều thời gian hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết lần tiêm vắc xin này sẽ được lưu thông tin trên nền tảng phần mềm hồ sơ sức khỏe toàn dân. Việt Nam hiện đã hoàn tất hơn 97 triệu hồ sơ.

Bộ Y tế yêu cầu từng cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng phải tải phần mềm do Bộ Y tế thiết kế để phục vụ tiêm chủng tốt nhất.

Người dân cần tải ứng dụng (app) về hồ sơ sức khỏe. Việc này vừa giúp ngành y tế tăng cường chủ động giám sát từ cơ sở y tế vừa nhanh chóng nhận được phản ánh người dân về những bất lợi sau tiêm.

Đặc biệt, các thông tin này được xem là visa vắc xin COVID-19 liên thông quốc tế, thực hiện vai trò “hộ chiếu vắc xin” và quản lý toàn bộ bằng QR code. Để quản lý thông suốt và đồng bộ chiến dịch tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ quản lý dữ liệu từng người tiêm trên hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh tới vai trò của công tác truyền thông khi lần đầu tiên Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có với một loại vắc xin mới.

“Chắc chắn sẽ có tai biến xảy ra nhưng không vì lý do đó mà làm lung lay niềm tin với vắc xin. Trên toàn cầu có những người tham gia phong trào “anti vắc xin” nhưng thực tế lợi ích của vắc xin COVID-19 rất rõ ràng, bảo vệ chính cho bản thân của chúng ta, bảo vệ cho cộng đồng.

Vắc xin lần này dù bảo vệ không đạt 100% nhưng điều quan trọng là 100% người tiêm chủng nếu nhiễm bệnh thì sẽ bị nhẹ hơn và không tử vong, tức là hiệu quả bảo vệ vẫn đạt ở mức độ nhất định.

Hơn nữa do hiệu lực bảo vệ không đạt 100% nên song song tiêm vắc xin vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tuân thủ tốt thông điệp “5K” của ngành y tế”- Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý.

Việt Nam tự hào là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á triển khai tiêm vắc xin COVID-19 sớm nhất, đồng thời là phát triển vắc xin trong nước.

Bộ Y tế khuyến cáo, khi đến lượt mình, hãy đi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để bảo vệ cho cá nhân, người thân và vì một cộng đồng khỏe mạnh. Đặc biệt, công tác truyền thông để người dân có niềm tin với vắc xin.

Nếu sớm tiêm chủng vắc xin COVID-19 rộng rãi kết hợp tuân thủ “5K”, cuộc sống sớm trở lại bình thường. Có như vậy, cuộc chiến chống COVID-19 mới thành công được.

Theo TS. Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cũng giống như các loại vắc xin khác sẽ có những phản ứng phổ biến trên 10% như đau cơ, đau khớp, ngứa, mệt mỏi, ớn lạnh, rét run, sốt, khoảng 10% có biểu hiện sưng đỏ tại chỗ tiêm. Bên cạnh đó có tỷ lệ nhỏ bị sốc trong 30 phút sau tiêm hoặc phản ứng muộn sau tiêm. Tuy nhiên, hiện nay WHO chưa có số liệu về các tai biến khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

THÚY QUYÊN