Chuẩn bị tinh thần khi dịch COVID-19 có thể kéo dài

Cập nhật, 05:58, Thứ Ba, 06/10/2020 (GMT+7)

 

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn mới.
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn mới.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của BCĐ quốc gia phòng chống COVID-19 với 63 tỉnh- thành mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Trưởng BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị tinh thần COVID-19 còn kéo dài sang năm 2021. 3 bài học được đúc kết đó là đeo khẩu trang; phát hiện nhanh, truy vết, cách ly người nhiễm; giãn cách xã hội là giải pháp quan trọng để làm chậm tốc độ lây lan dịch.

Nguy cơ xuất hiện COVID-19 trong cộng đồng là thường trực

Báo cáo tình hình dịch bệnh, GS.TS Nguyễn Thanh Long- quyền Bộ trưởng Bộ Y tế- cho biết, Việt Nam trải qua 2 đợt chống dịch lớn vào tháng 3 và tháng 7/2020, ghi nhận 1.096 người mắc và 35 người tử vong. Đến nay, 30 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng; 1.020 người được điều trị khỏi.

“Trên thế giới, chưa có nước nào tự tin có thể phòng chống dịch COVID-19 tốt nhất. Các trường hợp nhiễm mới đều có xu hướng tăng lên từng ngày.

Dự báo, mùa đông 2020 tương đối khốc liệt trong công tác phòng chống dịch của các nước trên thế giới, do chưa có vắc xin điều trị rộng rãi”- quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát nhưng nguy cơ lây nhiễm là thường trực, lớn nhất là từ người nhập cảnh (hợp pháp hoặc trái phép), người mang mầm bệnh lưu hành trong cộng đồng và khi nối lại các chuyến bay thương mại thì nguồn bệnh từ người nhập cảnh, kể cả hàng hóa nhập khẩu chứa mầm bệnh là khó tránh khỏi.

Trong khi đó, thời tiết mùa Đông- Xuân là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh lây lan. Người dân, chính quyền vẫn còn chủ quan, lơ là trong công tác chống dịch. Vì vậy, ngành y tế yêu cầu người dân cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, trong đó nhấn mạnh tới việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, 2 trọng tâm cần lưu ý là công tác quản lý, cách ly người nhập cảnh, và phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế. Hiện công tác xét nghiệm được tăng cường, đảm bảo chính xác, tiết kiệm, song quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần tiếp tục tăng năng lực cung ứng sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh.

Đồng thời, sớm nghiên cứu và sản xuất sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp nhất với độ chính xác cao để có thể sớm sử dụng tại cửa khẩu và tại cộng đồng.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, rút kinh nghiệm từ bài học của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đà Nẵng, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định sẽ tạm đình chỉ công tác đối với lãnh đạo bệnh viện khi xảy ra lây nhiễm chéo SARS-CoV-2.

Dịch không trừ một ai

Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ngành y tế sẽ xây dựng kế hoạch xét nghiệm phát hiện COVID-19 trong giai đoạn mới đảm bảo chính xác, tiết kiệm; có phương án xét nghiệm, giảm thời gian cách ly tập trung với chuyên gia, nhà đầu tư, đối tác thương mại, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh Việt Nam từ một số khu vực an toàn.

Phòng chống lây nhiễm SARS- CoV- 2 trong các bệnh viện, luôn được ngành y tế quan tâm.
Phòng chống lây nhiễm SARS- CoV- 2 trong các bệnh viện, luôn được ngành y tế quan tâm.

Đồng thời, đề nghị tiếp tục tăng cường năng lực cung ứng sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh; khẩn trương nghiên cứu sản xuất sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp nhất, với độ chính xác cao để sớm sử dụng tại cửa khẩu và cộng đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, công tác phòng chống dịch thời gian qua là cả hệ thống chính trị chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, các bộ ngành, đoàn thể chính trị- xã hội, nhân dân ủng hộ.

Việc thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch và phát triển kinh tế là cần thiết nhưng phòng bệnh là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh- thành phải thường xuyên cập nhập thông tin vào bản đồ an toàn COVID-19 quốc gia để kiểm soát được tình hình và giúp xã hội an toàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, 3 bài học được đúc kết đó là đeo khẩu trang; phát hiện nhanh, truy vết, cách ly người nhiễm; giãn cách xã hội là giải pháp quan trọng để làm chậm tốc độ lây lan dịch. Theo các chuyên gia trên thế giới, bài học kinh nghiệm đúc rút trong công tác phòng chống dịch là đeo khẩu trang thường xuyên. Đây là phương án chống dịch đơn giản, hiệu quả nhất.

Ngoài ra, công tác phát hiện nhanh, truy vết, cách ly có tính chất quyết định mức độ lan của dịch. Việc giãn cách xã hội nhằm giảm tốc độ lây lan dịch bệnh.

Đây cũng là những biện pháp được Việt Nam triển khai sớm, ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện trong nước, để hạn chế ít nhất các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục làm tốt hơn nữa 5 nguyên tắc chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất có thể, bởi dịch không trừ một ai, một địa phương nào.

Theo PGS. TS Trần Như Dương- Viện phó Vệ sinh dịch tễ Trung ương, việc truy vết các trường hợp F1 ngay khi phát hiện ca bệnh là yếu tố then chốt, quyết định, với nguyên tắc truy vết là phải “thần tốc và triệt để”. Khi truy vết được F1, đơn vị có thẩm quyền phải nhanh chóng đưa họ ra khỏi cộng đồng, không được cho tự cách ly tại nhà.

Khi xuất hiện các điểm nóng dịch tễ, ổ dịch phức tạp, khó kiểm soát, các địa phương phải khoanh vùng, cách ly toàn bộ, dập dịch triệt để ở bên trong để ngăn chặn không cho lan rộng trong cộng đồng và không để lây lan sang nơi khác. Trong đợt chống dịch vừa qua tại miền Trung, chỉ trong thời gian ngắn, chính quyền thành lập hàng ngàn tổ phòng chống COVID-19 trong cộng đồng, huy động gần 3 vạn người trực tiếp tham gia.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế tập trung triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, qua đó theo dõi sức khỏe người già, người có bệnh nền, người có nguy cơ mắc COVID-19; đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa; lập hệ thống khám bệnh trực tuyến; tập trung khuyến nghị người dân cách phòng, chống dịch ở công cộng… trong điều kiện tình hình mới.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN