Trẻ bị chấn thương mắt

Cập nhật, 12:18, Thứ Sáu, 24/07/2020 (GMT+7)

Con tôi trong lúc chơi đùa và bị té chấn thương mắt. Xin bác sĩ cho biết, trẻ bị chấn thương mắt thì cha mẹ phải làm gì?

Nguyễn Yến Thủy (Mỹ Hòa- TX Bình Minh)

Trả lời: Chấn thương mắt ở trẻ thường gặp trong cuộc sống hàng ngày và phát sinh tình cờ trong các hoàn cảnh khác nhau như thể thao, sinh hoạt, vui chơi, đánh nhau, té ngã… Chấn thương có thể làm tổn thương da, tổ chức mô quanh mắt, nhãn cầu, xương hốc mắt.

Các chấn thương nhỏ và cạn thường nếu không điều trị thì vết thương sẽ tự lành sau 48 tiếng. Tuy nhiên, một số chấn thương mắt không có biểu hiện rõ ràng ngay từ đầu và việc xử lý chậm trễ có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.

Chấn thương mắt ở trẻ em là chấn thương ở bất kỳ phần nào của mắt và tùy vào loại chấn thương, mắt trẻ sẽ có những triệu chứng như trẻ bồn chồn, khó tập trung, đau nhức mắt hoặc chói khi nhìn ánh sáng; đỏ, mí mắt sưng lên, đau đầu; rách da ở mi, vết bầm giập, chảy máu ở các vết thương quanh mắt; nước mắt chảy giàn giụa, thị lực thay đổi; trẻ hay dùng tay che một bên hoặc hai bên mắt.

Hầu hết chấn thương mắt ở trẻ em thường xảy ra khi cha mẹ bất cẩn, xao nhãng trong việc chăm sóc trẻ, vì vậy cha mẹ phải giáo dục thường xuyên để trẻ có ý thức tự bảo vệ mình, đa số chấn thương ở mắt có thể phòng tránh nếu có biện pháp phù hợp:

Chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ, tránh đồ chơi có đầu nhọn; theo dõi sát khi trẻ chơi các trò chơi, thể thao; hướng dẫn trẻ cách sử dụng an toàn các vật dụng có thể gây nguy hiểm như bút chì, kéo, dây thun, mắc áo…; che chắn tất cả các góc nhọn của bàn, tủ, lắp đặt đèn và tay vịn trên cầu thang; để các loại hóa chất tẩy rửa trong gia đình xa tầm với trẻ nhỏ.

Khi trẻ bị chấn thương mắt, cha mẹ cần bình tĩnh để xử trí ban đầu đúng cách, đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để có được sự chăm sóc và xử trí mắt hiệu quả.

BS Phan Gia Hoàng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)