Gánh nặng bệnh tật từ hút thuốc... thụ động

Cập nhật, 13:31, Thứ Năm, 23/07/2020 (GMT+7)

 

Bệnh nhân nữ điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ.
Bệnh nhân nữ điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc hút thuốc lá là nguyên nhân chính hoặc có liên quan đến các loại ung thư nguy hiểm, trong đó đứng đầu là ung thư phổi. Đặc biệt, những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần so với những người không hút thuốc.

Không hút thuốc cũng bị ung thư phổi

Tại Việt Nam, thống kê của Bệnh viện Ung bướu Trung ương cho thấy hơn 90% những người mắc ung thư phổi là người sử dụng thuốc lá. Ung thư phổi là một trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất (ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư đại trực tràng).

Đặc biệt, việc hút thuốc lá mỗi ngày trong vòng nửa năm cũng sẽ khiến nguy cơ mắc căn bệnh nan y này cao gấp 6 lần so với người bình thường. Người hút thuốc lá cũng có thể chết sớm 20 năm so với người không hút thuốc lá.

Ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Vĩnh Long, trên 90% bệnh nhân đến khám có tiền sử hút thuốc lá. Khoa học chứng minh khói thuốc lá chứa khoảng 60 chất gây ung thư, ngoài ra còn có các hoạt chất gây nghiện, gây độc tế bào, gây đột biến gien.

90% trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ có liên quan đến thuốc lá.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: “Khi thói quen hút thuốc lá của người bệnh khó bỏ thì dẫn đến hiệu quả điều trị cũng hạn chế.

Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi tăng lên gấp 5 đến 10 lần. Còn đối với bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính những người hút thuốc lá có nguy cơ tăng lên 10 lần”.

Không hề hút thuốc những vẫn bị ung thư phổi. Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc hít khói thuốc do người nhà hút trong một thời gian dài.

Đang điều trị ung thư phổi tại Bệnh viên Ung bướu TP Cần Thơ, chị N.X.H (Bình Tân) rơm rớm nước mắt: “Giai đoạn cuối rồi, trước khi phát bịnh tui ho kéo dài, thở khó và mệt, cứ nghĩ cảm ho thông thường. Nhưng thấy ốm nhanh, tui đi khám thì phát hiện bệnh.

Bác sĩ nói cũng do nhiều nguyên nhân, nhưng chắc chắn nguyên nhân chính là do chồng và ba chồng nghiện thuốc lá, họ hút suốt, kể cả trong nhà nên tui hít riết bị bệnh”.

Hiểm họa từ khói thuốc thụ động

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 53,3% người dù không hút thuốc lá nhưng vẫn đang bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình; 36,8% bị phơi nhiễm trong những tòa nhà hay tại nơi làm việc.

Các chuyên gia y tế cho biết, khói thuốc tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy độc hại hơn gấp 26 lần so với khói thuốc do người hút hít vào, vì vậy, hút thuốc lá thụ động cũng có thể gây ung thư.

Dù có quy định cấm hút thuốc tại nơi công cộng nhưng khói thuốc lá vẫn hiện hữu, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người xung quanh, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.

Theo thống kê của WHO, khói thuốc lá có chứa khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất là tác nhân gây ung thư. Cứ hút mỗi điếu thuốc lá là tự mình làm mất đi 5,5 giây của cuộc sống.

Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc lá ngắn hơn so với người không hút từ 5- 8 năm. Khói thuốc lá được cấu tạo từ hỗn hợp khí, bụi và có chứa khoảng 7.000 chất hóa học. Khói thuốc đã bị cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư IARC thuộc WHO xếp vào các chất gây ung thư hạng 1.

Hút thuốc lá gây ảnh hưởng trực tiếp đến các bệnh lý về tim mạch. Những người hút thuốc lá nhiều có nguy cơ đột quỵ não, nhồi máu cơ tim cao hơn từ 3- 6 lần người bình thường. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai khi hít phải nhiều khói thuốc lá có nguy cơ sinh non và thai chết lưu cao.

Mỗi năm, Việt Nam có 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc.

Theo dự tính số tử vong vì thuốc lá vào năm 2030 sẽ có thể lên đến 70.000 người nếu như không có các giải pháp can thiệp mạnh tay từ phía cơ quan chức năng cũng như sự thay đổi trong ý thức, hành vi của mỗi người dân.

Người hút thuốc lá trực tiếp hay gián tiếp đều có những nguy cơ đe dọa đến sức khỏe như nhau. Việc hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân người hút mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến người thân, đến môi trường và toàn thể xã hội.

Theo Bệnh viện Phổi Trung ương, tại Khoa Ung bướu, trung bình 130 trường hợp điều trị nội trú thì khoảng 20- 25% là do hút thuốc thụ động, một con số không hề nhỏ. Phần lớn vào viện khi tình trạng đã muộn.

Bài, ảnh: MAI ANH