Cẩn trọng với bệnh dại!

Cập nhật, 05:22, Thứ Sáu, 24/07/2020 (GMT+7)

 

Đề phòng ngừa bệnh dại, ngoài tiêm vắc xin ngừa dại đầy đủ, chó nuôi phải được xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Đề phòng ngừa bệnh dại, ngoài tiêm vắc xin ngừa dại đầy đủ, chó nuôi phải được xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm và hầu hết người phát bệnh đều tử vong. Vào mùa nắng nóng, bệnh dại có nguy cơ tăng mạnh trở lại.

Một trong những lý do khiến bệnh dại dễ bùng phát chính là thói quen nuôi chó thả rông của nhiều gia đình ở các vùng quê, trong khi không phải ai cũng tuân thủ đúng lịch tiêm phòng cho đàn chó nuôi của mình.

Đừng chủ quan với bệnh dại!

Bệnh dại là do vi rút dại từ động vật có vú mà chủ yếu là chó và mèo xâm nhập vào hệ thần kinh của con người qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể.

Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm lâu đời và đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại và khi đã lên cơn dại thì bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong.

Anh N.V.M (36 tuổi, huyện Sơn Hà- Quảng Ngãi) bị chó cắn nhưng ông không đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh mà ở nhà tự xử lý vết thương.

Sau hơn 1 tháng, anh có triệu chứng của bệnh dại như chảy nước dãi, sốt cao, sợ nước, sợ ánh sáng… Gia đình đã lập tức đưa anh đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà, nhưng anh không thể qua khỏi.

Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tính đến tháng 9/2019, Việt Nam ghi nhận 54 trường hợp tử vong do bệnh dại ở người tại 24 tỉnh- thành.

So với con số 64 người tại 20 tỉnh- thành trong năm 2018, dù số trường hợp tử vong thấp hơn, nhưng bệnh có xu hướng lan rộng thêm tới các tỉnh- thành khác.

Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân bùng phát các ca phơi nhiễm và mắc bệnh dại là tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo tại một số địa phương còn thấp nên không khống chế được bệnh dại.

Cùng với đó, người dân còn chủ quan, lơ là; nhận thức về bệnh dại rất hạn chế dẫn đến khi bị chó, mèo cắn không đi khám, tư vấn y tế để được tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long- cho biết: “Ở nước ta nguồn bệnh dại chủ yếu là ở chó mèo bệnh dại, bệnh thường tăng cao điểm ở tháng mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 8.

Bệnh dại có biểu hiện đặc trưng thường 80% ở thể hung dữ co giật, kích thích, sợ nước sợ gió và điều đặc biệt khi 1 người lên cơn dại 100% tử vong. Hiện nay bệnh dại có thể dự phòng và điều trị dự phòng bằng huyết thanh và vắc xin phòng bệnh dại”.

Vĩnh Long thiếu vắc xin phòng bệnh dại cho người

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, với các trường hợp bị chó, mèo cắn, cào cần rửa ngay vết thương bằng nước và xà phòng đặc dưới vòi nước chảy liên tục trong 15 phút, sau đó rửa vết thương bằng cồn 70% hoặc cồn i-ốt. Đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không tìm đến những phương thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc để tự chữa trị.

Bệnh dại có thể điều trị hết bệnh nếu được tiêm vắc xin đầy đủ và đúng cách. Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý trong thời gian qua là tình trạng thiếu vắc xin ngừa bệnh dại thường diễn ra, chưa đáp ứng được nhu cầu phòng bệnh của người dân.

Trong mùa hè, thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêm vắc xin phòng bệnh dại của người dân khá cao, chỉ tính riêng tại điểm tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có ngày trên 100 người đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Song, do không đủ vắc xin nên nhiều người dân gặp khó, thậm chí có người phải đi tiêm ngừa dại ở các tỉnh lân cận.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (xã Tân Lộc- Tam Bình) cho biết: “Tôi bị mèo cắn đi lên đây 2 lần rồi mà không có thuốc chích ngừa mèo cắn trong lòng cũng lo sợ không biết có sao không?”

Nguyên nhân liên tục thiếu vắc xin phòng bệnh dại được ngành y tế cho biết là do các cơ sở y tế công lập thực hiện mua thuốc, vắc xin phải qua đấu thầu nhưng khi Sở Y tế tổ chức đấu thầu thì không có nhà cung cấp vắc xin dại tham gia nên không mua được.

Năm 2019, tình trạng thiếu vắc xin ngừa dại đã xảy ra cũng vì lý do tương tự. Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Văn Công Minh- Giám đốc Sở Y tế tỉnh, ngành y tế cũng đưa ra giải pháp chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh liên kết với nhà phân phối ở Việt Nam về vắc xin, trong đó có vắc xin phòng dại.

“Đề án liên kết này đã trình cho Sở Tài chính thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi phê duyệt xong thì triển khai thực hiện đề án này sẽ cung cấp đủ vắc xin cho người dân”- bác sĩ Văn Công Minh cho biết.

Trước tình hình thiếu vắc xin phòng bệnh dại của ngành y tế, để phòng, chống bệnh dại, mỗi người cần có trách nhiệm tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của bác sĩ hoặc cán bộ thú y.

Khi bị chó mèo cắn cần đến các điểm tiêm chủng dịch vụ có vắc xin để tiêm phòng, vì bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm là bắt buộc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh dại được ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực, gây nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh dại ở người chỉ có thể được ngăn chặn thông qua các biện pháp như tiêm vắc xin phòng dại cho người ngay sau khi bị chó nghi dại cắn, đồng thời cần quản lý tốt đàn chó và tiêm vắc xin ngừa dại đầy đủ cho chó.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN