Đề phòng bệnh Alzheimer

Cập nhật, 20:54, Thứ Sáu, 24/04/2020 (GMT+7)

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Diên- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long, không ít người có tâm lý chủ quan xem việc quên cái này, quên cái khác, rồi lẫn lộn việc này, việc kia là chuyện bình thường.

Song, những triệu chứng đó có thể báo hiệu của bệnh Alzheimer. Nếu bỏ qua những dấu hiệu này mà phát hiện muộn, khi đó những tổn thương thần kinh không thể khôi phục, dù có điều trị tích cực.

Theo chuyên gia y tế, việc tập thể dục ít nhất 2 tiếng rưỡi mỗi tuần có thể giúp trì hoãn tình trạng suy giảm nhận thức và ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Ảnh chụp tháng 3/2020.
Theo chuyên gia y tế, việc tập thể dục ít nhất 2 tiếng rưỡi mỗi tuần có thể giúp trì hoãn tình trạng suy giảm nhận thức và ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Ảnh chụp tháng 3/2020.

Khi phát hiện, bệnh đã nặng

Anh N.V.H. (xã Thanh Đức- Long Hồ) đưa mẹ- bà L.T.B. (74 tuổi) đi khám ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh do thời gian gần đây mẹ anh có hành động kích động, đêm ít ngủ và bị hoang tưởng.

Anh H. thở dài: “Mẹ bị lẫn sớm, quên nhiều, nói đi nói lại 1 chuyện. Đêm thì khó ngủ, lục đục mở đèn, rồi lầm bầm 1 mình nên tôi đưa mẹ đi khám. Bác sĩ chẩn đoán bà bị chứng thoái hóa não của bệnh Alzheimer”.

Ông T.Q.B. (80 tuổi) nhập viện vì cơ thể suy kiệt. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ông B. rất hay quên, khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và thường không dám ra ngoài một mình vì sợ bị ám hại. Ông không dám ăn cơm do con cái nấu vì nghi ngờ con cái bỏ thuốc độc.

Ông B. ăn ít, không biết cách nhai thức ăn, không cảm giác đói, dẫn đến tình trạng suy kiệt và phải nhập viện cấp cứu.

Sa sút trí tuệ là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi, song không phải người già nào cũng sa sút trí tuệ.

Việc nhận ra những triệu chứng ban đầu của sa sút trí tuệ để có sự can thiệp, kiểm soát, điều trị kịp thời rất quan trọng, như: suy giảm trí nhớ ngắn hạn (quên tên người hàng xóm nhưng vẫn nhận biết được họ là hàng xóm của mình), khó thực hiện các nhiệm vụ quen thuộc, gặp vấn đề với ngôn ngữ hay suy giảm khả năng phán đoán, đặt nhầm vị trí của đồ đạc, gặp khó khăn trong theo dõi công việc hoặc cuộc trò chuyện…

Chị H.T.V.A. buồn bã chăm sóc mẹ mình đang nằm viện: “Các bác sĩ chẩn đoán mẹ tôi bị sa sút trí tuệ. Mẹ bị lẫn hay quên, mất ngủ cũng 2 năm rồi, cứ nghĩ tới tuổi già thì ai cũng quên nên cả nhà ít để ý. Đến khi mẹ đi quên đường về, nói lộn tên con cháu rồi có khi chuyện nhỏ xíu bà cũng la khóc nói con cái bất hiếu bỏ bê mẹ thì tôi mới lo đưa mẹ đi bệnh viện điều trị”.

Phòng bệnh Alzheimer hiệu quả

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Diên, những năm gần đây, khi tuổi thọ trung bình ngày càng cao thì tỷ lệ bệnh Alzheimer (sa sút trí tuệ dẫn tới mất trí nhớ từ từ, không phục hồi) và loạn thần tuổi già cũng sẽ tăng.

Đây là một bệnh thoái hóa não nguyên phát, căn nguyên chưa rõ ràng, biểu hiện bằng trạng thái mất trí tiến triển, không phục hồi. Bệnh thường khởi phát ở lứa tuổi 60.

“Biểu hiện sớm của chứng quên là người bệnh gặp khó khăn trong sử dụng tiền hàng ngày, trong sử dụng phương tiện giao thông, điện thoại; nấu ăn quên tắt bếp, mất khả năng làm theo lời hướng dẫn, quên chìa khóa. Một trong các dấu hiệu chung nhất là quên những điều mới được nhắc tới...”- bác sĩ Phạm Văn Diên nói.

Do đó, nếu phát hiện sớm những triệu chứng trên, được can thiệp điều trị trong giai đoạn này sẽ có kết quả rất tích cực, ngược lại nếu bệnh tiến triển đến giai đoạn Alzheimer với các biểu hiện như: không nhận thức được môi trường, không có khả năng nhận diện khuôn mặt người quen, mất kiểm soát bàng quang và ruột dẫn đến đại, tiểu tiện không tự chủ… thì hiệu quả can thiệp rất hạn chế.

Bệnh Alzheimer do thoái hóa não nguyên phát, căn nguyên chưa rõ ràng và điều nguy hiểm khi mắc bệnh này, người bệnh không bao giờ có thể quay lại với tình trạng sức khỏe trí não như trước đây.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Diên, đây là bệnh có thể phòng ngừa. Theo đó, cần khuyến khích người cao tuổi tập dưỡng sinh nhẹ nhàng, thăm thú bạn bè, đi du lịch, giao cho ông bà công việc vừa sức để họ không có cảm giác mình bị thừa thãi và cần khuyến khích họ đọc sách báo, xem ti vi để làm chậm quá trình lão hóa của não bộ.

Đồng thời, ăn uống khoa học, đủ chất dinh dưỡng; tránh xa rượu bia, thuốc lá; ngủ đủ giấc và cố gắng tạo nhịp sinh học tự nhiên bằng cách đi ngủ và thức dậy vào thời điểm nhất định và đều đặn mỗi ngày; cần kiểm soát căng thẳng, tránh stress.

Đặc biệt, cần kiểm tra máu định kỳ bởi huyết áp cao, hàm lượng cholesterol trong máu cao, tiểu đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh Alzheimer.

Liên quan đến sức khỏe người già, những năm gần đây, bệnh sa sút trí tuệ nói chung và bệnh Alzheimer nói riêng là mối quan tâm hàng đầu của những chuyên gia lão khoa. Trên thế giới, cứ 3 giây lại có thêm 1 người già sa sút trí tuệ, còn Việt Nam thì 5% người trên 60 tuổi bị Alzheimer và xu hướng đang ngày càng gia tăng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN