Cứu sống bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở trong 7 phút

Cập nhật, 06:17, Thứ Sáu, 02/08/2019 (GMT+7)

Đầu tháng 7 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S (BVĐK, Bệnh viện Tim mạch- Đột quỵ) cứu sống kịp thời bệnh nhân Đ.T.Đ (72 tuổi, ở quận Cái Răng- TP Cần Thơ) được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở trong 5 phút và không đo được huyết áp.

Sau 24 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân Đ. mở được mắt, da hồng trở lại, cử động được tay chân, nhận biết được.Ảnh: Do bệnh viện cung cấp
Sau 24 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân Đ. mở được mắt, da hồng trở lại, cử động được tay chân, nhận biết được.Ảnh: Do bệnh viện cung cấp

Con gái bà Đ. kể lại, sau giấc ngủ trưa, chị thấy mẹ có gì đó không ổn, thở phì phò, lay mãi không dậy, sờ thấy chân tay lạnh, toát mồ hôi, tím tái dần.

Người nhà nhanh chóng tìm danh bạ lưu sẵn số tổng đài cấp cứu đột quỵ 1800 1115- BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ và tức tốc đưa tới bệnh viện. Đến nơi, bà Đ. đã ngưng tim, ngưng thở, tay chân tím tái, hôn mê, huyết áp không đo được.

Ngay khi nhập Bệnh viện quốc tế S.I.S, đội ngũ y bác sĩ đã nhanh chóng khởi động quy trình Code Blue- quy trình cấp cứu ngưng tim, ngưng thở. Bệnh nhân được xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt ống thở hỗ trợ hô hấp, tiêm thuốc hồi sinh. Sau khoảng 5 phút, bệnh nhân có nhịp tim trở lại.

Tuy nhiên, mạch vẫn rất yếu, huyết áp không đo được, có nguy cơ tử vong. Bệnh nhân được nhanh chóng siêu âm tim cấp cứu và kết quả cho thấy có tràn dịch màng ngoài tim cấp, tim bị chèn ép, co bóp yếu.

Trước khả năng bệnh nhân tử vong cao, ê kíp bác sĩ cấp cứu đã tiến hành chọc dịch màng ngoài tim để giải áp cho tim và rút ra tổng lượng dịch trong khoang màng ngoài tim gần 700ml. Sau khi rút dịch ra, bệnh nhân có huyết áp trở lại, mạch đập rõ hơn, các dấu hiệu sinh tồn được cải thiện.

Bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch, đo được huyết áp, mạch đập rõ hơn nhưng nguy cơ chết não vẫn còn. Các bác sĩ chuyên khoa Thần kinh Đột quỵ, Hồi sức cấp cứu tiếp tục hội chẩn, chụp CT sọ kiểm tra.

Tất cả đều thực hiện ngay tại phòng cấp cứu để tranh thủ từng giây. Chỉ trong vòng 7 phút kể từ khi vào cánh cửa cấp cứu, bệnh nhân được siêu âm tim và chọc dịch thành công. 24 giờ sau đó, điều kỳ diệu đã xảy ra, bệnh nhân dần mở mắt, da niêm hồng, cử động tay chân, gọi hỏi biết.

“Thông thường, xử trí tràn dịch màng ngoài tim cần được thực hiện tại phòng mổ hay phòng DSA, phải mất đến 20-30 phút.

Tuy nhiên, tình trạng của người bệnh quá nguy cấp, do đó, ê-kíp đã hội chẩn ngay tại phòng cấp cứu, có đầy đủ máy siêu âm tim, máy thở nên có thể thực hiện đồng thời tại một thời điểm mà vẫn đảm bảo yếu tố vô trùng cho người bệnh”- bác sĩ Mạnh Cường cho biết.

TS. bác sĩ Trần Chí Cường- Giám đốc BVĐK S.I.S Cần Thơ- nhận định đây là trường hợp đầu tiên sau mười mấy năm làm ngành y mà ông cảm nhận được sự sống kỳ diệu đến vậy, ngừng tim, ngừng thở mà vẫn có thể hồi phục tốt.

Đây là trường hợp đặc biệt hy hữu được cứu sống vì bệnh nhân có rất nhiều bệnh nền, tổng trạng kém như: tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh động mạch vành đã đặt stent, viêm đa khớp.

Thông thường nếu bệnh nhân ngưng tim quá 5 phút sẽ gây đột quỵ, tổn thương não không hồi phục. Nhiều người được cứu sống nhưng phải trải qua đời sống thực vật kéo dài.

Song, trường hợp này nhờ việc cấp cứu nhanh chóng, hiệu quả với các trang thiết bị máy móc hiện đại trên xe cứu thương và tại phòng cấp cứu (siêu âm, CT, MRI 3 Tesla có thể tiếp cận trong vòng một phút) và sự phối hợp nhuần nhuyễn, hết lòng của các bác sĩ, điều dưỡng có nhiều kinh nghiệm nên bệnh nhân đã trở về từ cõi chết một cách thần kỳ.

Đặc biệt, người nhà góp công lớn khi họ trang bị đầy đủ kiến thức, hotline bệnh viện sẵn sàng trong danh bạ, phản xạ nhanh. Chỉ cần đến trễ chỉ 5 phút nữa thôi, dù bác sĩ giỏi đến mấy, phương tiện tốt bao nhiêu, người bệnh cũng không qua khỏi.

Theo ThS. bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường- người trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân Đ.T.Đ.- thì tràn dịch màng ngoài tim cấp là bệnh hiếm gặp, tần suất chiếm khoảng 0,1% tổng số bệnh nhân nhập viện cấp cứu do dấu hiệu đau ngực. 

Trong trường hợp bệnh lý như tràn dịch màng ngoài tim gây chèn ép tim cấp, các buồng tim không giãn nở được làm cho máu không đi về tim được và tim bóp không hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng tụt huyết áp và có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời… 

Biểu hiện của bệnh thường đau ngực vùng sau xương ức, đau nhiều khi hít thở sâu, giảm đau khi nằm hoặc ngồi cúi về phía trước. Nếu lượng dịch màng ngoài tim nhiều sẽ dẫn đến khó thở, tụt huyết áp, đột quỵ.

Theo các chuyên gia tim mạch, khi bệnh nhân có các dấu hiệu như tê yếu tay chân, nói khó, miệng méo, đau đầu dữ dội kéo dài, đau ngực khó thở, hồi hộp, ngất xỉu… nên đến bệnh viện đột quỵ tim mạch khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

SÔNG TRĂNG