Chung tay hành động phòng chống bệnh lao

Cập nhật, 19:18, Thứ Ba, 26/03/2019 (GMT+7)

Để giảm sự gia tăng của bệnh, tiến đến loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng, cùng với cả nước, Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp phát hiện, quản lý và điều trị hiệu quả bệnh nhân lao.

Bệnh nhân lao đang được điều trị tại Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh.
Bệnh nhân lao đang được điều trị tại Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh.

Mỗi năm thế giới có 10 triệu người mới nhiễm bệnh và 1,6 triệu người chết vì bệnh lao. Mặc dù Việt Nam là quốc gia được thế giới đánh giá hiệu quả trong phòng chống lao nhưng hiện vẫn còn 120.000 người mắc lao mới và 12.000 người chết vì bệnh lao mỗi năm, gấp 1,5 lần số người chết vì tai nạn giao thông.

Đồng thời, ở Việt Nam còn tới 19% người mắc bệnh lao chưa được phát hiện. Trong khi việc phát hiện và điều trị sớm vô cùng quan trọng và có tính quyết định đối với bệnh lao...

Khám phát hiện những người có triệu chứng nghi lao và kịp thời quản lý điều trị bệnh nhân lao đúng phác đồ là nhiệm vụ trọng tâm được chương trình phòng chống lao của tỉnh Vĩnh Long quan tâm thực hiện. Với nhiều trang thiết bị hiện đại và kỹ thuật cao được triển khai tại Bệnh viện lao và bệnh phổi, chỉ trong 2 giờ đồng hồ có thể phát hiện vi khuẩn lao, số lượng và lao kháng thuốc.

Qua  đó, đã kịp thời phát hiện, quản lý điều trị trên 1.760 trường hợp mắc lao mới trong năm 2018, với tỷ lệ điều trị thành công trên 94%

Theo BS,CK2 Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long, bệnh viện tăng cường công tác triển khai các kỹ thuật khám chữa bệnh mới để sớm phát hiện bệnh lao điều trị như kỹ thuật nuôi cấy vi trùng lao, nuôi cấy làm kháng sinh đồ cũng như thường xuyên cập nhật phác đồ mới kịp thời để các bác sĩ áp dụng điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

Mạng lưới phòng chống lao từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và hoạt động ổn định. Lao kháng thuốc, lao trẻ em, lao HIV được quản lý khá tốt. Người bệnh được quản lý điều trị đúng phác đồ, được tư vấn hướng dẫn chế độ dinh dưỡng hợp lý và các biện pháp phòng bệnh cho người thân và cộng đồng.

Ông Lưu Vĩnh Sa- Phó Trưởng trạm y tế Phường 8 (TP Vĩnh Long) cho biết:  “Bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt theo phác đồ của chương trình chống lao. Bệnh nhân lao có lao kháng thuốc điều trị rất dài ngày, còn số bệnh nhân lớn tuổi đôi lúc người ta đi lại rất khó khăn, người làm công tác quản lý lao phải đến nhà bệnh nhân tiêm thuốc hằng ngày”.

Bệnh lao là bệnh chữa khỏi hoàn toàn nếu người bệnh tuân thủ đúng phác đồ và thời gian điều trị. Tuy nhiên, những bệnh nhân lao đã có hiện tượng kháng thuốc cần được theo dõi, điều trị chặt chẽ hơn.

Người bệnh lao kháng thuốc phải tuyệt đối tuân thủ giờ giấc uống thuốc, thời gian điều trị, không uống các loại thuốc nam, thuốc bắc thay thế. Nếu được như vậy, bệnh nhân vẫn có khả năng chữa khỏi hoàn toàn mặc dù chữa bệnh khá tốn kém và thời gian kéo dài từ 9 tháng đến 1 năm.

Và điều đáng quan tâm hiện nay là số bệnh nhân lao chưa được phát hiện trong cộng đồng còn khá cao. Theo ước tính có khoảng 20% người mắc lao chưa được phát hiện và đó là nguồn lây lớn cho cộng đồng.

BS,CK2 Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Bệnh viện sẽ tăng cường công tác khám phát hiện chủ động, trước đây đợi bệnh nhân đến mình khám phát hiện bây giờ chương trình chống lao của tỉnh cũng đi xuống cộng đồng các xã, các huyện khám phát hiện để đi vào quản lý điều trị làm sao số lượng bệnh nhân lao ngoài cộng đồng thu gom số lượng tối đa để quản lý tốt nhất”.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 giảm 20% người mới mắc lao và 35% người tử vong vì lao so với năm 2015. Bên cạnh những giải pháp của ngành y tế, người dân cần nâng cao ý thức và có hành động thiết thực hơn trong công tác phòng chống bệnh lao nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bởi bệnh lao hiện nay đã hoàn toàn được điều trị khỏi khi phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Do đó, người dân nếu biết mình bị bệnh phải đi khám, được điều trị theo lộ trình liên tục để không bị kháng, lờn thuốc...

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay là “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”, mục tiêu cụ thể là vào năm 2030, với dân số 100 triệu người thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao mỗi năm.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG