Nhân 64 năm ngày thầy thuốc việt nam (27/2/1955- 27/2/2019

Chút tâm tình người điều dưỡng

Cập nhật, 05:20, Thứ Ba, 26/02/2019 (GMT+7)

Đóng vai trò như một gạch nối quan trọng giữa y bác sĩ và bệnh nhân, đội ngũ điều dưỡng có thể nói là người góp phần để việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh một cách toàn diện nhất để họ phục hồi sức khỏe, trở về cuộc sống bình thường. 

Theo thời gian, với từng mặt bệnh, tâm tư, nhiệt huyết và kinh nghiệm của người điều dưỡng ngày thêm dày lên. Đó là hành trang quan trọng để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của mình.

Điều dưỡng trưởng Phan Văn Bềnh: Bên cạnh chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng giao tiếp của điều dưỡng sẽ giúp bệnh nhân hợp tác tốt hơn trong quá trình điều trị.
Điều dưỡng trưởng Phan Văn Bềnh: Bên cạnh chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng giao tiếp của điều dưỡng sẽ giúp bệnh nhân hợp tác tốt hơn trong quá trình điều trị.

Nơi chăm sóc, giành lại mạng sống cho người bệnh

Điều dưỡng Phan Văn Bềnh- Điều dưỡng trưởng Khoa Nội tổng hợp thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long đã có 15 năm làm nghề. Nghề này rất vất vả, từ lúc học đến ra làm, đặc biệt là luôn “có những đêm phải thức trắng”.

Đó là khi bệnh mới vào cấp cứu hồi sức, bệnh tại phòng diễn biến xấu, ê kíp điều dưỡng trực để theo dõi, xử trí theo y lệnh bác sĩ. Điều dưỡng Phan Văn Bềnh nhớ lại hồi năm 2017, có một bệnh nhân lao đã ngưng tim ngưng thở. Theo lệnh, ê kíp trực đã đưa lên hồi sức, làm các thủ thuật cần thiết... và cuối cùng cứu sống bệnh nhân.

Áp lực nghề nghiệp còn là ở môi trường làm việc độc hại. Bệnh viện là một “ổ bệnh” và nguy cơ kháng thuốc. Có bệnh nhân vào bị một bệnh, nhiều bệnh... và như vậy bác sĩ, điều dưỡng khi điều trị, chăm sóc bệnh nhân cũng có nguy cơ lây bệnh rất cao. Có anh chị em đối mặt với nguồn lây bệnh, phải đi tuyến trên thăm khám, kiểm tra lại sức khỏe.

Chưa kể, trong hàng trăm, hàng ngàn ca bệnh mỗi năm ở những khoa có nhiều bệnh nặng như Hồi sức tích cực, Nội tim mạch- Lão khoa, Nội tổng hợp... nên áp lực giành giật mạng sống cho bệnh nhân hiển hiện mọi nơi và mỗi ngày, mỗi giờ.

Trong áp lực đó, có đôi khi vẫn xảy ra những tình huống không mong muốn, khiến cho lực lượng điều dưỡng (và cả y- bác sĩ) không khỏi đau lòng. Những khi ấy, người làm nghề y rất cần sự thông cảm, sẻ chia của cộng đồng.

Khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long là khoa bệnh nặng, đông bệnh. Điều dưỡng trưởng Trần Chí Thoảng đã có hơn 10 năm công tác nên tích lũy khá nhiều kinh nghiệm. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn điều dưỡng như nhau, đặc thù ở khoa bệnh nặng còn là việc chăm sóc người bệnh như người nhà của mình.

Vì khoa nhiều bệnh nặng, người già, nên ngoài các việc thay băng, truyền dịch, chích thuốc... điều dưỡng ở đây còn kiêm cả chăm sóc vệ sinh, ăn uống cho người bệnh.

“Phải chăm cho bệnh nhân tiêu chảy lênh láng, hay đút bệnh nhân ăn qua sone tĩnh mạch... Phải có cảm giác như chăm sóc người nhà, như cha mẹ của mình thì mới làm tròn công việc được”- Điều dưỡng trưởng nói về công việc đặc thù của anh chị em điều dưỡng trong khoa.

Có điều dưỡng tâm tình khi điều trị chăm sóc người bệnh, họ khuyên bệnh nhân ăn uống điều độ, đảm bảo dinh dưỡng, nên ngủ đủ giấc để phục hồi sức khỏe và mau hết bệnh.

Tuy nhiên, với bản thân những người làm nghề điều dưỡng, có lúc vào ca trực, họ phải ngủ rất ít vì đông bệnh nhân. Đêm mà có 2 ca bệnh nặng phải theo dõi ở hồi sức là coi như không ngủ. Ăn uống trong ca trực cũng qua quýt. Đó là thiệt thòi trong môi trường làm việc đặc thù trên.

Tâm huyết với nghề

Niềm vui của nghề điều dưỡng là khi ê kíp bác sĩ và điều dưỡng phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ đưa ra phương án xử trí phù hợp nhất và cứu sống bệnh nhân lúc thập tử nhất sinh. Khi cứu sống và đem về sức khỏe cho người bệnh, họ đem cả tấm lòng gửi lại cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng.

Điều dưỡng Phan Văn Bềnh kể lần cứu sống bệnh nhân ấy, sau đó không lâu, bệnh nhân quay lại “tặng các anh chị em mấy trái dừa xiêm kèm lời cảm kích vô cùng”. “Đó là niềm vui lớn nhất của các bác sĩ lẫn điều dưỡng”- điều dưỡng Phan Văn Bềnh khẳng định.

Bệnh viện là môi trường làm việc đặc thù với nhiệm vụ cao cả là bảo vệ sức khỏe con người. Trong ảnh là nữ điều dưỡng ở lại xuyên trưa xử lý hồ sơ bệnh án.
Bệnh viện là môi trường làm việc đặc thù với nhiệm vụ cao cả là bảo vệ sức khỏe con người. Trong ảnh là nữ điều dưỡng ở lại xuyên trưa xử lý hồ sơ bệnh án.

Bên niềm vui là nỗi buồn đan xen trong nghề. Đó là khi tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng rất phức tạp, bệnh nặng mà cố hết sức vẫn không cứu sống họ được. “Rất buồn, ray rứt khi ước nguyện sống của người nào đó, gia đình nào đó với người thân của họ không thành”- một quản lý điều dưỡng chia sẻ.

Ở Điều dưỡng trưởng Trần Chí Thoảng, niềm vui là khi bệnh nhân được can thiệp điều trị tốt và ra trại (chuyển sang khoa khác điều trị phục hồi và xuất viện).

Theo anh, bệnh nhân nhập vào khoa khi ra thường có 2 hướng: hoặc ra vui, hoặc về buồn. Vui là bệnh nhân khỏi bệnh về nhà. Buồn là lúc đã nỗ lực cố gắng mà vẫn không giành lại được mạng sống cho họ, hay với bệnh nhân mới phát hiện bệnh và bệnh nhân trẻ mà không cứu chữa được.

Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng với hầu hết anh chị em điều dưỡng trong câu chuyện với chúng tôi, tất cả đều thể hiện chung một sự nhiệt tình, tâm huyết nghề nghiệp.

“Đặc thù và vất vả nhưng từng ngày, từng ngày chúng tôi luôn phải cải thiện mình, đem đến niềm tin cao hơn cho bệnh nhân”- Điều dưỡng trưởng Phan Chí Thoảng nói như điều răn với chính mình và hàng chục điều dưỡng khoa mà anh đang giữ vai trò quản lý.

Đối với Điều dưỡng trưởng Trần Chí Thoảng, trong môi trường đông bệnh và nhiều bệnh nặng, các điều dưỡng luôn phải theo dõi chặt chẽ bệnh nhân.
Đối với Điều dưỡng trưởng Trần Chí Thoảng, trong môi trường đông bệnh và nhiều bệnh nặng, các điều dưỡng luôn phải theo dõi chặt chẽ bệnh nhân.

Với Điều dưỡng trưởng Phan Văn Bềnh, điều cốt lõi anh rút ra là kỹ năng truyền đạt giao tiếp bệnh nhân và thân nhân họ. Phải khéo léo, tiếp nhận hướng dẫn, giải thích cho họ hiểu để hợp tác tốt với bác sĩ, điều dưỡng trong quá trình điều trị, chăm sóc hiệu quả.

Quá trình làm việc, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm là xuyên suốt và không ngừng nghỉ. “Bên cạnh chuyên môn kỹ thuật, thì kỹ năng giao tiếp là hành trang xuyên suốt trong quá trình công tác của người làm nghề, cả bác sĩ lẫn đội ngũ điều dưỡng”- anh đúc kết.

Điều dưỡng trưởng Phan Văn Bềnh chia sẻ, tất cả điều dưỡng đều được tập huấn cập nhật kiến thức hàng năm. Kỹ thuật, kỹ năng chăm sóc bệnh nhân phải nhuần nhuyễn, làm sao chăm sóc bệnh nhân tốt nhất và giảm sự đau đớn tối đa cho họ.

Bài, ảnh: MINH THÁI-NGỌC TRẢNG