Bệnh sốt xuất huyết gia tăng

Cập nhật, 11:39, Thứ Hai, 25/02/2019 (GMT+7)

Thời điểm sau Tết Nguyên đán là chu kỳ đi xuống của bệnh sốt xuất huyết (SXH), nhưng hiện tại, số ca mắc bệnh tại một số bệnh viện vẫn luôn ở mức cao. Đáng nói, trong số ca mắc bệnh thì có nhiều người lớn phải nhập viện, thậm chí đã có một trường hợp tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra nhiều người từ trẻ em đến người già.
Bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra nhiều người từ trẻ em đến người già.

Nhiều người lớn mắc bệnh SXH

Tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM, nhiều người lớn nhập viện vì mắc SXH. Theo đó, BV có 2 khoa tiếp nhận bệnh nhân SXH người lớn là Khoa Nhiễm C và Nhiễm D, trong đó, riêng khoa Nhiễm D mỗi ngày tiếp nhận trung bình 50 bệnh nhân khiến khoa luôn trong tình trạng quá tải. Trong suốt dịp Tết Nguyên đán, số ca mắc không giảm khiến các bác sĩ, y tá, điều dưỡng luôn phải tất bật làm việc. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2019 đến nay, tại BV Bệnh Nhiệt đới đã có một trường hợp tử vong do SXH. Một số ca chuyển nặng phải lọc máu…

Bệnh nhân Nguyễn Hoàng Huy (24 tuổi, quê Bạc Liêu, thường trú Quận 12, TPHCM) đang điều trị ngày thứ 4 tại Khoa Nhiễm D, BV Bệnh Nhiệt đới, cho biết trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vừa qua, anh về quê đón Tết cùng gia đình. Tuy nhiên, đến ngày 6.2 vừa qua anh bắt đầu có triệu chứng sốt, mệt mỏi. Huy lại nghĩ mình chỉ bị cảm thông thường nên anh có đến hiệu thuốc tây gần nhà mua thuốc về tự điều điều trị. Hai ngày sau đó, dù triệu chứng sốt đã thuyên giảm nhưng cơ thể lại xuất hiện những đợt nóng, ớn lạnh bất thường. Anh Huy đến thăm khám tại một bệnh viện địa phương. Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân Huy bị SXH ở ngày thứ 5, được chỉ định nhập viện điều trị. Ngay sau đó, anh Huy xin chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới TPHCM để điều trị. Đến nay các triệu chứng SXH đã thuyên giảm.

Tương tự, một bệnh nhân khác là Nguyễn Ngọc Tâm (57 tuổi, Quê Đắk Nông) cho biết, từ ngày 9.2 vừa qua, anh bắt đầu có biểu hiện sốt, tay chân rã rời. Lúc đâu anh Tâm cũng nghĩ bị cảm do thời tiết thay đổi thất thường nên chỉ ở nhà tự điều trị. Tuy nhiên, khi có các biểu hiện sốt trở nặng thì anh Tâm mới đến BV khám và được xác định SXH phải nhập viện điều trị.

Liên quan đến các ca bệnh SXH, số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TPHCM cho biết, tính từ 1.1.2019 đến ngày 10.2.2019, toàn thành phố có 6.067 trường hợp mắc SXH, 978 ca sởi và 386 ca tay chân miệng. Ngoài ra, SXH đang trong giai đoạn cuối của mùa dịch 2018 - 2019, số ca mắc đang có xu hướng giảm hàng tuần, tuy nhiên vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2018.

SXH dễ bị nhầm lẫn với các bệnh sốt siêu vi, tay chân miệng…

Bác sĩ (BS) Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D - BV Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, thông thường thời điểm sau Tết Nguyên đán là chu kỳ đi xuống của bệnh SXH, nhưng hiện tại, số ca mắc tại khoa vẫn luôn ở mức cao. Có nhiều trường hợp bệnh nhân SXH nhưng không được phát hiện sớm, khi vào viện đã có dấu hiệu chuyển nặng. Người dân cần nhận biết được dấu hiệu của SXH như: sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, đau khớp và cơ…

Điều nguy hiểm của bệnh SXH là bệnh chỉ trở nặng sau khi bệnh nhân đã hết sốt, thường là ngày thứ 3 sau khi phát bệnh, lúc đó mới xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận… Vì vậy, điều quan trọng là phải chẩn đoán sớm, đúng bệnh để có biện pháp theo dõi và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, hiện nay đã có test kháng nguyên để phát hiện SXH ngay từ những ngày đầu mắc bệnh.

Trước đó, trao đổi với báo Lao Động, ThS-BS Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng khoa SXH BV Nhi Đồng 1 TPHCM) cho biết, SXH có thể xảy ra nhiều người từ trẻ em đến người già, triệu chứng ban đầu của bệnh SXH dễ bị nhầm lẫn với các bệnh sốt siêu vi, viêm họng, tay chân miệng. Mới đầu bệnh SXH khó xác định, nhưng từ ngày 3 đến ngày 6 thì dễ chẩn đoán vì đã có dấu hiệu SXH. SXH không diễn tiến từ sốt nhẹ rồi mới chuyển lên sốt cao, mà ngay khi sốt đã rất cao (39 độ), khi bị SXH sẽ cảm thấy mệt mỏi khắp người, lừ đừ, biếng ăn... Ngoài ra, ThS-BS Nguyễn Minh Tuấn cũng khuyến cáo các phụ huynh cần theo dõi trẻ, khi có các dấu hiệu trở nặng: Chảy máu chân răng, đi tiêu ra máu, người lừ đừ thì lập tức đưa trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời…

Về phòng chống SXH, BS Vũ Đức Diễn - Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh TTYTDP quận 12 TPHCM - cho biết, hiện các địa phương có bệnh nhân SXH cũng đang tiến hành phun xịt diệt muỗi và khống chế ổ bệnh. Diệt lăng quăng và không để nước chứa lăng quăng là giải pháp phòng bệnh người dân lưu ý để không mắc SXH. 

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:

Bộ Y tế khuyến cáo: diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt - loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi; Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Theo  Kim Đồng/LĐO