Nửa đêm cấp cứu nhiều ca thủng tim, vỡ thận

Cập nhật, 13:48, Thứ Sáu, 01/06/2018 (GMT+7)

Một số ca bệnh nặng, phức tạp được tiếp nhận, theo dõi và có khi huy động các bác sĩ lúc nửa đêm hoặc ngoài ca trực để kịp thời can thiệp, cứu sống bệnh nhân.

Bác sĩ chuyên khoa ngoại Trần Văn Nhiều luôn có mặt trong mọi tình huống, thời điểm để can thiệp các vết thương hiểm cứu bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa ngoại Trần Văn Nhiều luôn có mặt trong mọi tình huống, thời điểm để can thiệp các vết thương hiểm cứu bệnh nhân.

Khá nhiều trường hợp thương tích, tai nạn trong lúc làm việc đưa vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long được can thiệp, điều trị từ đầu năm đến nay.

Bệnh nhân Nguyễn Văn L. (38 tuổi, xã Chánh An- Mang Thít) trong lúc làm việc trên chiếc xà lan đã trượt chân té ngã, chấn thương. Ông L. được người dân tức tốc đưa vào Trung tâm Y tế huyện Mang Thít. Nhận định ban đầu đây là tình trạng phức tạp, bệnh nhân sau sơ cứu giảm đau và truyền dịch đã được chuyển lên BVĐK tỉnh Vĩnh Long.

Theo bệnh án tại BVĐK tỉnh, bệnh nhân L. đưa vào lúc 15g ngày 28/5/2018, trong tình trạng: đau vùng hông trái, mạch nhẹ, da niêm hồng nhạt (biểu hiện mất máu). Tiến hành các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mất máu, HCT thấp so bình thường, có dịch ổ bụng. Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long, trong ca trực hôm đó đã chỉ đạo theo dõi kỹ vùng ổ bụng bệnh nhân.

Đến khoảng 1 giờ hôm sau, bệnh nhân được cho phẫu thuật. Lãnh đạo bệnh viện đã điều động bác sĩ Trần Văn Nhiều- Trưởng Khoa Ngoại tổng quát- tức tốc đến bệnh viện trong đêm cùng ê kíp tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Điều dưỡng Lê Thị Lâm Nghiệp chăm sóc hậu phẫu bệnh nhân L.
Điều dưỡng Lê Thị Lâm Nghiệp chăm sóc hậu phẫu bệnh nhân L.

Kết quả sau mổ chẩn đoán bệnh nhân L.: “Xuất huyết nội do vỡ đôi thận trái”. Trong thời gian cấp cứu và phẫu thuật, bệnh nhân đã được truyền 8 đơn vị máu. Bác sĩ Bạch Yến cho biết: “Bác sĩ đã phải can thiệp cắt bỏ quả thận trái vì không thể bảo tồn được, để cứu bệnh nhân”.

Bác sĩ Dũng chuyên về gây mê hồi sức cho biết đến ngày 30/5, bệnh nhân L. đã tỉnh, ngưng thở máy, tiếp xúc được, mạch và huyết áp bình thường. Hiện bệnh nhân được điều trị tích cực để hồi phục.

Trước đó, hôm mùng 3 Tết Mậu Tuất, BVĐK tỉnh tiếp nhận trường hợp bị đâm thủng tim rất phức tạp. Bệnh nhân là Nguyễn Hoàng M. (34 tuổi, xã Trường An- TP Vĩnh Long).

Bác sĩ khu cấp cứu cho biết bệnh nhân M. được đưa vào bệnh viện lúc hơn 21 giờ ngày 18/2/2018, với vết thương sâu trên ngực do bị đâm bằng kéo và ở tay trái. Khi đó bệnh nhân mất nhiều máu, hôn mê sâu, da tím tái, cổ ngực nặng cấp tính, huyết áp không đo được...

Sau hội chẩn, ê kíp y bác sĩ trong đó trực tiếp vẫn là bác sĩ Trần Văn Nhiều đã tiến hành mở ngực, khâu tim nhĩ phải (bị thủng 2 lỗ kích thước mỗi lỗ 1cm) và cầm máu. Ca phẫu thuật xong sau tầm 2 giờ, bệnh nhân tiếp tục hồi sức.

Sau 3 ngày từ khi vào bệnh viện, bệnh nhân M. đã tỉnh táo, tự thở, tiếp xúc tốt, vết mổ đã khô, các dẫn lưu vùng tim và màng phổi ổn, huyết áp bình thường và dần hồi phục.

Bệnh nhân M. sau đó đã hồi phục sức khỏe. Trường hợp bệnh nhân L. nói ở trên thì điều trị tích cực và sẽ sớm xuất viện.

Có thể vì cớ sự nào đó hay vô tình mà người dân có thể bị tai nạn thương tích nghiêm trọng. Khi đó bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện nhanh chóng. Theo bác sĩ Bạch Yến, bệnh viện sau tiếp nhận sẽ theo dõi và có phương án xử trí chính xác, kịp thời để cứu bệnh nhân.

Bác sĩ cho rằng, giữa mổ và không mổ rất quan trọng. Có trường hợp chẩn đoán bệnh cần mổ mà mình mổ trễ sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh nhân; có trường hợp chưa cần phẫu thuật mà phẫu thuật có khi sẽ ảnh hưởng khả năng điều trị.

Cần nói về sự phối hợp kịp thời của thân nhân người bệnh với y- bác sĩ. Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến kể trước đây có bệnh nhân buộc phải phẫu thuật gấp để điều trị tốt nhưng anh ruột của người này nói không quyết định được mà phải chờ ý kiến em dâu đang nuôi con nhỏ. Theo bác sĩ, điều đó sẽ ảnh hưởng tiến trình điều trị.

Bài, ảnh: MINH THÁI