Bệnh đái tháo đường và những lưu ý

Cập nhật, 13:43, Thứ Sáu, 12/01/2018 (GMT+7)

 

Trong tuyên truyền các kiến thức phòng chống ĐTĐ, cần ưu tiên cho nữ giới, cao tuổi, để giúp họ tuân thủ điều trị tốt, hạn chế biến chứng.
Trong tuyên truyền các kiến thức phòng chống ĐTĐ, cần ưu tiên cho nữ giới, cao tuổi, để giúp họ tuân thủ điều trị tốt, hạn chế biến chứng.

Hiện nay, tại Khoa Nội tổng hợp- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, tỷ lệ người bệnh nhập viện được chẩn đoán đái tháo đường (ĐTĐ) ngày càng tăng.

Theo bác sĩ, thực trạng này đã đặt ra nhiều lưu ý trong việc phối hợp tốt ở phía điều trị lẫn bệnh nhân để kiểm soát tình trạng bệnh tật, hạn chế biến chứng.

Đó là cần chú trọng việc tuân thủ điều trị ở người bệnh ĐTĐ. Làm được điều này, cần xác định kiến thức đúng và thực hành tuân thủ điều trị bệnh. Phía người bệnh, để đạt mục tiêu ngăn ngừa biến chứng, bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 phải được duy trì nồng độ glucose máu ở mức ổn định, bao gồm đường huyết đói và đường huyết sau ăn.

Thường người bệnh chỉ quan tâm đến vế trước, trong khi đường huyết sau ăn lại ít được quan tâm.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Dao Chi, khảo sát 120 bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 điều trị nội trú, bệnh nhân có đường huyết sau ăn tăng chiếm 75,8%. Kiểm soát đường huyết đói, đường huyết sau ăn, chỉ số HbA1C ở mức kém chiếm cao lần lượt là 64,1%, 75,8%, 67,5% và có mối liên quan nhau. Trong khảo sát, bệnh nhân chiếm chủ yếu là nữ, độ tuổi từ 60 trở đi.

Theo nghiên cứu này, sự tăng nhanh đường huyết sau ăn của bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 dẫn đến một loạt đáp ứng: tăng lưu lượng đến võng mạc, tăng lưu lượng đến thận giảm dần truyền thần kinh... sẽ dẫn đến hậu quả tương ứng mờ mắt, suy thận...

Đáng lưu ý, bệnh nhân có biến chứng tim mạch có tăng đường huyết sau ăn là 76,6%. Nhiễm trùng bàn chân ở bệnh nhân tăng đường huyết sau ăn vẫn có, nhưng số rất ít. Trên thực tế, có trường hợp đường huyết khi đói ổn định nhưng biến chứng mãn tính vẫn có thể xảy ra.

Hiện tại Khoa Nội tổng hợp, tỷ lệ người nhập viện được chẩn đoán ĐTĐ ngày càng gia tăng. Một phần do lối sống với dinh dưỡng chưa hợp lý và nhận thức cộng đồng về phòng chống bệnh tật còn hạn chế.

Qua một khảo sát độc lập với 221 người bệnh tại khoa, kết quả tỷ lệ người bệnh có kiến thức đúng về tuân thủ điều trị ĐTĐ đạt gần 74%, hơn 26% có kiến thức chưa đúng.

Đánh giá chung, hầu hết bệnh nhân thực hành tuân thủ điều trị ĐTĐ đạt khá cao, trong đó tuân thủ các chỉ số liên quan đạt khá tốt: dinh dưỡng đạt 78,7%, hoạt động thể lực đạt 62,9%, dùng thuốc 71%, kiểm soát đường huyết và khám định kỳ 26,6%.

Theo cử nhân điều dưỡng Đỗ Thanh Hiền, việc người bệnh không có kiến thức đúng về tuân thủ điều trị ĐTĐ có thể gây hậu quả nguy hiểm. Theo kết quả khảo sát, không tuân thủ điều trị ĐTĐ đưa đến các biến chứng về mắt 82,8%, tim mạch 77,4%, thận 66,1%.

Trên cơ sở các yếu tố đó, các bác sĩ khuyến cáo cần quan tâm đến truyền thông phòng bệnh, qua đó phát hiện sớm những biến chứng và hướng dẫn tuân thủ các chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực, dùng thuốc, theo dõi đường huyết tại nhà và khám định kỳ cho người bệnh ĐTĐ.

Cụ thể trong truyền thông tới người bệnh, cần ưu tiên các nữ bệnh nhân từ 60 trở lên, có thời gian mắc ĐTĐ dưới 5 năm, có trình độ học vấn dưới THPT hoặc sống một mình... để giúp họ có kiến thức, tuân thủ điều trị nhằm đạt hiệu quả điều trị cao, tránh biến chứng của bệnh. Và cũng cần giám sát hỗ trợ liên tục từ nhân viên y tế kết hợp với người nhà bệnh nhân.

  • Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN