Sốt xuất huyết diễn biến bất thường: Vaccine phòng bệnh vẫn chưa thể lưu hành

Cập nhật, 18:22, Thứ Bảy, 22/07/2017 (GMT+7)

Theo nhận định của Bộ Y tế, sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam và có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới trong khi vaccine phòng bệnh phải mất một thời gian nữa mới có thể lưu hành.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm một bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TPHCM).Ảnh: KHƯƠNG QUỲNH
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm một bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TPHCM).Ảnh: KHƯƠNG QUỲNH

Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến

Ngày 20.7, theo TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 57.492 ca sốt xuất huyết (SXH), 15 trường hợp tử vong với số trường hợp nhập viện tăng 9,7%. Riêng các tỉnh phía Nam có số ca mắc phải nhập viện là 26.806 ca, chiếm hơn 50% số ca cả nước.

Theo PGS-TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, trong số các tỉnh miền Nam, các tỉnh thành ở khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương có số ca mắc cao nhất. Nguyên nhân là do người dân ở khu vực này có nhu cầu giao lưu đi lại và mật độ đô thị hóa cao.

Bên cạnh đó, đáng lo ngại là trước đây, SXH thường “tấn công” trẻ nhỏ thì trong những năm gần đây, tỉ lệ mắc bệnh ở người lớn ngày càng cao, làm gia tăng khả năng lây lan bởi người lớn có nhu cầu giao lưu, đi lại nhiều hơn, mang mầm bệnh đến nơi khác lưu hành.

Nhận định về tình hình bệnh dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thông thường đỉnh dịch SXH rơi vào tháng 7 - 9, nhưng năm nay, dịch xuất hiện sớm hơn, ngay từ tháng 5, các ca mắc đã tăng cao và dự báo dịch còn tăng, diễn biến phức tạp. Tốc độ gia tăng năm nay cũng rất nhanh.

Đến thời điểm hiện tại, số ca mắc tại TPHCM đã tăng 9% so với cùng thời điểm năm trước. Đặc biệt, năm nay tại TPHCM và khu vực miền Nam, số ca mắc SXH chủng D2 tăng cao hơn hẳn so với năm trước nên xuất hiện nhiều ca nặng. Các bệnh viện và phòng chống dịch cần lưu ý vấn đề này.

Vaccine sốt xuất huyết đi đến đâu?

Trong khi bệnh SXH có xu hướng gia tăng và phức tạp, ngành y tế và người dân vẫn trông mong vào một biện pháp phòng ngừa chủ động.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về vaccine SXH, Th.S-BS Lương Chấn Quang - Phó trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TPHCM - cho biết, hiện nay, việc nghiên cứu vaccine SXH cho mục tiêu chính đã hoàn thành. Sau khi thử nghiệm tiêm 3 mũi trong vòng 1 năm cho nhóm tham gia nghiên cứu, tỉ lệ phòng bệnh đạt 56,5%.

Tuy nhiên, sau giai đoạn thử nghiệm tiêm vacccine, đơn vị nghiên cứu cần tiếp tục theo dõi 5 năm theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đơn vị nghiên cứu đang ở trong giai đoạn theo dõi này. Theo tiến trình thì đến tháng 11.2017 sẽ kết thúc theo dõi. Sau khi kết thúc, đơn vị nghiên cứu vaccine phải mất thêm 1 năm nữa để phân tích dữ liệu.

Cũng theo Th.S Lương Chấn Quang, hiện nay, vaccine SXH đã được lưu hành ở khoảng 15 quốc gia trên thế giới, trong đó có 2 quốc gia đã đưa vào chương trình tiêm chủng đại trà. Tại Việt Nam, việc lưu hành vaccine không chỉ phụ thuộc vào kết quả thử nghiệm mà còn phụ thuộc vào nhà sản xuất, việc đăng ký lưu hành tại Cục Quản lý dược và nhập khẩu về Việt Nam.

Nói về hiệu quả của vaccine SXH đang nghiên cứu, Th.S Lương Chấn Quang cho biết, hiệu quả phòng ngừa chung là 56,5%. Tuy nhiên, theo công bố mới nhất của đơn vị nghiên cứu là Cty Sanofi Pasteur thì vaccine SXH có hiệu quả phòng ngừa lên đến gần 70% ở lứa tuổi trên 9 và khả năng phòng ngừa số ca SXH thể nặng lên đến gần 90%.

“Nghiên cứu nào cũng có cái giá của nó. Với nghiên cứu vaccine SXH, ít nhất, chúng ta có thể khẳng định bệnh SXH có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Đặc biệt là phòng SXH thể nặng vốn là gánh nặng lớn đối với ngành y tế”.

Theo TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai:

“Nếu sốt xuất huyết (SXH)ở những ngày đầu và chưa có những dấu hiệu cảnh báo thì chỉ cần theo dõi, uống thuốc hạ sốt, bù nước đường uống hoặc truyền các dung dịch đẳng trương như Ringer lactate hoặc Natri clorua 0,9% nếu có chỉ định…

Chỉ khi có những dấu hiệu cảnh báo như hạ tiểu cầu, xuất huyết, tổn thương chức năng thận, chức năng gan, mệt mỏi, nôn, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt… thì mới cần nhập viện để điều trị và theo dõi sát sao.

Tuy chưa cần nhập viện nhưng khi bị SXH, người bệnh cũng cần được làm các xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu hàng ngày để bác sĩ có thể đánh giá mức độ bệnh và có hướng điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, tránh tình trạng người bệnh phải vào viện quá muộn, gây những biến chứng đáng tiếc.

Về biến chứng của SXH, BS Trà nhấn mạnh: “Đối với bệnh nhân đang mang thai bị SXH, cần được theo dõi chặt chẽ hơn nhiều bởi nhiều biến chứng có thể xảy ra như ra huyết, đẻ non, xảy thai. Hiện khoa chúng tôi đang có 2 thai phụ bị SXH. Đối với những trường hợp này, cần kiểm tra công thức máu, tiểu cầu hàng ngày cũng như kết hợp với Khoa Sản của BV để theo dõi diễn biến tình trạng thai nhi, đôi khi cần dùng thuốc giảm co bóp, giữ thai cho bệnh nhân, kết hợp điều trị SXH và phòng ngừa nguy cơ xảy thai, đẻ non”.  

Theo Lao Động