Ngẫu nhiên... nhiều người bị rắn độc cắn

Cập nhật, 07:07, Thứ Sáu, 21/07/2017 (GMT+7)

 

Bác sĩ điều trị tại Khoa Nhi thăm khám cho bé H.
Bác sĩ điều trị tại Khoa Nhi thăm khám cho bé H.

Chỉ trong 3 ngày, ghi nhận 5 trường hợp bị rắn cắn (hầu hết là rắn lục đuôi đỏ) và chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long.

3 ngày, 5 ca rắn độc cắn phải vào viện

Ông Lê Văn C. (46 tuổi, ấp Lung Đồng, xã Phú Lộc- Tam Bình) được người nhà chuyển cấp cứu BVĐK tỉnh lúc 18 giờ 20 ngày 17/7 do bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Sau đó, ông được chuyển đến Khoa Nội tổng hợp theo dõi.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long- cho biết, theo nguyện vọng người nhà, ca này xin về (khả năng chuyển đi Trung tâm Nuôi trồng- Nghiên cứu- Chế biến dược liệu Quân khu 9, còn gọi là Trại rắn Đồng Tâm).

Sau đó một ngày, khoảng 10 giờ 15 ngày 18/7, bệnh nhân Trần Thanh T. (36 tuổi, ấp Phú Thạnh, xã Long Phú- Tam Bình) được đưa vào Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và Chống độc thuộc BVĐK tỉnh do bị rắn độc cắn. Do diễn biến bệnh phức tạp, bệnh nhân sau đó được chuyển lên tuyến trên- BVĐK Trung ương Cần Thơ- tiếp tục điều trị.

Trước đó, cũng sáng 18/7, BVĐK tỉnh tiếp nhận cấp cứu bé Ngô Huy H. (4 tuổi, ấp Chợ, xã Mỹ An- Mang Thít), được chẩn đoán do “tiếp xúc với rắn độc và thằn lằn độc” (thuật ngữ theo quy định Bộ Y tế). Trong trường hợp này, bé H. “giỡn” với con rắn lục đuôi đỏ khi nhìn thấy, nên bị cắn vào tay.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Khanh- bà nội cháu H., lúc cháu mình bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người nhà không ai hay. Chỉ khi thấy cháu có vết thương nhỏ trên ngón tay và chỉ trỏ tại vị trí bị con rắn cắn trước sân nhà, người nhà mới tá hỏa biết cháu bị thương tích nên đưa ngay đến bệnh viện.

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thu Hương- Trưởng Khoa Nhi tại BVĐK tỉnh cho biết, bé H. vào bệnh viện với biểu hiện sưng bầm ngón tay, sau đó lan ra cổ tay, bàn tay. Bác sĩ đã sử dụng huyết thanh kháng độc, kèm kháng sinh chống nhiễm trùng vết cắn cho bé. Sau một ngày điều trị, sinh hiệu bé trai ổn, đang được theo dõi tiếp và chờ xuất viện.

Theo Phòng Kế hoạch- Tổng hợp BVĐK tỉnh Vĩnh Long, ngày 19/7, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu ông Huỳnh Văn C. (ngụ Khóm 6, Phường 4- TP Vĩnh Long) do “tác dụng độc của nọc độc, không xác định”.

Liên tiếp sau đó, vào lúc 23 giờ 40 khuya ngày 19/7, BVĐK tiếp tục cấp cứu thêm ca rắn cắn là bà Huỳnh Thị H. (50 tuổi, ấp Cái Cạn 1, xã Mỹ Phước- Mang Thít).

Không loại trừ xui rủi, bất cẩn mà bị rắn độc cắn

Tất cả trường hợp trên vào bệnh viện đều được chẩn đoán do “tác dụng độc của nọc độc, không xác định” (nôm na là bị rắn độc cắn). Song từ khai báo của bệnh nhân và người nhà cho thấy, chủ yếu là bị rắn lục đuôi đỏ cắn, do vô tình.

Tùy diễn biến tình trạng mỗi bệnh nhân, có người nhà xin chuyển tuyến trên, có người lại xin về, có người tình trạng nhẹ hơn, dùng huyết kháng độc, điều trị kèm theo và đã ổn sau đó.

Bác sĩ khuyên bất cứ trường hợp nào bị rắn độc cắn cũng nên đưa đến cơ sở y tế sớm để can thiệp, tránh biến chứng rối loạn đông máu.
Bác sĩ khuyên bất cứ trường hợp nào bị rắn độc cắn cũng nên đưa đến cơ sở y tế sớm để can thiệp, tránh biến chứng rối loạn đông máu.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến, có thể coi các trường hợp bị rắn độc cắn trong cùng khoảng thời gian nói trên là trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng không loại trừ do thay đổi thời tiết, môi trường sống cộng với “xui rủi”, vô ý bất cẩn trong sinh hoạt hàng ngày mà người dân bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Khi bị rắn độc cắn, người nhà nên đưa người bị nạn đến bệnh viện nhanh nhất để can thiệp y tế. Trường hợp người bị rắn độc cắn mà đến bệnh viện trễ hoặc tự dùng cách điều trị dân gian, thì biến chứng rõ rệt nhất có thể thấy là rối loạn đông máu và nguy hiểm hơn sẽ dẫn đến tử vong.

Chia sẻ về các trường hợp này, bác sĩ Võ Thị Thu Hương cho rằng: Người lớn nên dạy các bé trong độ tuổi hiếu động về sự nguy hiểm khi thấy và chọc phá hay “vô tình” tiếp xúc với rắn, rít.

Tương tự, cố gắng đảm bảo nơi sinh sống sạch thoáng, phát quang bụi rậm, dọn dẹp chỗ ẩm thấp trong và quanh nhà để hạn chế nguy cơ có rắn, rít trú ẩn, gây nguy hiểm. Quan tâm điều này nhằm phòng ngừa tai nạn thương tích do rắn, rít cắn không chỉ với trẻ mà cả với mọi người trong gia đình và cộng đồng.

  • Bài, ảnh: MINH THÁI