Không theo "mùa", bệnh truyền nhiễm tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Cập nhật, 15:52, Thứ Sáu, 07/04/2017 (GMT+7)

 

Bệnh nhân điều trị bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Bệnh nhân điều trị bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Căn cứ diễn biến, tình hình các bệnh truyền nhiễm năm 2016, tình hình dịch bệnh năm 2017 tại tỉnh Vĩnh Long được dự báo: bệnh truyền nhiễm nguy hiểm số lượng mắc có thể tăng cao, một số bệnh có nguy cơ gây dịch như: sởi, tay chân miệng, tả, tiêu chảy, sốt xuất huyết.

Đặc biệt là các thể cúm nguy hiểm trên gia cầm có nguy cơ lây truyền sang người như A/H5N1, A/H7N9, bệnh liên cầu lợn, bệnh dại, bệnh do vi rút Zika,...

Ông Lữ Quang Ngời- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ký phê duyệt kế hoạch của Sở Y tế về việc phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2017.

Kế hoạch với mục tiêu là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, góp phần phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Báo, đài sẽ tuyên truyền để người dân hiểu và phòng ngừa dịch bệnh

Về tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2017, báo đài địa phương được yêu cầu phối hợp chặt chẽ Sở Y tế và các sở, ban ngành xây dựng chuyên mục phòng chống dịch bệnh; đưa tin, viết bài tuyên truyền kịp thời, chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh về phòng chống dịch bệnh để mọi người dân hiểu và thực hiện.

Theo đó, công tác phòng chống dịch bệnh tập trung vào các bệnh đang lưu hành tại địa phương có tỷ lệ mắc cao như: tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, cúm, tả, tiêu chảy.

Đi cùng là khống chế kịp thời không để bệnh dịch mới nổi bùng phát, như: viêm màng não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, thương hàn, rota vi rút, thủy đậu, quai bị, ho gà, liên cầu lợn,...

Theo cơ quan y tế dự phòng, năm 2016, bệnh tay chân miệng giảm so cùng kỳ, không có trường hợp tử vong; sốt xuất huyết xuất hiện rải rác ở hầu hết địa bàn, tăng 390 ca bệnh và có 1 trường hợp tử vong.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long (Sở Y tế), diễn biến sốt xuất huyết năm ngoái có thể nói hết sức phức tạp và nguy hiểm, bệnh có chiều hướng gia tăng ngay từ đầu những tháng đầu năm (khi đang mùa nắng).

Ở khối điều trị, bác sĩ Phan Văn Năm- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long thông tin thêm: có thời điểm ở tháng đầu năm ngoái khi chưa mưa, số ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện điều trị nhiều và có bệnh nặng. Tuy nhiên bệnh viện cũng xử trí ổn.

Vẫn theo Trung tâm Y tế dự phòng, các năm qua các bệnh dịch nguy hiểm khác như cúm A/H5N1, tả, não mô cầu, được giám sát liên tục chặt chẽ, chưa ghi nhận trường hợp mắc tại tỉnh.

Người dân cần theo dõi các khuyến cáo từ ngành y tế để làm tốt việc phòng bệnh cho trẻ nhỏ- đối tượng dễ mắc bệnh truyền nhiễm.
Người dân cần theo dõi các khuyến cáo từ ngành y tế để làm tốt việc phòng bệnh cho trẻ nhỏ- đối tượng dễ mắc bệnh truyền nhiễm.

Các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng giảm dần hàng năm. Đặc biệt, sau chiến dịch tiêm vét sởi cho trẻ 9-24 tháng tuổi, tiêm vắc xin sởi- rubella cho trẻ 16-17 tuổi ở năm 2015 thì ca mắc sởi của năm 2016 giảm đáng kể.

Trong kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm nay, ngành y tế sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết từng dịch bệnh truyền nhiễm: tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A/H1N1, A/H5N1, A/H7N9, tả, tiêu chảy cấp, bệnh dại, dịch bệnh mới nổi, kế hoạch tiêm chủng mở rộng.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, cần phải tăng cường hệ thống giám sát, giám sát chủ động tại các tuyến nhằm ngăn chặn kịp thời, không để bệnh xâm nhập và gây dịch tại địa phương.

Tăng cường năng lực phòng xét nghiệm giúp chẩn đoán tác nhân gây bệnh, chủ động ứng phó phòng ngừa...

Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng, những tháng đầu năm nay không phải là “mùa” sốt xuất huyết, tay chân miệng, quai bị, thủy đậu, nhưng số ca mắc bệnh đã và đang có chiều hướng gia tăng. Một trong các nguyên nhân là do thời tiết bất thường- mưa trái mùa, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi đột ngột, làm tăng nguy cơ hình thành, phát triển vi khuẩn, vi rút gây bệnh.

Kinh phí phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm giảm

 

Theo kế hoạch được duyệt, tổng kinh phí phòng chống dịch bệnh năm 2017 của tỉnh là hơn 4,4 tỷ đồng bao gồm các nguồn: kinh phí phòng chống dịch bệnh từ các chương trình y tế quốc gia, tiêm chủng mở rộng; kinh phí phòng chống dịch bệnh của tỉnh; kinh phí phòng chống dịch bệnh từ các nguồn hợp pháp khác. Số này giảm so tổng kinh phí hơn 5,8 tỷ đồng của năm 2016.

Bài, ảnh: MINH THÁI