Đối thoại, "cam kết" tiến theo lộ trình BHYT toàn dân

Cập nhật, 14:00, Thứ Năm, 30/03/2017 (GMT+7)

BHXH huyện Mang Thít trong tháng 3 này đang triển khai đối thoại và tuyên truyền trực tiếp đến cán bộ, người dân và cộng đồng về chính sách BHXH, BHYT.

Người dân nêu các thắc mắc về chính sách thụ hưởng khám chữa bệnh, về cái khó trong vận động thu BHYT tự nguyện...
Người dân nêu các thắc mắc về chính sách thụ hưởng khám chữa bệnh, về cái khó trong vận động thu BHYT tự nguyện...

Tuyên truyền qua đối thoại, “tương tác” trực tiếp với người dân, cán bộ cấp xã, nhân viên đại lý thu, nhân viên y tế... đang đóng vai trò chủ đạo để giúp cơ quan BHXH phổ biến và người dân tiếp cận với chính sách một cách thấu đáo, hiệu quả hơn.

Tương tác mạnh từ đối thoại trực tiếp

“Tại mỗi xã tổ chức đối thoại, chúng tôi mời đại diện lãnh đạo Đảng ủy, UBND, MTTQ và một số đoàn thể xã cùng dự và đặc biệt là mỗi xã sẽ mời khoảng 100 người dân đại diện cho hộ gia đình mình chưa tham gia BHYT để đối thoại” - bà Dương Thị Uống- Giám đốc BHXH huyện Mang Thít- nói.

Về đối tượng tuyên truyền trực tiếp, bà Dương Thị Uống cho hay sẽ tập trung vào hộ gia đình chưa tham gia BHYT ở xã nông thôn mới; cán bộ, nhân viên tại các cơ sở khám chữa bệnh ở xã; người sử dụng lao động, người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

Hôm 24/3, trước gần 100 người dân chưa tham gia hoặc nhà còn nhân khẩu chưa tham gia BHYT tham gia đối thoại ở xã An Phước, bà Dương Thị Uống đề nghị: cuối tháng 3 này là đợt thu cuối BHYT học sinh (tháng 5 các trường sẽ kết thúc năm học), nên yêu cầu người dân, chính quyền cùng các trường trong xã nỗ lực trong công tác thu BHYT học sinh.

Mảng thu này sẽ đóng góp vào tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân xã, huyện mà học sinh là một trong các đối tượng tiềm năng đã được xác định từ đầu năm.

Bà Phạm Thị Ảnh (ấp Phú An) hỏi quyền lợi người dân thụ hưởng là gì khi tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục.

Bà Dương Thị Uống cho hay, khi tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên (thể hiện trên thẻ BHYT) và số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (năm 2016 là 7.260.000đ) thì cơ quan BHXH cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.

Thông tin về trường hợp khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký ban đầu ghi trên thẻ BHYT hoặc theo tuyến chuyên môn kỹ thuật được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng 100% chi phí là: khi khám chữa bệnh tại tuyến xã; tổng chi phí của lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở ở mọi tuyến điều trị; có thời gian tham gia 5 năm liên tục như đã nêu.

Đại diện một số bà con, chị Trần Thị Hồng Sương (ấp Phú Hòa) cho biết, đi khám bệnh ở bệnh viện huyện, bác sĩ cho thuốc 5 ngày, nhưng đến ngày thứ 3 chị lại... bị thêm bệnh khác.

Trường hợp này đi khám bệnh mới bằng BHYT và có hưởng được không. Bác sĩ Nguyễn Tấn Đồng- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mang Thít thông tin: hoàn toàn có thể thụ hưởng khi bác sĩ cho thuốc bệnh mới, căn cứ trên toa thuốc dùng cho mặt bệnh trước.

“Cam kết” tiến tới BHYT toàn dân

Báo cáo của BHXH huyện Mang Thít đến gần hết quý I/2017, tổng số người tham gia BHYT ở huyện có 65.290/100.590 dân số (64,9%); và người dân ngoài huyện là 9.981 người (9,9%).

Tổng cộng người dân có thẻ trên địa bàn huyện là 75.271 người, chiếm 74,8%, tăng nhẹ so tỷ lệ 74,01% dân số có BHYT hồi cuối năm ngoái.

Theo bà Dương Thị Uống, hiện BHYT tại huyện thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh. Xã An Phước thấp hơn tỷ lệ chung huyện (chỉ đạt 73,68%).

Tuy vậy đáng mừng năm qua huyện tăng 7.000 người trong hộ gia đình tự nguyện tham gia BHYT so cùng kỳ 2015, tức đạt 27.553/28.600 (96,34%).

Là cộng tác viên đại lý thu BHYT thuộc UBND xã An Phước, bà Nguyễn Thị Thúy (ấp Thủy Thuận) nói hiện tại thu BHYT chủ yếu đáo hạn thẻ là nhiều, tham gia mới ít.

Hỏi thuận lợi trong công tác này ở địa bàn là gì, bà Thúy nói “bình thường”; còn về khó khăn, bà cho rằng “đời sống kinh tế, ý thức của số ít người dân còn chưa cao”, nên hạn chế tham gia BHYT.

Tại buổi đối thoại, ông Lê Hùng Dũng- Chủ tịch UBND xã An Phước nói xã đạt bao phủ BHYT thấp hơn so với các xã bạn, dù đã đạt nông thôn mới.

Ông nhận thấy tình hình còn khó hơn bởi chỉ tiêu với xã nông thôn mới cuối năm nay phải đạt bao phủ BHYT 85% và trên quy mô xã nông thôn mới phải có 3.390 người dân có BHYT.

“Đi cái đám cưới (ý chỉ 200.000đ- PV) cũng hết 1/3 mệnh giá một thẻ BHYT mua tự nguyện. Đi 3 cái đám cưới coi như mua được tấm thẻ BHYT dùng trong một năm phòng đau ốm”- ông Lê Hùng Dũng ví von như vậy, đồng thời kêu gọi người dân xã tiếp tục tham gia và vận động người thân mình tham gia BHYT.

Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã An Phước cho hay sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao và phối hợp các ban ngành, đoàn thể xã tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT.

Chú trọng vào BHYT tự nguyện hộ gia đình, học sinh để cải thiện tỷ lệ bao phủ chung xã. Có thể coi đây là lời “cam kết” quyết liệt không riêng của xã An Phước, mà còn với các địa bàn tương tự có tỷ lệ BHYT thấp. Từ đó thúc đẩy lộ trình tiến tới BHYT toàn dân từ cơ sở đến huyện, tỉnh.

Bài, ảnh: MINH THÁI