Bệnh đang lưu hành gia tăng, bệnh "cũ" nguy cơ quay lại

Cập nhật, 07:35, Thứ Sáu, 03/03/2017 (GMT+7)

 

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và các yếu tố thuộc về lối sống, mọi người hãy nâng ý thức tự phòng ngừa bệnh tật cho mình- cả các bệnh truyền nhiễm và những bệnh không lây nhiễm.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và các yếu tố thuộc về lối sống, mọi người hãy nâng ý thức tự phòng ngừa bệnh tật cho mình- cả các bệnh truyền nhiễm và những bệnh không lây nhiễm.

Những bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng những tháng đầu năm có chiều hướng gia tăng; những bệnh có vắc xin ngừa và được khống chế, đẩy lùi trước đây nay có nguy cơ quay lại;... Cơ quan y tế nhận định như thế và đã đưa ra các biện pháp dự phòng, để hạn chế diễn biến phức tạp của bệnh.

Phập phồng lo bệnh mới nổi!

Thực hiện Quyết định 567 của Bộ Y tế (ngày 21/2/2017) về “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam”, Sở Y tế Vĩnh Long đã giao ngành y tế dự phòng tỉnh xây dựng kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 trên địa bàn. Mục tiêu đặt ra là phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch cúm A/H7N9.

Theo thông tin Bộ Y tế, đến 20/2/2017, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp nghi do cúm A/H7N9.

Tuy nhiên, đáng quan ngại là đã ghi nhận các ổ dịch tại các tỉnh sát biên giới với Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam và Quảng Đông (Trung Quốc); đồng thời tăng nhanh cả số mắc và ca tử vong và đặc biệt đang lây lan ra các vùng địa lý mới.

 

Nguyên nhân: thời tiết giao mùa; nguồn lây bệnh, các yếu tố dịch tễ; người mắc bệnh và việc kiểm soát nguồn lây; chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu;...

Trước các diễn biến nói trên, Bộ Y tế dự báo nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào nước ta cũng như khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng, nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long, có thể nói dịch bệnh cúm A/H5N1 trên gia cầm đã và đang xảy ra hàng năm ở nhiều địa phương cả nước, trong đó các tỉnh phía Nam và khu vực ĐBSCL.

 

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế), điều đó nói rằng “vi rút cúm đang tồn tại trên gia cầm (trong thời gian qua)”. Và cúm A/H7N9 dù chưa xâm nhập vào nước ta, nhưng đang diễn biến phức tạp sát biên giới phía Bắc, nên mọi yếu tố nguy cơ có thể xảy ra và công tác dự phòng phải đặt lên hàng đầu.

Trước hết, nói chung để hạn chế tối đa cúm A/H5N1 lây lan sang người (với nguy cơ tử vong cao) phải bắt đầu bằng việc mọi người phải ý thức và hạn chế với nguồn lây có từ gia cầm. Đó là không sử dụng, tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc, bệnh, chết không rõ nguyên nhân.

Nấu kỹ, ăn chín đối với các sản phẩm gia cầm và biết rõ nguồn gốc rõ ràng. Hộ chăn nuôi gia cầm nên đăng ký với tổ thú y địa phương theo quy định để tiêm phòng đầy đủ, khi gia cầm bệnh, chết hoặc nghi ngờ cúm thì báo cơ quan chức năng để kịp thời xử lý...

Bệnh “cũ” nguy cơ quay lại

Liên quan đến bệnh truyền nhiễm, ngành y tế dự phòng tỉnh cho biết các bệnh “lưu hành tại địa phương” như sốt xuất huyết, tay chân miệng những tháng đầu năm số mắc có chiều hướng gia tăng. Nguyên do diễn biến thời tiết bất thường, tạo điều kiện thuận lợi để bệnh lây lan.

Cũng chính điều kiện thời tiết bất thường, nên một số bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh mà trước đây đã đẩy lùi, khống chế thì nay “có nguy cơ quay lại”, như: ho gà, bạch hầu, quai bị, sởi. Ho gà đã xuất hiện ở miền Bắc.

Bạch hầu quay lại ở miền Trung. Tại tỉnh đến hết tháng 1 vừa qua không ghi nhận ca bệnh ho gà, bạch hầu. Sởi cũng không có, nhưng đã ghi nhận hàng chục ca mắc bệnh thủy đậu (37 ca) và quai bị (25 ca).

Một trường hợp bệnh quai bị ở người lớn được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Một trường hợp bệnh quai bị ở người lớn được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Ông Mai Thanh Hùng- Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long- trong trao đổi mới đây cho rằng các cơ quan y tế dự phòng, truyền thông giáo dục sức khỏe, trung tâm y tế tuyến huyện cần tuyên truyền phòng chống các dịch bệnh nguy cơ mắc và bùng phát mùa Đông Xuân này, chú trọng đặc biệt các bệnh lưu hành là sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh đang gia tăng ca mắc: quai bị, thủy đậu.

Trước yêu cầu này, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng- Huỳnh Thanh Tân cho hay sẽ tăng cường hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm địa phương có nguy cơ, ổ dịch hoặc ca bệnh đầu tiên và can thiệp kịp thời, khống chế không để lây lan, bùng phát; xử lý triệt để ổ dịch bệnh khi phát hiện; truyền thông y tế, phối hợp với báo đài tuyên truyền kiến thức, các biện pháp phòng bệnh rộng rãi đến người dân và cộng đồng.

Giao ban y tế tháng 2 rồi, lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan cần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt tiêm vắc xin phòng bệnh. Bởi nhiều bệnh có vắc xin phòng như thủy đậu, quai bị giờ đang có chiều hướng quay lại.

Nên đưa trẻ tiêm ngừa thêm các vắc xin ngoài tiêm chủng mở rộng

Bệnh thủy đậu, quai bị có vắc xin phòng nhưng không nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (miễn phí), chỉ có tiêm chủng hình thức dịch vụ.

 

Phòng bệnh thủy đậu cần tiêm mũi vắc xin ngừa thủy đậu. Ngừa sởi- quai bị- rubella có vắc xin “3 trong 1” cũng tiêm dịch vụ. Tuy nhiên, vắc xin ngừa sởi- rubella lại có trong tiêm chủng mở rộng, nên muốn có miễn dịch ngừa bệnh quai bị, thì phải tiêm mũi dịch vụ để có đủ miễn dịch.

 

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, ngoài tuân thủ tiêm chủng mở rộng hàng tháng đúng lịch, đủ liều, đặc biệt phụ huynh nên đưa con em tiêm thêm vắc xin ngừa cúm, thủy đậu, quai bị ngoài tiêm chủng mở rộng.

Bài, ảnh: MINH THÁI