Việt Nam chuẩn bị đối phó với dịch virus Zika thế nào?

Cập nhật, 14:00, Thứ Tư, 07/09/2016 (GMT+7)

Trước tình trạng dịch do virus Zika diễn biến phức tạp trên thế giới và bùng phát tại Singapore (đã có 242 người mắc với trung bình mỗi ngày ghi nhận từ 20-27 trường hợp mắc mới), Bộ Y tế đã đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch do virus Zika tại Việt Nam.

Bộ Y tế Thái Lan và Malaysia cũng vừa đưa ra cảnh báo virus Zika bắt đầu lây lan ở 2 nước này.

Chủng virus Zika có nguồn gốc từ Châu Á không phải xâm nhập

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, ngày 2.9 vừa qua, WHO đã tổ chức cuộc họp Ủy ban khẩn cấp thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) lần thứ 4 và tiếp tục khẳng định tình trạng dịch bệnh do virus Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế do sự liên quan giữa virus Zika với chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh (GBS), đồng thời cho rằng sự lan truyền của virus Zika sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 2.9.2016 đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền virus Zika.

Cuối tháng 8.2016 đến nay, tại Singapore bùng phát dịch do virus Zika với số trường hợp mắc tăng nhanh hằng ngày.

Trường hợp bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Zika tại Singapore được phát hiện vào ngày 28.8.2016, sau đó Bộ Y tế Singapore đã tổ chức tăng cường giám sát rộng rãi bệnh do virus Zika đến từng hộ gia đình và đến nay đã ghi nhận 242 trường hợp mắc, trung bình mỗi ngày ghi nhận từ 20 - 27 trường hợp mắc mới.

Kết quả giải trình tự gene cho thấy đây là chủng virus có nguồn gốc Châu Á, không phải là chủng xâm nhập từ các nước khu vực Nam Mỹ.

Bộ Y tế hết sức quan ngại về sự bùng phát của dịch bệnh do virus Zika tại Singapore. Trao đổi về vấn đề này, PGS - TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết:

“Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp trên thế giới và bùng phát tại Singapore, để chủ động phòng, chống không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, ổn định an sinh xã hội, Bộ Y tế đã chủ động ban hành các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương, huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch;

đồng thời cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế yêu cầu giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh, đặc biệt là các hành khách về từ các quốc gia đang bùng phát, lưu hành dịch bệnh do virus Zika để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, tổ chức cách ly, hướng dẫn các biện pháp phòng muỗi đốt và tự theo dõi sức khỏe để chủ động đến các cơ sở y tế khi có biểu hiện bệnh”.

Khuyến cáo của Bộ Y tế

Theo PGS Trần Đắc Phu, công tác giám sát cũng được tăng cường tại các cơ sở y tế, Bộ Y tế cũng phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur cập nhật hướng dẫn giám sát nhằm tăng khả năng phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika tại cộng đồng;

đồng thời triển khai sử dụng test chẩn đoán Trioplex do USCDC hỗ trợ để giám sát sàng lọc đồng thời 3 bệnh Zika, sốt xuất huyết, Chikungunia để phát hiện nhanh các trường hợp mắc bệnh nghi ngờ do virus Zika. Tiếp tục tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết”.

Cơ quan y tế phun thuốc diệt muỗi ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TPHCM, nơi có bệnh nhân dương tính với virus này vào đầu tháng 4.2016. Ảnh: THANH TÙNG
Cơ quan y tế phun thuốc diệt muỗi ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TPHCM, nơi có bệnh nhân dương tính với virus này vào đầu tháng 4.2016. Ảnh: THANH TÙNG

Qua báo cáo của hệ thống giám sát, đến nay trên phạm vi toàn quốc đã xét nghiệm 2.554 mẫu bệnh phẩm và đã phát hiện 3 trường hợp dương tính với virus Zika tại TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Phú Yên. Đây là 3 trường hợp nhiễm virus Zika đơn lẻ trong cộng đồng.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức giám sát chủ động để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus Zika và tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời; đồng thời phối hợp thường xuyên với WHO, USCDC và các đơn vị liên quan để đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Hiện nay, virus Zika chưa có vaccine phòng bệnh, lây truyền chủ yếu qua muỗi và đường tình dục do đó để chủ động phòng, chống dịch bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

Chủ động phòng, chống muỗi đốt, diệt muỗi và loăng quăng; Phòng muỗi đốt như ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng kem đuổi muỗi, hương muỗi; diệt muỗi, dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, tích cực phối hợp với cán bộ y tế trong triển khai các đợt phun hóa chất; diệt loăng quăng; Sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao caosu để tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục.

Đặc biệt, phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu nếu có biểu hiện sốt hoặc phát ban và đau khớp, đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn theo dõi sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện nhiễm virus Zika và các dị tật của thai nhi.

Cảnh báo virus Zika lây lan ở Thái Lan, Malaysia

Bộ trưởng Y tế Malaysia S.Subramaniam đã cảnh báo về khả năng lây lan của loại virus nguy hiểm ở nước này sau ca thứ hai bị nhiễm. Trường hợp đầu tiên nhiễm Zika ở Malaysia là một phụ nữ 58 tuổi từng đến thăm con gái ở Singapore, trước đó đã bị nhiễm Zika.

Trường hợp thứ hai là người đàn ông 61 tuổi đang mắc bệnh tim và đã qua đời do biến chứng. Người này chưa từng ra nước ngoài.

Trong khi đó Bộ Y tế công cộng Thái Lan phối hợp với các bộ ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ xoá nguồn sinh sản của muỗi. Hai thai phụ tại thủ đô Bangkok đã bị phát hiện dương tính với virus Zika, khiến các nhà chức trách nước này áp dụng thêm nhiều biện pháp giám sát tăng cường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế công cộng Thái Lan khẳng định sự lây lan của virus Zika ở Thái Lan không nghiêm trọng như cảnh báo của Trung tâm về Phòng, chống và Kiểm soát dịch bệnh Châu Âu.

Đến nay chưa ghi nhận ca tử vong nào vì virus Zika ở Thái Lan và không phát hiện trường hợp đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. 

Theo LĐO