Châm cứu- cần nghiên cứu, kế thừa

Cập nhật, 04:20, Thứ Năm, 22/09/2016 (GMT+7)

Những năm qua, phương pháp chữa bệnh châm cứu đã có bước phát triển về số lượng và chất lượng, tập hợp được đội ngũ y- bác sĩ có tâm huyết với nghề để phát triển và ứng dụng rộng rãi phương pháp điều trị bệnh theo Đông y này trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phương pháp châm cứu cấy chỉ đã giúp nhiều bệnh nhân bệnh mãn tính có cuộc sống tốt hơn.
Phương pháp châm cứu cấy chỉ đã giúp nhiều bệnh nhân bệnh mãn tính có cuộc sống tốt hơn.

Có bước phát triển mạnh

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 01 của Tỉnh ủy về “tăng cường tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của Hội Châm cứu các cấp trong tỉnh”, các cấp ủy Đảng đã luôn quan tâm lãnh- chỉ đạo sâu sát công tác châm cứu, nhất là quán triệt và nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng phương pháp châm cứu trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình hiện nay.

Các cấp ủy Đảng cũng luôn tạo điều kiện và hỗ trợ về cơ sở vật chất, kinh phí để Hội Châm cứu các cấp hoạt động.

Qua đó, bộ máy Hội được củng cố, kiện toàn, số hội viên ngày càng tăng, mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, đã có 100% xã- phường- thị trấn có chi hội châm cứu, toàn tỉnh có 144 hội châm cứu với 987 hội viên tham gia.

Hội các cấp đã từng bước phát huy mặt mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các cấp hội phối hợp với các ban ngành, đoàn thể vận động được số tiền 97 tỷ đồng để thực hiện công tác khám, điều trị bệnh; vận động các y- bác sĩ ở TP Hồ Chí Minh tổ chức khám, điều trị bệnh miễn phí bằng phương pháp châm cứu cho các bệnh nhân nghèo, gia đình chính sách với gần 30 tỷ đồng.

Việc khám, điều trị bệnh bằng phương pháp châm cứu ngày càng được người dân quan tâm, các thầy thuốc luôn thực hiện đúng theo phác đồ điều trị nên đem lại hiệu quả cao đối với một số bệnh mãn tính như: tai biến do di chứng để lại, liệt nửa người, thoái hóa khớp...

Do đó, Hội Châm cứu từ tỉnh đến cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, bệnh nhân đến điều trị bệnh ngày càng tăng.

Ngoài ra, trong 10 năm, Hội Châm cứu các cấp còn thực hiện tốt phong trào “thầy tại chỗ, thuốc tại vườn, điều trị tại nhà”, vận động người dân trồng dược liệu và các loại cây, rau có tác dụng làm thuốc với diện tích trên 13.400m2; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tổ chức khám, điều trị gần 6 tỷ lượt bệnh nhân với giá trị phúc lợi gần 30 tỷ đồng.

Ông Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, châm cứu là một phương pháp điều trị và hỗ trợ điều trị bệnh có tác dụng tích cực trong nền y học cổ truyền mà chúng ta cần nghiên cứu, kế thừa và phát triển, trong đó rất cần vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội và nhân dân.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 01, quan tâm đào tạo chuyên môn cho đội ngũ thầy thuốc, nhân rộng các mô hình hiệu quả, cách làm hay và tiếp tục tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về hiệu quả của phương pháp điều trị bằng châm cứu.

Người dân tin tưởng phương pháp châm cứu

Người bệnh ngày càng tin tưởng vào phương pháp châm cứu chữa bệnh.
Người bệnh ngày càng tin tưởng vào phương pháp châm cứu chữa bệnh.

Hàng ngày, Chi hội Châm cứu Thanh Quang (xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) tiếp đón hàng trăm lượt bệnh nhân trong và ngoài tỉnh đến khám và điều trị bệnh. Nơi đây trụ trì Thích Thiện Ngọc của Niệm phật đường Thanh Quang đã nghiên cứu, học tập và ứng dụng hiệu quả phương pháp châm cứu cấy chỉ.

Đây là một phương pháp châm cứu mới, không dùng thuốc, ứng dụng khoa học kỹ thuật tại Việt Nam từ những năm 1960, bệnh nhân được châm cứu vào các huyệt đạo và đưa vào cơ thể sợi chỉ y tế nhỏ tự tiêu để thông các mạch, các huyệt đạo.

Đại đức Thích Thiện Ngọc đã mày mò tìm hiểu và đi học một khóa học về phương pháp này để về trị bệnh từ thiện cho người dân. Qua 10 năm, trên 10.000 ca bệnh mãn tính đã được chữa khỏi nhất là các bệnh về thần kinh, cơ xương khớp, đau đầu mất ngủ, tai biến,…

Ông Võ Văn Sơn (61 tuổi) ở tận Sóc Trăng, bị tai biến đi đứng không được, nghe người quen giới thiệu tìm xuống tận đây để châm cứu.

“Lúc mới xuống, tui còn chống gậy đi cà nhắc nhưng khi châm được 2 lần kết hợp với chạy xung điện và xoa bóp huyệt đạo, giờ tui khỏe nhiều, tay chân hết tê, cái đầu cũng nhẹ nhàng, đi được rồi. Phương pháp này hay thiệt, tui sẽ ở thêm thời gian nữa để châm cứu cho khỏe mới về”.

Cô Trần Thị Nhung (58 tuổi) ở Hậu Giang cũng tìm đến đây trị bệnh. “Tui bị gai cột sống, đau thần kinh tọa nằm điều trị ở bệnh viện hoài không hết.

Nghe nói ở đây châm cứu hay nên tui tìm đến. Tui ở đây được 4 tuần, châm được 4 lần tui thấy bớt hơn 50% rồi, mấy đầu ngón tay đã có cảm giác lại, nhưng về đêm vẫn còn nhức nên tui sẽ tiếp tục ở điều trị thêm”.

Vợ chồng anh Phan Văn Thái, chị Nguyễn Thị Kim Hà (xã Tân Hạnh- Long Hồ) đều có triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ, cột sống lưng.

Sau khi châm cứu lần đầu tiên, cả hai vợ chồng đều thấy nhẹ nhàng, bớt nhức và hết choáng váng. Tuần sau, anh chị lại đến tiếp tục châm lần 2 kết hợp với xung điện và bấm huyệt.

Đại đức Thích Thiện Ngọc cho biết, phương pháp cấy chỉ này một tuần làm một lần, khoảng 6 ngày chỉ mới tan và mới có thể châm tiếp, tùy theo bệnh, sẽ châm từ 3 đến 10 lần bệnh mới giảm, phối hợp với xung điện và bấm huyệt để cho hiệu quả nhanh hơn.

Lương y Trần Thanh Dũng- cánh tay đắc lực của Đại đức cho biết thêm: “Thầy làm từ thiện không tính chi phí gì hết. Thầy còn tổ chức nấu cơm cho bệnh nhân ăn, những ai ở xa phải ở lại lâu ngày tại Niệm phật đường, thầy còn lo chỗ ăn chỗ ngủ.

Trước đây, tôi cũng là bệnh nhân rồi thấy được hiệu quả của phương pháp này và có chút năng khiếu nên theo thầy học, rồi học các lớp Đông y, lấy bằng cấp theo phụ thầy làm từ thiện đến giờ. Bệnh nhân tin tưởng lắm”.

Hàng ngày có hàng trăm lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bằng phương pháp châm cứu tại các Hội Châm cứu các cấp. Tính đến cuối năm 2015, số người được điều trị khỏi bệnh bằng phương pháp châm cứu đạt 75%, 25% bệnh nhân được điều trị giảm bệnh.

Bài, ảnh: HẢI YẾN