Ong chích, rắn cắn- "chết người như chơi"!

Cập nhật, 09:48, Thứ Sáu, 15/07/2016 (GMT+7)

Tai nạn do đuối nước có 6 trường hợp; tai nạn ngộ độc, gồm ngộ độc: rượu, thực phẩm, hóa chất,...) có 42 trường hợp. Tai nạn có nguyên cớ từ động vật như: ong chích, bò cụng, rắn cắn, rết kẹp có 94 trường hợp.

Một trường hợp nữ sinh bị ong bần chích, do cơ địa quá mẫn cảm nên phải vào bệnh viện cấp cứu, điều trị theo phác đồ sốc phản vệ.
Một trường hợp nữ sinh bị ong bần chích, do cơ địa quá mẫn cảm nên phải vào bệnh viện cấp cứu, điều trị theo phác đồ sốc phản vệ.

Đó là thống kê khá chi tiết về tai nạn, thương tích khá hy hữu được đưa vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long cấp cứu, điều trị trong nửa đầu năm nay.

Hầu hết các trường hợp tai nạn, thương tích là do con người bất cẩn, tự gây nên, còn do các yếu tố khách quan chiếm số ít.

Đa phần tai nạn, thương tích được đưa cấp cứu, điều trị kịp thời và vì bản chất của loại tai nạn, thương tích cũng không đến mức nghiêm trọng và nguy cơ đe dọa tính mạng. Thế nhưng cũng có số ít trường hợp bị tai nạn, thương tích lại khá phức tạp trong điều trị.

Tai nạn không thể ngờ

Ông Nguyễn Văn D. (51 tuổi, xã Phú Thịnh- Tam Bình) được đưa vào BVĐK tỉnh Vĩnh Long ngày 21/6, có các triệu chứng “biểu hiện dạng bị nhiễm độc”, như: nôn ói, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, huyết áp tuột, tay chân lạnh,...

Theo người nhà bệnh nhân D., sáng ngày ông hái nấm ngoài vườn nhà, lấy 3 cây nấm nấu cùng mì tôm ăn. Ăn xong vẫn chưa có biểu hiện gì. Đến trưa, ông tiếp tục ăn số nấm còn lại và... ăn sống. Sau đó, ông có những triệu chứng bị nhiễm độc như đã nêu.

Ông D. được truyền dịch, súc rửa dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa, và chỉ chưa đầy 24 giờ sau thì sức khỏe ổn định lại và xuất viện sau đó. Tuy nhiên, ông cũng như bà nhà nói vui “giờ thấy nấm... là ngán!”

Vừa thi tốt nghiệp THPT quốc gia xong ngày 4/7, Phan Thị B.L. (18 tuổi, xã Hòa Lộc- Tam Bình) ở nhà nghỉ ngơi. Hôm sau, em ra vườn hái trái cóc ăn thì bị ong chích.

Đáng nói, ong chích B.L. là ong bần và chích chỉ một mũi vào vùng trán, sát mắt trái. Chỉ khoảng 30 phút sau đó, em được đưa vào BVĐK Tam Bình với tình trạng tím các đầu chi, hồng ban sưng đỏ khắp người, mạch khó bắt, huyết áp tuột rất thấp,...

BVĐK huyện lập tức chuyển cấp cứu lên BVĐK tỉnh, các bác sĩ chẩn đoán em bị “sốc phản vệ do bị ong chích”.

“Bệnh nhân phản ứng quá nhanh, quá mạnh với sốc, nên chỉ với một mũi ong đốt là phản ứng tức thì. Bệnh nhân có cơ địa quá nhạy cảm, đặc biệt là tiền sử bị dị ứng thức ăn”-bác sĩ Hồ Bích Thủy- Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc thuộc BVĐK tỉnh- cho biết.

Chưa đầy 24 giờ sau điều trị tích cực tại BVĐK tỉnh, tình trạng sức khỏe B.L. được tiên lượng đã khá hơn.

ệnh nhân tiếp tục được điều trị theo phác đồ vài ngày nữa, theo dõi sát hô hấp, huyết áp, tình trạng nước tiểu (phòng ngừa suy thận), truyền dịch, vận mạch với 2 loại thuốc vận mạch, dùng kháng sinh, kháng dị ứng,...

Bị ong bần chích cũng không phải là hiếm và đối với người này có thể là lành, còn đối với người kia thì lại… độc.

Như trường hợp của B.L, do cơ địa quá mẫn cảm nên dị ứng ngay sau khi con ong chích. Trước ca cấp cứu phức tạp này, bác sĩ Hồ Bích Thủy phải hội chẩn qua điện thoại với đồng nghiệp tại BVĐK Trung ương Cần Thơ để có giải pháp can thiệp tốt nhất: thống nhất điều trị theo phác đồ sốc phản vệ.

Tự “coi sóc” mình kỹ, tránh tai nạn hi hữu

Đang vào mùa mưa, mùa có nấm mối. Không chỉ bác sĩ mà người tinh ý cũng dễ dàng biết khuyến cáo như: khi ăn nấm mối hay bất cứ loại nấm gì ăn được, thì nên để ý kỹ loại nấm đó; tránh ăn nấm không rõ loại, nấm nhiều màu sắc và chế biến kỹ trước khi ăn.

Từ trường hợp nữ sinh B.L. bị ong chích trên, bác sĩ Hồ Bích Thủy nói: Đối với người bị ong chích, nhất là người biết rõ cơ địa mình mẫn cảm thế nào, dị ứng ra sao, hay không biết rõ cơ địa, thì cũng nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, một khi thấy dấu hiệu phức tạp.

Trường hợp này cũng giống như với rắn cắn, rết kẹp,... Rõ nhất là cách đây 1- 2 năm, rộ lên hiện tượng nhiều người dân bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải vào cơ sở y tế điều trị. Và chuyện người dân đập chết rắn này nhan nhản hàng ngày.

“Đối với người (mà cơ địa mình) quá mẫn cảm với dị ứng, ngộ độc, thì nên tránh tiếp xúc với những dị nguyên (nguyên nhân gây nên dị ứng) như đã nêu trong tất cả trường hợp”- bác sĩ Hồ Bích Thủy nói.

Ở góc độ dự phòng, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân– Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế Vĩnh Long) cho hay, ít có con số thống kê mang tính điều tra giám sát về các loại tai nạn thương tích (như mèo quào, bò cụng, heo cắn, rết kẹp,...) để can thiệp bằng các biện pháp y tế để dự phòng.

Tuy nhiên, với bệnh dại (chó, mèo cắn, quào), cúm (liên quan tới gia cầm) hay liên cầu khuẩn lợn (ăn tiết canh, lòng lợn có bệnh),... thì đây lại là loại hình tai nạn bệnh tật. Phía y tế dự phòng sẽ phối hợp các đơn vị chức năng điều tra, giám sát yếu tố gây bệnh để có các biện pháp khuyến cáo, phòng bệnh.

Còn trường hợp tai nạn, thương tích như đã kể trên “rất thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hàng ngày đối với bất kỳ người nào đó”.

Và cơ quan y tế, hay trực tiếp bác sĩ tại các bệnh viện sẽ từ thực tế điều trị mà tuyên truyền giáo dục bảo vệ sức khỏe, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ có thể bị tai nạn, thương tích xảy ra.

Giận chồng bắt con cóc có trứng mần thịt ăn ở Vũng Liêm, hái cóc trái ăn bị ong bần chích ở Tam Bình, uống nước đá lạnh để qua đêm ở Trà Ôn, ăn cơm với mắm tép bị ngộ độc thực phẩm ở TP Vĩnh Long,... có thể coi là những loại tai nạn, tổn thương trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Các sự vụ hi hữu trên từ đầu năm đến nay, Báo Vĩnh Long đã từng thông tin tới bạn đọc.

Bài, ảnh: MINH THÁI