Sức khỏe cho thai phụ

Cập nhật, 16:01, Thứ Sáu, 28/03/2014 (GMT+7)


Em bé sinh ra đủ sức khỏe là do người mẹ biết ăn uống và nghỉ ngơi khoa học.

Chế độ dinh dưỡng của phụ nữ mang thai ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển cả về thể lực lẫn trí não của trẻ. Vì vậy, trong từng giai đoạn của thai kỳ, các bà mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của cả mẹ và bé.

Chị Ngọc Hường và chồng mừng vui khi đi khám bác sĩ cho biết chị đã mang thai được 5 tuần. Song, sau đó chị bị nghén nên lúc nào cũng có cảm giác buồn nôn. Vừa ăn gì vào, chị đều nôn hết. Nghe mùi gì lạ, chị cũng nôn. Toàn thân chị rã rời, mặt mày xanh xao, chị đành xin nghỉ phép để ở nhà dưỡng thai.

Còn chị Thảo Nhi mệt mỏi nói: “Tôi mang thai được hơn 2 tháng, từ lúc “cấn bầu” tôi bị hành dữ lắm, ăn không được, ăn vô ói ra hoài. Tôi thấy chị bạn có bầu khỏe lắm, không bị nghén, ăn được ngủ được. Còn tôi bị vậy, không biết có ảnh hưởng gì đến em bé không?”

Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, việc tăng cân trong thai kỳ cần lưu ý phân chia theo từng giai đoạn sẽ tốt hơn cho thai nhi. Cụ thể, 3 tháng đầu thai kỳ, việc tăng cân chủ yếu dành cho cơ thể mẹ, 3 tháng giữa, việc tăng cân dành cho cả mẹ lẫn bé, riêng 3 tháng cuối dành cho bé.
Chị Loan Trâm chia sẻ: “Tôi không bị hành, nghén nên ăn uống được lắm. Còn hơn tháng mới sanh mà tôi đã tăng gần 20kg. Bác sĩ tư vấn tôi nên giảm ăn thức ăn béo, ngọt dẫn đến dư thừa năng lượng, để tránh tình trạng mẹ thừa cân nhưng con sinh ra không đủ ký vì thiếu chất”.

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh- Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh cho biết, mệt mỏi là dấu hiệu thường thấy ở thai phụ. Khi bị nghén, cơ thể bà mẹ vô cùng mệt mỏi, chán ăn, thậm chí bị ám ảnh khi nghĩ đến cảm giác phải nôn ra.

Song, các bà mẹ cần cố gắng ăn uống cho đủ chất để thai nhi có đủ chất dinh dưỡng phát triển tốt, bởi thiếu dưỡng chất thì thai nhi sẽ dễ bị tật. Giai đoạn này thì sản phụ dễ bị nghén, nôn, khó ăn nên chúng ta chia làm từng bữa nhỏ, tốt nhất là từ 5- 6 bữa mỗi ngày.

Thai phụ nên tránh những thức ăn mùi vị, thức ăn uống có chất kích thích. Nếu cảm thấy muốn nôn, thai phụ nên ngậm gừng tươi, kẹo gừng hay ăn bánh mì, bánh quy, uống đủ nước. Đồng thời, thai phụ nên để tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, nếu thai phụ cảm thấy sức khỏe quá suy kiệt vì nghén nhiều thì cần đến bác sĩ để khám ngay. Tình trạng này sẽ được giải quyết bằng cách cho uống thuốc, truyền dịch, truyền chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạnh.

TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long chia sẻ: Nếu thai phụ nôn nhiều thì có thể chế biến sữa thành những viên đá ngậm bởi trong sữa có chất dinh dưỡng có thể làm giảm nôn. Nếu thai phụ không ăn uống gì thì dạ dày trống tiết nhiều acid sẽ dễ bị nôn hơn.

Nếu nôn nhiều, nôn cả dịch dạ dày... dẫn đến cơ thể mất nước, mất điện giải thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa. Lúc đó, bác sĩ sẽ khám theo từng trường hợp để cho thuốc chống nôn (thuốc có thể dùng uống, tiêm hay đặt hậu môn); rồi sẽ bù dịch, bù nước, bù điện giải, bù những chất dinh dưỡng cần thiết cho thai phụ.
 
Và, hãy yên tâm rằng triệu chứng nghén này sẽ mất đi sau 12 tuần. Các thai phụ hãy nghĩ đến đứa con sinh ra khỏe mạnh, thông minh để tạo niềm tin cho mình.

Các thai phụ nên nhớ, nhu cầu về năng lượng chỉ cần tăng 20% so với trước khi mang thai song nhu cầu về dinh dưỡng lại cần đến 50% (như sắt, kẽm, i ốt, canxi, các loại vitamin...), vì những khoáng chất này góp phần giúp thai nhi phát triển và thông minh.

Để ăn uống có lợi cho sức khỏe và trí thông minh của thai nhi, bà bầu cần ăn đủ bữa và có thêm bữa phụ. Bữa ăn chính cần có thịt, cá, trứng, đậu và các loại rau, củ quả… Nên thay đổi thực đơn thường xuyên để có đủ sinh tố và khoáng chất cho thai nhi. Bữa phụ nên uống sữa, các chế phẩm của sữa, bắp khoai, trái cây.


Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG