Băn khoăn chọn học ngành sư phạm

Cập nhật, 13:01, Thứ Tư, 20/03/2024 (GMT+7)
Năm 2024, nhiều học sinh quan tâm đến khối ngành đào tạo (ĐT) giáo viên (sư phạm (SP)), điều kiện miễn học phí và cấp sinh hoạt phí ra sao? Đầu vào thế nào? Phương thức xét tuyển?…
 
Trong đó, nhiều chuyên gia lưu ý học sinh khi chọn ngành này cần thực sự đam mê, đồng thời, lưu ý những nội dung trong Nghị định số 116 của Chính phủ. 
Miễn học phí và được cấp sinh hoạt phí 
 
Từ những sinh viên (SV) SP đầu tiên khóa 2021-2022, được áp dụng Nghị định số 116 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với SV SP tại các ĐH, học viện, trường ĐH, trường CĐ được phép ĐT giáo viên.
 
Theo đó, SV SP được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở ĐT giáo viên nơi theo học. Ngoài ra, còn được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
 
ThS Nguyễn Hứa Duy Khang- Phó Trưởng Phòng ĐT, Trường ĐH Cần Thơ, giải thích: “Với các ngành SP, tất cả SV được hỗ trợ tiền học phí cho trường đang học. Nghĩa là các em được miễn học phí dù học ngành SP ở các trường khác nhau, mức học phí khác nhau”.
 
Đồng hành sự hỗ trợ này, còn có trách nhiệm và phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt ở các trường hợp theo quy định.
 
Cụ thể: SV SP đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục (GD) sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; SV SP đã hưởng chính sách và công tác trong ngành GD nhưng không đủ thời gian công tác tối thiểu- gấp hai lần thời gian ĐT tính từ ngày được tuyển dụng. SV SP được hưởng chính sách đang trong thời gian ĐT nhưng chuyển sang ngành ĐT khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình ĐT hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.
 
Nghị định cũng nêu rõ những đối tượng không phải bồi hoàn 2 phí này. Cụ thể là: Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, SV SP công tác trong ngành GD và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian ĐT tính từ ngày được tuyển dụng.
 
SV SP sau khi tốt nghiệp đang công tác trong ngành GD, nhưng chưa đủ thời gian theo quy định và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều động bố trí công tác ngoài ngành GD. SV SP sau khi tốt nghiệp tiếp tục được cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cử đi ĐT giáo viên trình độ cao hơn và tiếp tục công tác trong ngành GD đủ thời gian quy định. 
 
Quyền lợi và trách nhiệm
 
Trong chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại TP Cần Thơ vừa qua, ThS Hoàng Thúy Nga- Chuyên viên cao cấp, Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT, đã giải đáp băn khoăn của thí sinh về sinh hoạt phí của SV SP được cấp như thế nào? Theo bà Nga, Nghị định số 116 có rất nhiều điểm ưu tiên cho SV ngành SP.
 
Các em được miễn học phí và được cấp sinh hoạt phí và thời điểm cấp tùy thuộc vào từng địa phương. Các em sẽ được cấp 3 tháng, học kỳ, năm học,… tùy theo địa phương. Bà Nga lưu ý: “Khi chọn ngành các em phải có tâm huyết, thật sự hy sinh, cống hiến cho ngành, có trách nhiệm ĐT nhân lực tương lai cho đất nước”.
 
Giải đáp băn khoăn nếu sau 2 năm ra trường không xin được vào ngành GD thì phải làm sao? ThS Nguyễn Hứa Duy Khang cho rằng: “Nếu SV không kén chọn địa phương, đơn vị giảng dạy thì không lo thất nghiệp. Chỉ tiêu tuyển sinh được Bộ GD- ĐT giao cho các đơn vị, dựa trên nhu cầu nhân lực SP địa phương. Ngoài ra, thí sinh cần lưu ý khái niệm công tác trong ngành GD rất rộng, không chỉ là dạy học tại các trường công lập”. 
 
Công tác trong ngành giáo dục đòi hỏi lòng yêu nghề, đam mê, trách nhiệm cho thế hệ mai sau.
Công tác trong ngành giáo dục đòi hỏi lòng yêu nghề, đam mê, trách nhiệm cho thế hệ mai sau.
Theo quy định, công tác trong ngành GD, gồm: giáo viên, giảng viên làm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu hoặc chuyên môn, viên chức làm công tác quản lý trong các cơ sở GD thuộc hệ thống GD quốc dân, các cơ sở GD khác được cấp có thẩm quyền cho phép thành lập, các cơ quan nghiên cứu khoa học về GD và ĐT. Công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về GD, theo nghị định quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về GD.
 
“Đối với những SV không muốn nhận hỗ trợ từ nghị định này, có thể tự túc đóng học phí và không ký cam kết thực hiện Nghị định số 116”- ông Duy Khang cho biết. 
 
Thông tin thêm về vấn đề trên, ThS Nguyễn Trí Túc- Ban Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Đồng Tháp, lưu ý: “Hiện nay, nhiều trường có các ngành SP đáp ứng chương trình GD phổ thông 2018 như SP Khoa học tự nhiên, SP Lịch sử- Địa lý.
 
Muốn xét vào ngành SP bằng học bạ phải có học lực giỏi. Đối với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thường điểm rất cao và tất cả các trường phải đảm bảo điểm trúng tuyển lớn hơn hoặc bằng điểm sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT, điểm này sẽ được công bố theo từng năm”. 
 
Chọn học ngành SP là thực hiện ước mơ phục vụ cho ngành GD, thí sinh cần cân nhắc các điều kiện bản thân, gia đình. Không vì các khoản hỗ trợ mà chọn ngành mình không có năng lực. Song song đó, các em cần nghiên cứu kỹ Nghị định số 116 để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ nếu chọn nhóm ngành này.
Nghị định số 116 còn quy định: SV SP nghỉ học tạm thời, bị đình chỉ học tập tạm thời sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian nghỉ học hoặc bị đình chỉ học. SV SP dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần) hoặc dừng học vì lý do khác không do kỷ luật hoặc tự thôi học, được cơ sở ĐT giáo viên xem xét cho tiếp tục học tập theo quy định, thì tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại nghị định này nhưng thời gian hưởng không vượt quá thời gian tối đa hoàn thành chương trình ĐT.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN