Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cơ bản giữ ổn định như năm 2020

Cập nhật, 05:22, Thứ Tư, 10/03/2021 (GMT+7)

(VLO) Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT vừa công bố, về cơ bản kỳ thi giữ ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

Tùy tình hình dịch bệnh, các trường sẽ tổ chức tư vấn tuyển sinh trực tiếp.
Tùy tình hình dịch bệnh, các trường sẽ tổ chức tư vấn tuyển sinh trực tiếp.

Kỳ thi ổn định

So với Quy chế thi tốt nghiệp THPT được ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT thì có 16 điều khoản được sửa đổi, bổ sung. Những sửa đổi bổ sung điều hướng đến việc tổ chức kỳ thi được an toàn, nghiêm túc và đảm bảo độ tin cậy cao của kỳ thi.

Ông Trịnh Văn Ngoãn- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long- cho rằng: “Các kiến nghị điều chỉnh quy trình, quy chế thi được đề cập trong năm 2020 đã được ghi nhận, nghiên cứu và bổ sung và điều chỉnh khá hợp lý”.

Một số điểm mới chặt chẽ hơn đối với việc chấm thi tự luận, tất cả các hội đồng chấm thi tự luận đều phải tổ chức chấm chung 10 bài thi để thống nhất, tránh việc chấm lỏng hoặc chặt quá, hiểu sai hướng dẫn chấm, không nắm chắc quy trình chấm thi.

Trong dự thảo, Bộ GD- ĐT cũng quy định việc thực hiện quy trình chấm 2 vòng độc lập phải bố trí ở 2 phòng chấm độc lập.

Một vấn đề thí sinh cần lưu ý là khi ngồi tại phòng chờ nếu không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát tại phòng cũng bị đình chỉ thi. Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi năm đó.

Ở khâu sắp xếp phòng thi, 4 đối tượng gồm thí sinh đã tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp trung cấp, thí sinh giáo dục thường xuyên và học sinh lớp 12 THPT phải được bố trí chung một phòng tại một số điểm thi, bảo đảm có ít nhất 60% thí sinh lớp 12 THPT ở mỗi phòng thi. Những thí sinh đã thi tốt nghiệp, thí sinh tự do thi riêng với học sinh lớp 12 THPT.

Theo dự thảo, thí sinh dự thi đủ các bài thi/môn thi quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật hủy kết quả thi thì được bảo lưu điểm thi của các bài thi hoặc các môn thành phần của bài thi tổ hợp đạt từ 5,0 điểm trở lên trong kỳ thi tổ chức năm tiếp ngay sau đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, còn có quy định bổ sung về cộng điểm khuyến khích cho các đối tượng thí sinh.

Chủ động các phương án thi, tư vấn

Trước khi có dịch COVID- 19, tháng 3 là thời điểm có nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh.
Trước khi có dịch COVID- 19, tháng 3 là thời điểm có nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh.

Rút kinh nghiệm từ tình hình dịch bệnh, ông Trịnh Văn Ngoãn đề xuất Bộ GD- ĐT nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung: “Điều khoản cần quy định về số lần tổ chức thi, quy mô, đối tượng và thời điểm tổ chức thi khi có tình huống bất khả kháng- ví dụ tổ chức thi thành 2 đợt như năm học vừa qua; cần bổ sung quy định về xét đặc cách tốt nghiệp cho những trường hợp không thể dự thi tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19”.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ mức độ tham gia, thẩm quyền, trách nhiệm của lực lượng công an ở từng khâu trong quy trình tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Cần đơn giản hóa các hướng dẫn, quy định, thủ tục về quy trình tiếp nhận, bàn giao, cắt bì và niêm phong bì chứa bài thi tự luận một cách khoa học hơn.

Thêm vào đó, ông Trịnh Văn Ngoãn cho rằng: “Cần nghiên cứu điều chỉnh các yêu cầu về chấm phúc khảo cho phù hợp với quy mô, số lượng bài phúc khảo vì thực tế số bài phúc khảo không nhiều nên việc giữ nguyên cơ cấu Ban phúc khảo và quy trình chấm phúc khảo như cơ cấu và quy trình chấm lần đầu là không phù hợp”.

Về các chương trình tư vấn tuyển sinh, ông Nguyễn Hoàng Phong- Phó Trưởng Phòng Giáo dục trung học- Giáo dục thường xuyên (Sở GD- ĐT Vĩnh Long) cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện một phần kế hoạch tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp cho học sinh. Trước tết, đã có phối hợp thực hiện, sắp tới tùy tình hình thực tế, sẽ tổ chức trực tiếp tại trường THPT hoặc trực tuyến”.

Là trường THPT có số học sinh đông nhất nhì tỉnh, học sinh Trường THPT Lưu Văn Liệt đã được tư vấn tuyển sinh từ sớm với nhiều hình thức khác nhau.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Khương cho biết: “Tư vấn chọn ngành, chọn trường là những vấn đề cố định mỗi năm, riêng quy chế thi Bộ GD- ĐT khẳng định bình ổn nên chúng tôi cũng tự tin tư vấn cho các em”.

Tóm lại, việc giữ ổn định phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT như năm 2020 chỉ điều chỉnh một số quy trình, quy định còn bất cập ở lần tổ chức thi trước để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, minh bạch, kết quả thi là trung thực và có độ tin cậy cao.

Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được giữ ổn định như năm 2020. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dự kiến diễn ra trong 2 ngày với 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập, bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ); 1 bài thi tự chọn từ 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với học sinh THPT và tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với học sinh giáo dục thường xuyên).

Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, Bộ GD- ĐT chịu trách nhiệm ra đề thi và trong tháng 3/2021 sẽ có đề thi minh họa. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN