Thay đổi phương thức thi, xét tuyển ĐH thế nào?

Cập nhật, 05:57, Thứ Sáu, 24/04/2020 (GMT+7)

Cuộc họp ngày 21/4/2020 đã thống nhất sẽ tổ chức kỳ thi THPT, nhưng đây sẽ là kỳ thi chỉ còn một mục đích xét tốt nghiệp THPT. Các trường ĐH sẽ xét tuyển ra sao trước những thay đổi này?

Học sinh lớp 12 ở Vĩnh Long sẽ nhập học lại vào ngày 27/4. Trong ảnh: Thực hiện các biện pháp phòng dịch trong lần nhập học đầu tiên sau Tết Nguyên đán ở Trường THCS- THPT Trưng Vương (TP Vĩnh Long).
Học sinh lớp 12 ở Vĩnh Long sẽ nhập học lại vào ngày 27/4. Trong ảnh: Thực hiện các biện pháp phòng dịch trong lần nhập học đầu tiên sau Tết Nguyên đán ở Trường THCS- THPT Trưng Vương (TP Vĩnh Long).

Thi để xét tốt nghiệp THPT

Kỳ thi THPT sẽ chỉ còn một mục tiêu là xét tốt nghiệp, thí sinh sẽ làm 3 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn.

Mục đích chính của kỳ thi là xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường ĐH, CĐ sử dụng tuyển sinh trên tinh thần tự chủ.

Dự kiến, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm ra đề thi chung cho cả nước, thanh tra, giám sát kỳ thi. UBND các tỉnh- thành trực thuộc Trung ương chủ trì tổ chức kỳ thi, chịu trách nhiệm các khâu coi thi, chấm thi tự luận, thanh tra thi.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- cho rằng, phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT như công bố là theo đúng cơ chế tự chủ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học và Luật Giáo dục 2019, địa phương chủ động trong bố trí kinh phí, nhân sự để làm công tác coi thi và chấm thi.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, mỗi năm Bộ GD- ĐT đều có cải tiến một số khâu về kỹ thuật và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tối đa tiêu cực trong thi cử. Kỳ thi THPT quốc gia 2019 chứng minh điều đó. Bởi vậy, giao địa phương tổ chức thi là hoàn toàn hợp lý.

Trong kỳ thi năm nay, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục tăng cường thanh tra cắm chốt, ứng dụng công nghệ thông tin và một số quy trình về mặt kỹ thuật để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh.

Về chấm thi, hiện quy chế hướng dẫn về chấm thi đã phù hợp, khu vực chấm thi trắc nghiệm đã được bố trí camera giám sát 24/24 nên đảm bảo khách quan, minh bạch, không xảy ra tiêu cực.

Quan trọng là phương án bố trí để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vì thế, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, Bộ GD-ĐT nghiên cứu giao công tác chấm thi trắc nghiệm cho trường ĐH tại địa phương bảo đảm đủ điều kiện nhằm hạn chế việc di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, đảm bảo an toàn trong tình hình phòng, chống dịch và tiết kiệm ngân sách.

Xét tuyển ít thay đổi

Trước những thay đổi của kỳ thi THPT năm 2020, các trường ĐH trong tỉnh Vĩnh Long đã chuẩn bị các phương án xét tuyển thích hợp với tình hình.

Do đặc thù các trường ĐH ở Vĩnh Long xét tuyển bằng kết quả học tập và điểm thi THPT nên những thay đổi trên không ảnh hưởng lớn đến cách thức xét tuyển. Cả 3 trường ĐH ở Vĩnh Long đều đang nhận hồ sơ xét tuyển của học sinh bằng kết quả học tập THPT.

Đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh để tạo thuận lợi cho thí sinh, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây sẽ xét tuyển bằng học bạ như hàng năm và chuẩn bị xem xét đưa vào đề án tuyển sinh, tuyển sinh bằng điểm thi THPT xét điểm theo tổ hợp và xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Quốc gia.

TS. Trương Công Bằng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây- cho rằng: “Kỳ thi THPT năm nay được tổ chức để xét tốt nghiệp là đúng với tình hình dịch bệnh.

Riêng trường chúng tôi, sẽ linh động xét tuyển, tuyển sinh. Trước mắt xét học bạ 3 năm học 10, 11, 12, hoặc học bạ lớp 12 theo các tổ hợp xét tuyển”.

PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- cho biết đã nhận được hơn 1.000 hồ sơ xét tuyển bằng kết quả học tập. Thầy Phi cho rằng: “Xét tuyển dựa trên kết quả học tập là cả một quá trình có thể đánh giá chính xác học lực của thí sinh.

Tuy nhiên, tất cả tân sinh viên khi vào nhập học sẽ trải qua 1 kỳ thi xem như đánh giá năng lực. Riêng phương án xét điểm thi THPT vẫn sẽ được thực hiện, thầy Phi nói thêm: “Vẫn xét tuyển bằng điểm thi THPT, tuy nhiên điểm đầu vào có thể thay đổi so với năm 2019”.

Trong khi đó, Trường ĐH Cửu Long vẫn tiếp tục phương án tuyển sinh bằng kết quả học tập. PGS.TS. Lương Minh Cừ cho biết: “Về phương thức xét tuyển điểm thi THPT, chúng tôi đang đợi những hướng dẫn cụ thể của Bộ GD- ĐT và sẽ xem xét có xét tuyển bằng phương thức này hay không”.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh đồng tình với phương án thi 3 môn bắt buộc và lựa chọn 2 môn tổ hợp. Các môn thi thành phần còn lại trong bài thi tổ hợp được dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ; điều này giúp giảm áp lực cho thí sinh đồng thời thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ nếu các trường này vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển. Bên cạnh đó, khi học sinh tự chọn môn thi cũng là cơ hội để các em phát huy năng lực, sở trường của mình; giúp học sinh tự định hướng nghề nghiệp đồng thời thực hiện tốt việc phân luồng sau THPT theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN