Sổ tay

Điểm sàn- bức tranh muôn màu

Cập nhật, 05:56, Chủ Nhật, 04/08/2019 (GMT+7)

Năm nay, Bộ GD- ĐT chỉ xác định điểm sàn ngành sức khỏe và sư phạm, còn lại để các trường ĐH tự định điểm sàn. Ngay khi có thông báo này, nhiều người đã dự đoán bức tranh điểm sàn “muôn màu” như hiện nay.

Nếu như “điểm sàn” là một trong những thước đo xác định vị thế chất lượng của các trường trong hệ thống thì bài toán “cơm áo gạo tiền” cũng đè nặng trên vai những người trong cuộc.

Có thể hiểu lý lẽ điểm sàn thấp chứng tỏ chất lượng giáo dục nhưng cũng có thể cảm thông cho những trường lấy điểm thấp vì không ai muốn đánh đổi thương hiệu, vị thế của nhà trường bằng điểm sàn.

Điểm sàn các trường mà báo chí “điểm danh” là con số rất nhỏ so với bức tranh chung ở nhiều trường. Có nhiều trường ĐH điểm sàn rất cao và cũng không ít trường điểm thấp không được nêu.

Hơn thế nữa, mỗi khu vực, vùng miền học sinh có trình độ không như nhau, phổ điểm cũng khác nhau ở các môn. Các trường ĐH phải căn cứ vào khu vực tuyển sinh để xác định điểm sàn thích hợp.

Trong khi đó, không ít trường CĐ sư phạm đang khóc ròng với điểm sàn quy định: CĐ sư phạm lấy “sàn” là 16 điểm và trung cấp sư phạm lấy “sàn” 14 điểm. Bài toán tuyển sinh các ngành sư phạm đã khó, CĐ sư phạm càng khó hơn.

Câu hỏi đặt ra là với điểm sàn 16, cao hơn mức điểm sàn những ngành khác của nhiều trường ĐH thì mấy thí sinh chọn CĐ sư phạm hay trung cấp sư phạm?

Tỷ lệ sinh viên ĐH trong độ tuổi của Việt Nam là 28,3%, thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới (ví dụ Thái Lan có tỷ lệ 49,3%). Giáo dục ĐH phải nâng cao chất lượng là điều hiển nhiên nhưng việc nâng số lượng cũng cần không kém.

Vấn đề không gói gọn ở “điểm sàn” bao nhiêu mà hãy suy nghĩ tại sao các trường lại lấy điểm sàn thấp? Phổ điểm thi thấp bắt nguồn từ kết quả học tập THPT và những nền tảng xa hơn nữa. Do đó, muốn nâng cao chất lượng đầu vào ĐH, CĐ thì việc lâu dài là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

VĨNH PHÚC