Triển khai tài liệu Tiếng Việt- Công nghệ giáo dục lớp 1: Đã chuẩn bị rất chu đáo

Cập nhật, 15:20, Thứ Tư, 26/09/2018 (GMT+7)

 

Đa số các đánh giá khi học sinh học chương trình này đều có kỹ năng đọc, viết và phát âm chính xác. Ảnh minh họa
Đa số các đánh giá khi học sinh học chương trình này đều có kỹ năng đọc, viết và phát âm chính xác. Ảnh minh họa

Theo các nhà quản lý giáo dục, câu chuyện về bộ tài liệu Tiếng Việt- Công nghệ giáo dục lớp 1 khi đưa vào triển khai ở các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã được chuẩn bị rất chu đáo, nhằm tránh những sai sót có thể xảy ra…

Chuẩn bị chu đáo

Theo Sở GD- ĐT, tài liệu Tiếng Việt- Công nghệ giáo dục lớp 1 của GS. Hồ Ngọc Đại đã được triển khai từ năm học 2013- 2014 tại 3 huyện với 741 học sinh. Đến năm học 2018- 2019, tài liệu được triển khai tại 144/197 trường tiểu học với 15.381 học sinh.

Đánh giá từ Sở GD- ĐT, chất lượng giáo dục của các trường triển khai bộ tài liệu này sau 5 năm học với các tiêu chí giỏi, hoàn thành, hoàn thành tốt tăng đều các năm. Năm học 2016- 2017, tỷ lệ giỏi, hoàn thành, hoàn thành tốt đạt trên 67,3% thì qua năm học 2017- 2018, tỷ lệ tương ứng là trên 70,2%.

Theo Phó Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Hồng, từ khi triển khai, giáo viên dạy học theo bộ tài liệu này được Bộ GD- ĐT tổ chức tập huấn kỹ lưỡng và giáo viên đủ năng lực để thực hiện tài liệu này.

Song song đó, lực lượng giáo viên được phân công giảng dạy hầu hết đều có tâm huyết, tích cực nghiên cứu, học hỏi để thực hiện tốt việc dạy học, giáo viên nghiên cứu thiết kế bài giảng theo quy định và thực hiện đúng, đủ quy trình cho các dạng bài, mẫu cho từng tiết dạy,…

Cũng theo ông Phạm Văn Hồng, giáo viên được phân công giảng dạy tài liệu này sẽ rèn học sinh mỗi buổi chiều (đối với trường học 2 buổi/ngày) và dạy lại kiến thức cho những học sinh vắng, các trường còn lại thì giáo viên có phương pháp tổ chức dạy riêng.

Đối với các trường huyện- thị- thành dạy theo tài liệu này luôn được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, lực lượng báo cáo viên cốt cán luôn có cách tháo gỡ vướng mắc và tư vấn, giúp đỡ kịp thời.

Qua đó nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, để có sự điều hành tốt trong công việc dạy theo tài liệu này. “Cán bộ quản lý, giáo viên luôn trao đổi với phụ huynh học sinh để họ tiếp cận và hiểu nhiều hơn đối với tài liệu này, cũng như phương pháp dạy để phụ huynh nắm rõ hơn…”- ông Phạm Văn Hồng chia sẻ.

Hiện tại, đã có Mang Thít, Long Hồ, Vũng Liêm, Bình Tân và TX Bình Minh có 100% lớp 1 tổ chức dạy học theo tài liệu này. Theo một lãnh đạo của Phòng GD- ĐT huyện Mang Thít, tài liệu đưa vào giảng dạy đã phát huy được một số mặt tích cực, tỷ lệ học sinh giỏi, hoàn thành và hoàn thành tốt luôn chiếm tỷ lệ cao.

“Năm học 2018- 2019, các trường trên địa bàn tiếp tục áp dụng tài liệu này trong giảng dạy. Đồng thời ngành cũng đã tuyên truyền tốt để phụ huynh hiểu những mặt tích cực của bộ tài liệu này…”- lãnh đạo này cho hay.

Những khúc mắc cần tháo gỡ

Những mặt tích cực của bộ tài liệu này theo ý kiến của các nhà giáo, sẽ giúp ích rất nhiều cho học sinh về mặt ngữ âm, chính tả, đặc biệt là tập tính tự tin, tự lập… Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, khúc mắc cần tháo gỡ để bộ tài liệu này hoàn thiện hơn.

Anh Nguyễn Minh Tuấn (xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm) cho biết, sau khi hoàn thành chương trình lớp 1, con anh đọc, viết và phát âm chính xác. Tuy nhiên, khi lên lớp 2, một số từ, tổ hợp từ, ngữ cảnh có thay đổi (so với chương trình SGK hiện hành) nên thời gian đầu còn bỡ ngỡ, gây khó khăn. “Nếu như nội dung của tài liệu này đồng bộ hơn với chương trình SGK hiện hành thì sẽ có hiệu quả cao trong quá trình học tập của trẻ em…

Đồng thời tài liệu cũng có một số mẩu chuyện có văn phong chưa phù hợp với lứa tuổi cũng như có tính giáo dục cao cần phải điều chỉnh”- anh Tuấn cho hay.

Một nội dung trong sách được đánh giá chưa phù hợp khi có từ nhân xưng “mày- tao”.
Một nội dung trong sách được đánh giá chưa phù hợp khi có từ nhân xưng “mày- tao”.

Theo ông Phạm Văn Hồng, đối với tài liệu Tiếng Việt- Công nghệ giáo dục lớp 1, hiện nay có 1 số phụ huynh vẫn còn chịu ảnh hưởng từ SGK thuộc chương trình hiện hành và chưa quen với tài liệu này. Do đó, dẫn đến khó khăn trong việc hỗ trợ cho các em học tập ở nhà.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hồng cũng nêu quan điểm, một số từ ngữ, thuật ngữ trong tài liệu Công nghệ giáo dục đôi khi chưa mang tính phổ thông đối với học sinh các tỉnh ĐBSCL, gây khó hiểu cho một số phụ huynh và học sinh. Đồng thời có một bộ phận giáo viên khi chuyển sang dạy tài liệu mới đôi khi chưa cập nhật kịp thời với phương pháp dạy học…

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học (đã về hưu) ở huyện Long Hồ chia sẻ, việc triển khai tài liệu là tự nguyện. Song, ngoài những từ ngữ, thuật ngữ xa lạ với miền Tây Nam Bộ thì nhiều hình ảnh minh họa cũng chưa thật sát thực tế.

Thầy này lấy ví dụ như khung cảnh làng quê mà trong tài liệu khơi gợi cho các em là “giếng nước, gốc đa, mái đình, áo tứ thân,…”, thế nhưng, những hình ảnh này ở miền Tây Nam Bộ lại là “bờ tre, góc ruộng, mái đình làng đặc trưng, áo bà ba đơn giản,…”.

“Do đó, nếu có một chương trình chuẩn nhưng có nhiều bộ tài liệu tham khảo phù hợp với từng khu vực thì rất tốt. Mà xu hướng chung của thế giới, họ luôn có 1 chương trình chuẩn và nhiều bộ sách khác nhau (nội dung bám theo chương trình chuẩn) để đưa vào giảng dạy…”- thầy này chia sẻ.

Theo ông Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT, hiện nay, các trường tiểu học đã triển khai tài liệu này vẫn tiếp tục thực hiện. Do đó, đến khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có ý kiến chỉ đạo từ Bộ GD- ĐT.

Có một ý kiến của một chuyên gia về quản lý giáo dục cho rằng, nền giáo dục cần có một bộ từ ngữ với chương trình chuẩn mang tính hàn lâm, song song với đó là một bộ khẩu ngữ phù hợp với từng vùng miền. Có như vậy mới vừa phục vụ nhu cầu đổi mới giáo dục, vừa đảm bảo tính vùng miền và nét văn hóa đặc trưng vốn đã có từ xưa…

 

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN